Mỗi năm thế giới có trên 5 triệu người chết vì tai nạn thương tích

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có trên 5 triệu trường hợp tử vong, hàng chục triệu người bị thương do tai nạn thương tích trên toàn thế giới
Mỗi năm thế giới có trên 5 triệu người chết vì tai nạn thương tích ảnh 1Nhiều xe máy bị hư hỏng nặng trong một tai nạn giao thông. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Ngày 12/11, tại Hà Nội, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) phối hợp với Trường Đại học Y tế công cộng, Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu tổ chức Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ ba về phòng chống tai nạn thương tích với sự tham dự của gần 250 đại biểu trong nước, quốc tế.

Hội nghị nhằm xây dựng và triển khai chính sách phòng chống tai nạn thương tích, từ đó đưa ra biện pháp can thiệp, giảm thiểu gánh nặng tai nạn thương tích cho nạn nhân, gia đình và xã hội; nâng cao năng lực giám sát và nghiên cứu chống tai nạn thương tích trong cộng đồng.

Tai nạn thương tích là nguyên nhân chính gây tổn thất lớn về người và tài sản cho xã hội.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có trên 5 triệu trường hợp tử vong, hàng chục triệu người bị thương do tai nạn thương tích trên toàn thế giới. Tai nạn thương tích là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật và tử vong, đặc biệt là trong nhóm dân số trẻ và trong độ tuổi lao động.

Mỗi năm có tới trên 1,2 triệu trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, trên 600.000 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước. Trên 2/3 số trường hợp đó xảy ra tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính mỗi ngày có tới 3.600 trường hợp gặp tai nạn thương tích, 90 người tử vong.

Trong đó, tai nạn giao thông và đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em dưới 19 tuổi, cướp đi mạng sống của hơn 3.000 trẻ em mỗi năm.

Thời gian qua, Việt Nam đã phối hợp tích cực với các đơn vị trong và ngoài nước trong công tác phòng chống tai nạn thương tích. Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai sâu rộng các nhiệm vụ phòng chống tai nạn thương tích của ngành y tế và đã đạt được một kết quả khả quan.

Cụ thể, hệ thống giám sát số ca mắc và tử vong do tai nạn thương tích đã được thiết lập làm cơ sở xây dựng các chính sách.

Việc can thiệp phòng chống tai nạn thương tích như đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy, không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông… được tiến hành thường xuyên.

[An Giang: Cứu sống hai nữ sinh bị đuối nước khi tập bơi]

Bên cạnh đó, chương trình quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích đã được xây dựng. Nhờ đó, người dân và các cấp chính quyền địa phương được nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng chống đuối nước. Năng lực cấp cứu, chăm sóc chấn thương trước khi nhập viện do tai nạn thương tích tại nhiều địa phương được nâng cao.

Mô hình cộng đồng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế đã được tập trung xây dựng. Đến nay đã có 220 xã, phường trên cả nước được công nhận là cộng đồng an toàn quốc gia với các mô hình trường học an toàn, gia đình an toàn, ngôi nhà an toàn…

Trong 10 năm qua, số liệu thống kê cho thấy, các chính sách và can thiệp phòng chống tai nạn thương tích của các bộ, ngành, địa phương đã góp phần giảm 20% tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích tại cộng đồng.

Mỗi năm thế giới có trên 5 triệu người chết vì tai nạn thương tích ảnh 2Bà Trần Thị Kim Thia dạy bơi cho trẻ em. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Theo ông Phạm Việt Cường (Trường Đại học Y tế công cộng), tại Việt Nam, tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và thương tật cho con người. Tiếp đến là chết đuối, ngã, tự gây thương tích, bạo lực, tai nạn do tiếp xúc với lực cơ khí, tác động không mong muốn của dịch vụ y tế, lửa, nhiệt và đồ nóng, tai nạn giao thông không phải đường bộ, ngộ độc.

Đáng lưu ý là ở lứa tuổi 15-19 tuổi số vụ tự tử đã xuất hiện và có xu hướng gia tăng. Điều này đặt ra yêu cầu về việc chăm sóc sức khỏe tâm thần, giáo dục ý thức sống cho thanh, thiếu niên, nhất là giai đoạn trẻ dậy thì, thành niên.

Ông Phạm Việt Cường khẳng định các hoạt động phòng chống tai nạn thương tích đã mang lại hiệu quả ban đầu nhưng việc mở rộng, thường xuyên tuyên truyền là quan trọng. Ngoài sự quan tâm của Chính phủ, các ban ngành, Việt Nam cần phối hợp và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để nâng cao hiệu quả trong hoạt động phòng chống tai nạn thương tích.

Tại hội nghị, các đại biểu trong nước, quốc tế đã chia sẻ kết quả can thiệp chứng minh tính hiệu quả đối với các giải pháp phòng chống đuối nước, những thông tin về các khóa học mới, cơ hội hợp tác thúc đẩy và triển khai toàn diện các hoạt động phòng chống hoạt động tai nạn thương tích trong thời gian tới, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật cho cộng đồng.

Trong khuôn khổ hội nghị còn diễn ra đồng thời năm chuyên đề tập trung vào các vấn đề thúc đẩy thực thi mục tiêu phát triển bền vững về phòng chống tai nạn thương tích; vận động và đánh giá chính sách phòng chống tai nạn thương tích dựa vào bằng chứng; sự tham gia của cộng đồng trong phòng chống tai nạn thương tích; tiếp cập thay đổi hành vi trong phòng chống tai nạn thương tích; chính sách và can thiệp giảm nhẹ hậu quả về sức khỏe do tai nạn thương tích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục