Mỗi năm, khoảng 120.000 đến 143.000 lao động ra nước ngoài làm việc

Bình quân mỗi năm, khoảng 120.000 đến 143.000 lao động ra nước ngoài làm việc; lượng kiều hối từ lực lượng lao động này gửi về đạt 3,5-4 tỷ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với người lao động Việt Nam làm việc tại Công ty Cổ phần Shibata Gousei, Nhật Bản. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một hướng giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

Hoạt động này còn góp phần tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với những nước sử dụng lao động theo nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi, tôn trọng pháp luật và truyền thống dân tộc của nhau.

Thông tin trên được ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định tại Hội thảo bàn về việc nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng 27/12.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và xem là một chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ lao động cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một bộ phận của hợp tác quốc tế, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài với các nước.

Việt Nam hiện có hơn 500 doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép đưa người lao động đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ làm việc, trong đó từ năm 2010 đến nay đã đưa trên 1,4 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn.

Bình quân mỗi năm, các cơ quan, doanh nghiệp đưa khoảng 120.000 đến 143.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Lượng kiều hối từ lực lượng lao động này gửi về đạt khoảng 3,5-4 tỷ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhìn nhận việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương chưa thật sự đầy đủ, quản lý nhà nước còn phân tán, chồng chéo.

Chi phí đi làm việc ở nước ngoài cao, vẫn còn tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước…

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã hỗ trợ thực hiện quy tắc ứng xử, giám sát, đánh giá các doanh nghiệp; nâng cao tiêu chuẩn trong kinh doanh, phát triển bền vững; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong việc đưa người Việt Nam đi làm việc nước ngoài; hỗ trợ cho người lao động khiếu nại hiệu quả, được giải quyết, đền bù thỏa đáng.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Điều phối viên Chương trình Quốc gia về Lao động Di cư ILO cho biết Văn phòng ILO Việt Nam đang hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) xây dựng chương trình cho lao động Việt Nam làm việc ở Nhật Bản với chi phí 0 đồng.

Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc ESUHAI Group, là doanh nghiệp đã đào tạo tiếng Nhật cho hơn 32.000 học viên, trong đó có hơn 16.000 thanh niên trẻ sang Nhật Bản học tập và làm việc theo các chương trình thực tập kỹ năng, kỹ sư chất lượng cao. Lưu học Nhật Bản đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc định hướng, đào tạo, cơ hội việc làm.

Đồng thời, ông Lê Long Sơn nhấn mạnh việc tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là quy định về tiền dịch vụ để giảm gánh nặng cho người lao động. Quá trình tuyển dụng lao động, tuyệt đối không sử dụng hay liên kết với bất kỳ tổ chức, cá nhân môi giới, trung gian nào, nhằm tránh việc phát sinh các chi phí không phù hợp đối với người lao động.

Tại hội thảo, bà Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng đây là dịp để nhìn lại một số mặt được và chưa được. Hội thảo đã đưa ra các giải pháp tạo sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng của doanh nghiệp khi đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, tạo thương hiệu, văn hóa Việt Nam; cung cấp thông tin, kể cả thông tin rủi ro.

Đặc biệt, các đại biểu đã chỉ ra cơ hội, bồi dưỡng để người lao động trở về nước; định hướng cho nguồn nhân lực trong tương lai, tận dụng dân số vàng, nguồn nhân lực có kỹ năng; kết nối địa phương; tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động tiếp cận thị trường lao động làm việc nước ngoài.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có hơn 500 doanh nghiệp đưa người Việt Nam lao động nước ngoài, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, bộ máy nhân sự lớn, mạnh về vật chất, đầu tư ra nước ngoài đảm bảo an toàn cho người lao động, đưa hàng trăm người lao động đi làm việc nước ngoài.

Bộ đã và đang hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đưa nhiều người lao động đi nước ngoài làm việc. Bộ đồng hành cùng các cơ quan quản lý xây dựng cơ chế, tháo gỡ khó khăn, hướng đến tạo điều kiện, giảm chi phí cho người lao động. Đồng thời, Bộ tiếp tục phối hợp cùng ILO để người lao động đi làm việc nước ngoài an toàn, hợp pháp, hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục