Mỗi năm có 5 triệu người tử vong vì lười vận động

Theo nghiên cứu mới được công bố, 1/3 số người trưởng thành trên toàn thế giới sống trong tình trạng thiếu vận động thể chất.
Theo kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Y học Lancet ngày 18/7, có tới 1/3 số người trưởng thành trên toàn thế giới đang sống trong tình trạng thiếu vận động thể chất và lối sống theo kiểu "củ khoai tây" này chính là nguyên nhân gây tử vong cho 5 triệu người mỗi năm.

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện thống kê cho biết cứ bình quân 10 người trong độ tuổi từ 15 trở lên (khoảng 1,5 tỷ người), có tới 3 người không vận động đủ thời gian được khuyến nghị và tình trạng này còn đáng lo ngại hơn ở nhóm thanh thiếu niên trong độ tuổi 13-15 vì cứ 5 em, có tới 4 em bị xếp vào đối tượng thiếu vận động.

Theo quy định y tế, nếu một người không vận động thể chất nhẹ nhàng đủ 30 phút/5 lần/tuần, và vận động thể lực mạnh 20 phút/3 lần/tuần hoặc kết hợp cả hai hình thức vận động trên, thì bị coi là rơi vào tình trạng thiếu vận động.

Thống kê thứ hai nhằm vào những đối tượng người bệnh, cho thấy hoạt động thể chất có ảnh hưởng trực tiếp tới nhóm bệnh nhân mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch và ung thư...

Chỉ tính riêng năm 2008, trong tổng số 57 triệu người tử vong trên toàn thế giới, có 5,3 triệu người chết do lối sống "lười" vận động. Sự thụ động này cũng chính là nguyên nhân gây bệnh của 6% số ca tim mạch, 7% ca tiểu đường type 2 (dạng phổ biến nhất), 10% ca ung thư vú và ruột kết.

Các nhà nghiên cứu đánh giá mức độ nguy hiểm của tình trạng thiếu vận động tương đương với bệnh béo phì và nạn hút thuốc lá và nếu thế giới giảm được 10% tỷ lệ người thiếu vận động sẽ ngăn chặn được cái chết của hơn 500.000 người/năm.

Theo các nhà khoa học, vận động thể chất thường xuyên rất tốt cho sự phát triển của xương, cơ, tim và các cơ quan chức năng khác, song thực tế ngày nay các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy, nhảy và đi xe đạp... ngày càng ít hơn, thay vào đó là hình thức di chuyển bằng xe hơi và ngồi quá nhiều trước màn hình máy tính.

Tình trạng ì ạch này lại càng gia tăng theo tuổi tác, đặc biệt chiếm tỷ lệ cao hơn ở phụ nữ và phổ biến hơn ở những quốc gia có thu nhập cao.

Theo kết quả nghiên cứu, "tình trạng thụ động" đang trở thành "đại dịch" nguy hiểm trên toàn cầu.

Nghiên cứu trên kêu gọi nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy các hoạt động thể chất trong cộng đồng, theo đó đẩy mạnh các hoạt động giáo dục thể chất trong trường học và tại các trung tâm thể dục thể thao miễn phí./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục