Mối lương duyên đẹp của nghệ thuật và du lịch

Hút du lịch từ văn hóa là điều không lạ vì du lịch và nghệ thuật luôn là lương duyên đẹp. Mối lương duyên bắt đầu từ chuỗi chương trình nghệ thuật.
Trong những ngày tháng Ba năm 2011 này, có chuỗi chương trình văn hóa nghệ thuật mang tính khởi động cho một chương trình nghệ thuật đồng hành cùng du lịch. Được biết, hành trình sẽ dài hơi, vừa thực hiện vừa điều chỉnh. Các công ty du lịch sẽ "bắt tay" cùng các nhà tổ chức biểu diễn để khẳng định vai trò "xúc tiến du lịch" của văn hóa. Thực chất, đó là cuộc “chạm ngõ” hứa hẹn “nhân duyên” tốt đẹp giữa du lịch và văn hóa của nước nhà.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn ông Vương Duy Biên - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn xung quanh các hoạt động với mục đích nêu trên.

- Theo quan sát của chúng tôi, trong thời gian gần đây việc phát triển nghệ thuật biểu diễn như những sản phẩm thu hút du lịch đang được đặc biệt chú trọng. Ông có thể cho biết đó là những hoạt động của mỗi đơn vị nghệ thuật hay từ một kế hoạch tổng thể?


Ông Vương Duy Biên:
Như chúng ta cùng biết về sự đặc sắc của văn hoá dân tộc và những tiềm năng từ nghệ thuật truyền thống rất lớn nhưng chúng ta hầu như không khai thác được là bao. Việc dùng văn hoá để hút du lịch là việc làm đã được nhiều nước áp dụng rất thành công.

Văn hóa Việt Nam với 54 dân tộc anh em rất phong phú đa dạng. Sức mạnh lớn này chưa được chú ý, khai thác chính là một thiếu sót. Thực tế, người nước ngoài đến Việt Nam chỉ  thường chỉ biết có múa rối nước, thậm chí còn tưởng múa rối nước là đặc trưng, đại diện cho cả nền văn hóa Việt. Thế nên, việc quảng bá nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc là điều tất yếu phải làm.

- Cục trưởng có thể giới thiệu hệ thống chương trình hoặc “liên chương trình” nghệ thuật mà ông đã tham gia biên kịch và chỉ đạo trong thời gian này? 


Ông
Vương Duy Biên: Đầu tiên, là chương trình “Hương đất” đã dàn dựng ở Nhà hát Tuổi trẻ. Nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật trình diễn đã tiếp nối nhau làm thành một ấn tượng rất Việt Nam. Cảnh sàng thóc, xay lúa, phơi rơm là phần mở đầu cho những màn trình diễn ca múa đậm bản sắc dân tộc.

Tiếp theo, là chương trình biểu diễn nghệ thuật của 5 nhà hát. Nhà hát Tuồng Việt Nam, nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam và Nhà hát Múa Rối Trung ương. Chương trình đã chọn lọc những tiết mục đặc sắc nhất đến từ các đơn vị.

Với những tiết mục “Ông lão cõng vợ đi hội” của Nhà hát Tuồng Việt Nam, “Múa bụng” của nhà hát Múa Rối Trung ương. Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam có tiết mục múa rất đặc sắc mang tên “Gạo mới.” Tiết mục mô phỏng từ hình ảnh các cô gái dân tộc Khơ Mú trong ngày mùa…  

Và chương trình thứ ba chính là chương trình ca múa nhạc dân tộc tuyển chọn của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam. Có thể nói đó là những tiết mục đặc sắc nhất, xứng đáng đại diện cho nghệ thuật Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

- Việc đưa ra cả một loạt tưng bừng như thế quả là có giá trị biểu dương cho sức mạnh và sự phong phú của nghệ thuật nước nhà song việc “ghép” vào tour du lịch lại cần ngắn gọn, cô đọng và chọn lọc nữa. Vậy chúng ta sẽ định chọn thế nào từ những vườn lớn “trăm hoa đua nở” này, thưa ông?


Ông Vương Duy Biên: Đó là các tiết mục và chương trình chúng ta chọn, còn đối tượng thưởng thức là các “thượng đế” mà chúng ta hướng đến chọn mới chính xác. Phải dựa vào họ thích “món gì” và thích cách trình diễn thế nào để mình lựa tăng giảm, thay thể, thu gọn chứ.

Các du khách sẽ có đóng góp ý kiến và hưởng ứng với các tiết mục nào thì sẽ lọc vào để xây dựng chương trình cho chuẩn xác. Và chúng tôi cũng tính đến những sản phẩm “đổi món”, hoặc tiếp tục làm thêm mới những thể loại được đón nhận. Tóm lại, chúng tôi vừa làm vừa điều chỉnh.

-Trong sự điều chỉnh ấy thì liệu trong các tiết mục có kiệm lời hơn vì  theo phóng viên chúng tôi nhận thấy ở một số tiết mục dường như yếu tố lời hơi nhiều mà với khách nước ngoài lại bất đồng ngôn ngữ nên đó là một  hạn chế, thưa ông?


Ông Vương Duy Biên: Đúng vậy, chúng tôi cũng đã tính đến những điều đó. Sẽ có biên tập, điều chỉnh cho phù hợp. Sẽ có giới thiệu bằng chữ trên màn hình chiếu, bằng lời nói bằng tiếng Anh và cả một số thứ tiếng mà du khách nước ngoài có thể hiểu được.

Như các bạn đã thấy trong chương trình “Hương đất” đã có hai MC dẫn chương trình, một nói tiếng Việt và một tiếng Anh cùng giới thiệu chương trình. Tuy diễn viên nói tiếng Anh cần trau dồi thêm nhưng điều quý giá ở chỗ anh Sĩ Tiến chính là nghệ sĩ giỏi của Nhà hát chứ không phải là một “phiên dịch” nhà hát đi thuê.

- Vâng, như vậy khúc mắc sẽ ở vấn đề “đầu ra”, các chương trình nghệ thuật dù có đặc sắc đến đâu mà thiếu kết nối với nghệ thuật thì cũng khó phát triền dài lâu và bền vững. Có người hoài nghi lo ngại rằng kế hoạch này chỉ đẹp từ chủ trương, ý tưởng mà mắc khi đi vào thực tế?  

Ông Vương Duy Biên: Điều đó phụ thuộc vào chỉ đạo của cấp trên. Chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Việc đưa các chương trình biểu diễn nghệ thuật vào trong các tour du lịch như một hành trình bắt buộc là cần thiết. Tôi xin nhấn mạnh đây không chỉ vấn đề kinh doanh mà còn vấn đề quảng bá văn hóa Việt Nam ra với bạn bè quốc tế.

Như chúng ta đều biết các nước khác đã làm thành công việc đưa chương trình truyền bá văn hóa vào cac tour du lịch. Nếu chúng ta cũng làm được vậy, việc đến Việt Nam được xem các chương trình nghệ thuật mang bản sắc Việt sẽ góp phần quan trọng chinh phục được khách du lịch. "Tiếng lành đồn xa" ngày sẽ càng nhiều du khách quốc tế đến đắm mình trong văn hóa Việt. Và nếu ta liên tục làm tốt thì các bạn sẽ trở lại với ta nhiều.

Hy vọng bạn bè quốc tế sẽ thấy thú vị. Họ sẽ có những “thu hoạch” về ấn tượng văn hoá Việt. Và đó chính là “thu hoạch” của chúng ta.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục