Mới lạ sản phẩm du lịch liên vùng giữa TP.HCM và các tỉnh, thành

Mới lạ sản phẩm du lịch liên vùng giữa TP.HCM và các địa phương

Trong khuôn khổ Ngày Hội Du lịch TP.HCM lần 19-2023, diễn ra từ 6-9/4, Sở Du lịch phối hợp Hiệp hội Du lịch thành phố và một số tỉnh, thành tổ chức nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch liên vùng.
Mới lạ sản phẩm du lịch liên vùng giữa TP.HCM và các địa phương ảnh 1 Các đơn vị tham gia đoàn khảo sát tham quan Địa đạo Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Trong khuôn khổ Ngày Hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 19 năm 2023, với chủ đề “Tâm điểm giao thoa-Hành trình sống động” gắn với thông điệp chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh Chào đón bạn-Welcome to Ho Chi Minh City,” diễn ra từ ngày 6-9/4, Sở Du lịch phối hợp Hiệp hội Du lịch thành phố, cùng một số tỉnh, thành tổ chức nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch liên vùng đến doanh nghiệp và du khách.

Các đơn vị này đã phối hợp tăng cường giới thiệu điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch mới lạ; chương trình kích cầu du lịch, kết nối phát triển tuyến điểm du lịch liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương.

Ngày Hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 19 năm 2023, mang lại 4 tour khảo sát với 4 hành trình mới lạ, gồm tuyến phía Đông (quận 1-Bình Thạnh-Thủ Đức); tuyến phía Đông Nam (quận 1-quận 5-quận 7-Nhà Bè-Cần Giờ); tuyến phía Nam (quận 1-Bình Chánh); tuyến Tây Bắc và liên kết với Tây Ninh (quận 1-Hóc Môn-Củ Chi-Tây Ninh).

Đặc biệt, tuyến Tây Bắc và liên kết với Tây Ninh có hành trình 3 ngày 2 đêm, tập trung khảo sát những điểm đến nổi bật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh tạo thành tour liên tuyến mới lạ.

[TP.HCM: Bùng nổ hoạt động kích cầu mua sắm, du lịch chào đón năm 2023]

Ông Phan Đông Nhựt, chuyên viên Phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời Trưởng đoàn tuyến Tây Bắc và liên kết với Tây Ninh cho biết trong chương trình khảo sát, các đơn vị tham gia được trải nghiệm đa loại hình phương tiện di chuyển, công trình hiện đại, chương trình biểu diễn nghệ thuật, di sản văn hóa-lịch sử...

Cụ thể, đoàn khảo sát một số điểm đến là công trình hiện đại của Thành phố Hồ Chí Minh, gồm đài quan sát Sky Deck Bitexco là điểm đến gắn với sự phát triển của thành phố; ga Metro là công trình đang trong giai đoạn hoàn thành và dự kiến đưa vào vận hành trong thời gian tới; Công viên phần mềm Quang Trung là không gian ứng dụng công nghệ cao; trải nghiệm xe buýt 2 tầng vòng quanh Thành phố Hồ Chí Minh; khám phá kinh tế du lịch về đêm.

Bên cạnh đó, đoàn được tham quan khu di tích văn hóa lịch sử Lăng Ông Lê Văn Duyệt, xem chương trình biểu diễn nghệ thuật hát bội; khu du lịch làng nghề Một thoáng Việt Nam; di tích lịch sử Ngã Ba Giồng; Địa đạo Củ Chi... Tại tỉnh Tây Ninh, đoàn khảo sát Vườn Di sản ASEAN-Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát, Khu Du lịch sinh thái Đa Ha; Núi Bà Đen chiêm bái tượng Phật Bà Tây Bồ Đà Sơn; viếng thăm chùa Bà, Linh Sơn Tiên Thạch Tự...

Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Nguyễn Thanh Trúc, thành viên tham gia tuyến Tây Bắc và liên kết với Tây Ninh chia sẻ, đây là lần đầu tiên đến tham quan Địa đạo Củ Chi, bà vô cùng xúc động trước lịch sử hào hùng của dân tộc.

Cùng với đó, Địa đạo Củ Chi có nhiều sản phẩm, dịch vụ giúp khách tham quan hiểu hơn về văn hóa bản địa và phong tục tập quán vùng miền của người dân Việt. Đặc biệt, khi xem phim 3D về những đánh lịch sử của nhân dân và vùng đất Củ Chi; một số không quan văn hóa được tái hiện qua hình ảnh ngôi nhà, giếng nước... cho thấy đây là một trong những điểm đến có thể hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Mới lạ sản phẩm du lịch liên vùng giữa TP.HCM và các địa phương ảnh 2 Các đơn vị tham gia đoàn khảo sát tìm hiểu về các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ông Huỳnh Thế Vinh, Giám đốc Công ty Du lịch Mùa hè Xanh cho rằng, qua trải nghiệm tuyến tuyến Tây Bắc và liên kết với Tây Ninh cho thấy, Núi Bà Đen chiêm bái tượng Phật Bà Tây Bồ Đà Sơn là một trong những điểm đến có thể khai thác đưa vào hành trình tour liên tuyến giữa hai địa phương. Bên cạnh đó, Tây Ninh còn có một số điểm đến hấp dẫn về tâm linh như chùa Bà, Linh Sơn Tiên Thạch Tự; Khu Du lịch sinh thái Đa Ha... là những loại hình du lịch phù hợp với xu hướng thị hiếu du khách hiện nay.

Để tăng cường sức hút du khách trong và ngoài nước tham gia tour liên tuyến Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh, ngành Du lịch các địa phương nên nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ tại điểm đến; phân bổ hành trình đưa-đón khách hợp lý với đặc thù mỗi điểm đến để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, góp phần kéo theo những ngành kinh tế-xã hội khác phát triển.

Về phía chính quyền địa phương, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho hay thành phố mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai hoạt động liên kết phát triển du lịch ngày càng hiệu quả với nhiều sản phẩm, chương trình du lịch liên kết hướng đến trao đổi khách hai chiều, tạo thêm thị trường cho các điểm đến. Qua đó, các địa phương chung tay góp sức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa-lịch sử của dân tộc, cũng như thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, giao thông vận tải, thương mại-dịch vụ...

Thống kê quý 1 vừa qua, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh có sự tăng tốc tích cực, với khách quốc tế đạt 1,04 triệu lượt và khách du lịch nội địa đạt 7,5 triệu lượt. Tổng thu du lịch đạt 36.112 tỷ đồng, tăng 77,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo Sở Du lịch chủ trì, phối hợp cùng các sở ngành, Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thiết thực để phục hồi hoạt động du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục