Mối hiểm họa tiềm ẩn từ các cần cẩu tháp trong mùa mưa bão

Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng nghìn công trình xây dựng cao tầng đang thi công, dù được cấp phép hoạt động nhưng thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn do các cần trục tháp gây ra.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng nghìn công trình xây dựng cao tầng đang thi công. Dù được cấp phép hoạt động nhưng thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn do các cần trục tháp gây ra.

Mùa mưa bão đang diễn ra, nguy cơ xảy ra sự cố từ cẩu tháp tại Hà Nội trở thành vấn đề nóng, đòi hỏi có sự vào cuộc mạnh mẽ để ngăn chặn sự chủ quan, xem nhẹ tính mạng của người dân khi vận hành cẩu tháp.

Tai nạn cẩu tháp bắt nguồn từ chủ quan

Các công trình xây dựng tại Hà Nội mọc lên từng ngày, từng giờ ở cả nội thành và ngoại thành. Nhiều công trình nằm trong khu dân cư, sát với tuyến giao thông có mật độ phương tiện qua lại đông đúc. Đáng lưu ý, trên nhiều tuyến phố đang tồn tại số lượng không nhỏ cần trục cẩu tháp hoạt động không đúng quy định.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay trong giờ hành chính mà nhà thầu công trình bên cạnh đường Giải Phóng thuộc địa phận quận Thanh Xuân vẫn cho cẩu tháp có tên Ecoba hoạt động quá phạm vi giới hạn công trình xây dựng. Đây là hành động nguy hiểm, xem nhẹ tính mạng của người dân. Trong trường hợp này, nếu không may cẩu tháp gặp sự cố khi đường phố đông người qua lại, hậu quả sẽ không thể đong đếm được.

Chính sự chủ quan bất cẩn của đơn vị thi công nên đã xảy ra một số vụ tai nạn của cẩu tháp. Đơn cử khoảng 19 giờ 30 ngày 18/10/2016, chiếc cần cẩu cỡ lớn bên trong công trình xây dựng số 69 Thụy Khuê, quận Tây Hồ bất ngờ đổ sập. Tại hiện trường, cần cẩu bằng thép dài khoảng 50m vắt ngang từ bên trong khuôn viên công trường sang nhà dân phía đối diện. Rất may vụ tai nạn lao động không khiến ai bị thương, song làm hư hại hai nhà dân.

Hay mới đây, vào đầu tháng 5/2017, một vụ tai nạn lao động liên quan đến cẩu nâng hạ thiết bị trên cao tại khu chung cư 16 tầng thuộc dự án Thanh Hà Cienco 5, xã Cự Khê, Thanh Oai khiến ba công nhân bị thương.

[Hiểm họa từ các công trình xây dựng "trên trời" ngay giữa Thủ đô]

Về các nguyên nhân dẫn đến tai nạn cẩu tháp, ông Ứng Văn Thành, Chi cục Giám định xây dựng thuộc Sở Xây dựng Hà Nội - đơn vị chịu trách nhiệm cấp phép quản lý cẩu tháp đánh giá: “Qua một số sự cố trên địa bàn Hà Nội và qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy các sự cố xảy ra phần lớn do ý thức của người lao động như việc kiểm tra cáp, kiểm tra móc cáp chưa đúng với các biện pháp thi công, sử dụng cáp sai với tải trọng cho phép, dẫn tới hiện tượng đứt cáp, tuột cáp làm cho vật liệu rơi xuống gây sự cố.”

Ở góc độ là người thường xuyên chỉ huy thi công những công trình xây dựng cao tầng, anh Hoàng Văn Bách, Công ty Phát triển nhà số 7 Hà Nội, cũng chia sẻ những sự cố những nguyên nhân hay xảy ra tai nạn do cẩu tháp gây ra.

Anh Bách nói: "Trong quá trình cẩu, những vật nhỏ lẻ không được giằng chống kỹ, móc buộc không chuẩn có thể rơi xuống. Bên cạnh đó, nếu hệ thống xi nhan chưa đảm bảo, khi nhấc vật liệu lên có thể vướng và tuột xuống, gây mất an toàn.

Thắt chặt quản lý thi công cẩu tháp

Theo thống kê, năm nào trên địa bàn Hà Nội cũng xảy ra tai nạn từ cẩu tháp, cần vận thăng cũng như các thiết bị hoạt động ở trên cao. Để giảm nguy cơ gây tai nạn, nhất là vào mùa mưa bão, thời gian qua Sở Xây dựng Hà Nội cùng nhiều ban ngành quận, huyện thường xuyên kiểm tra, xử lý các công trình có hoạt động của cẩu tháp. Tuy vậy, những tai nạn từ thiết bị này vẫn thường xuyên xảy ra trên địa bàn Hà Nội mà nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ ý thức của đơn vị thi công.

Đặc biệt, để đảm bảo hoạt động của cẩu tháp, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có Chỉ thị số 08 về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý sử dụng, vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, Ủy ban Nhân dân thành phố phân rõ trách nhiệm cho các đơn vị liên quan Sở Lao động Thương binh-Xã hội, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân các quận huyện, nhà thầu thi công... có trách nhiệm trong an toàn của cẩu tháp.

[Hà Nội: Thót tim vì sắt công trình cao tầng “hạ cánh” xuống xe buýt]

Ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết theo quy định của thành phố Hà Nội, trường hợp cẩu tháp hoạt động quá phạm vi công trình chỉ được phép vận hành từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Quy định là vậy nhưng nhiều đơn vị thi công vẫn cho cẩu tháp hoạt động bất chấp thời gian quy định. Đặc biệt, trong quá trình thi công, nhiều đơn vị không bố trí đủ hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông theo quy định.

Để ngăn ngừa tình trạng không tuân thủ các quy định thành phố Hà Nội đã giao quyền hạn cho đơn vị thi công tự quyết định vị trí đặt cẩu tháp về phạm vi hoạt động, quy phạm lắp dựng, vận hành bảo trì cần trục tháp, các quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng của thành phố xem xét, kiểm tra việc thực trên của đơn vị thi công.

Tuy vậy, trên thực tế đơn vị thi công vẫn lách luật, bỏ qua những quy định bắt buộc dẫn tới có thể gây hậu quả trên địa bàn Thủ đô. Từ đó cho thấy ẩn họa từ tai nạn cẩu tháp là rất lớn. Đặc biệt, hiện nay ở thời điểm mùa mưa bão đang diễn ra với dự báo khó lường thì vấn đề an toàn của cẩu tháp càng cần sự lưu tâm kiểm tra, thắt chặt quản lý để hạn chế tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra trên địa bàn Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục