Nguy cơ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sở hữu bom bẩn phóng xạ sẽ là một nội dung bao trùm Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 4, dự kiến diễn ra trong hai ngày 31/3 và 1/4 tới tại thủ đô Washington (Mỹ).
Giới chuyên gia cho rằng IS khó có khả năng phát triển bom hạt nhân, song lo ngại lực lượng này có thể chế tạo bom bẩn phóng xạ, loại vũ khí có thể gây ô nhiễm phóng xạ trên diện rộng và kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, sức khỏe và sinh lý.
Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes nhận định các tổ chức khủng bố như IS vẫn luôn có tham vọng với vật liệu hạt nhân. Do đó, Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần này là rất quan trọng để các nước cùng xem xét và đánh giá mức độ đảm bảo an ninh hạt nhân của mình.
Bà Laura Holgate, Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) về vũ khí hủy diệt hàng loạt, chủ nghĩa khủng bố và giảm thiểu đe dọa, cho biết đối phó với IS sẽ là một nội dung trọng tâm của hội nghị.
Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân năm 2016 nhằm mục đích kéo cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau để cùng đối phó với mối đe dọa từ nguy cơ khủng bố hạt nhân trên toàn cầu. Đây cũng là diễn đàn để các nhà lãnh đạo thế giới tái khẳng định các cam kết, ở mức cao nhất, về tăng cường an ninh hạt nhân, vật liệu phóng xạ và chống lại chủ nghĩa khủng bố hạt nhân.
Đây là hội nghị thứ 4 về an ninh hạt nhân diễn ra kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền. Các hội nghị trước đó lần lượt được tổ chức tại Washington (năm 2010), Seoul (Hàn Quốc, năm 2012) và La Haye (The Hague, Hà Lan, năm 2014).
Đây cũng là hội nghị hạt nhân cuối cùng trước khi ông Obama rời Nhà Trắng. Giới quan sát quan ngại việc Tổng thống Obama mãn nhiệm sẽ phần nào làm chậm lại nỗ lực hợp tác hạt nhân giữa các chính phủ, vốn có ý nghĩa quan trọng đối với việc ngăn chặn các nhóm khủng bố sở hữu vũ khí hạt nhân.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest bày tỏ hy vọng tổng thống sắp tới của nước Mỹ sẽ tiếp tục duy trì nỗ lực trên./.