Trong ‘trái tim’ của mỗi cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Trường Sa - đảo là nhà, biển cả là quê hương. Cuộc sống tuy nhiều vất vả, hiểm nguy lại luôn rình rập, nhưng tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân son sắc, bền chặt giúp họ vượt lên trên tất cả khó khăn.
Bản lĩnh luyện rèn từ những việc làm giản dị
Đặt chân lên các đảo và nhà giàn, chúng tôi được gặp gỡ các chiến sỹ trẻ với tuổi đời mười chín, đôi mươi. Ai nấy đều có gương mặt xán lạn, nụ cười nhân hậu, tươi tắn và đặc biệt là màu da đồng ánh lên đầy rắn rỏi.
Môi trường rèn luyện trong học tập và trên thao trường đã tạo nên bản lĩnh kiên cường trong họ. Song, mỗi người chiến sỹ ấy vẫn luôn mang trong mình những khát vọng và sự lãng mạn của tuổi trẻ.
Trong đất liền, Cuộc sống Số đang chi phối giới trẻ từng ngày, từng giờ. Nhưng với các chiến sỹ nơi hải đảo xa, bên cạnh những hoạt động thể chất, văn nghệ, việc đọc sách, truyện và báo lại là những lựa chọn được nhiều người ưu tiên.
Thăm phòng đọc sách trên đảo Trường Sa, tôi gặp được chiến sỹ Phan Cao Lâm, (22 tuổi - nhập ngũ từ tháng 2/2023). Trao đổi chuyện trò, Lâm cho biết vào bộ đội đã thay đổi thói quen sử dụng điện thoại thông minh bằng phương pháp “sống chậm hơn.”
“Bình thường sau giờ điểm danh, bộ đội được nghỉ ngơi. Em sẽ cùng các đồng đội chơi thể thao. Ngoài ra, em cũng hay lên phòng đọc để lựa chọn những cuốn sách, hoặc truyện dài, hay tiểu thuyết. Với cách tiếp thu thông tin đó, em cảm nhận được nội dung như thấm vào từng dòng cảm xúc của mình. Mỗi cuốn sách, em đều thấy rất hay và cuốn hút,” Lâm chia sẻ.
Đảo Trường Sa có phòng đọc sách, báo với 4.800 đầu sách và 28 đầu báo các loại, 1 tủ sách pháp luật.
Ở một không gian khác, Trung úy Đoàn Khánh Linh đang lúi húi bắt những con sâu ẩn dưới mình dưới đám lá rau muống. Một chàng trai khôi ngô tuấn tú, khá là đẹp trai và Linh có sở thích “trò chuyện” bên rau xanh.
Trước mắt tôi là một mảnh vườn tươi tốt có nhiều loại rau. Đặc biệt là giàn bầu bí và các cây đu đủ cho trái trĩu trịt. Nhìn bằng mắt thường, chúng tôi cũng có thể cảm nhận được sự chuyên tâm và công sức của những người lính đã bỏ ra để chăm chút cho những “mảng xanh này.”
Linh vui vẻ đưa tôi đi thăm vườn rau và cho hay rau muống cấy tầm 10-15 ngày là được ăn, rau cải và bầu thì lâu hơn và khoảng 1 tháng là thu hoạch.
“Vào trong quân đội, em được hướng dẫn trồng rau và cách chăm sóc từ bón phân, đến tưới nước, đuổi bắt côn trùng, ong, sâu.... Ở đây, chúng em trồng rất nhiều loại, từ rau cải, rau muống, rau dền, rau đay, mùng tơi, cà pháo… Khí hậu trên đảo nắng và mang theo hơi muối, nên khó trồng rau và cần phải có sự chăm sóc kỹ càng hơn so với đất liền,” Linh nói.
Người “chiến sỹ” không mang quân hàm
Ngày nay, thị trấn Trường Sa có diện mạo khang trang với nhiều công trình đa chức năng được xây kiên cố (từ cầu cảng, sân bay, âu tàu, trạm hải đăng, đài khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, máy phát điện bằng sức gió…). Cùng với cán bộ chiến sỹ, mỗi công dân trên đảo cũng là những “tấm lá chắn” - bằng xương, bằng thịt kề vai sát cánh cùng bộ đội tạo nên bức “phên dậu” vững vàng bảo vệ thềm lục địa của Tổ quốc.
Đến với khu vực trường học trên đảo Đá Tây (thị trấn Trường Sa), tiếng ê, a… của trẻ nhỏ vang lên rộn ràng giữa không gian trong lành và rộng lớn của cây xanh lẫn gió biển, khiến các đại biểu trong Đoàn công tác không khỏi náo nức. Bước vào trong, chúng tôi được tham quan các lớp học và gặp gỡ, trò chuyện với hai thầy giáo cùng các cháu học sinh.
Đây là các lớp học ghép cho các học sinh nhiều lứa tuổi. Thày Ưng Văn Tuấn, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa (32 tuổi), đang dạy lớp một cho 9 học sinh từ 3 tuổi đến 6 tuổi. Thầy cho biết các con 3 tuổi có bài học riêng và 4 tuổi, 5 tuổi, 6 tuổi cũng là các trình độ khác nhau. Việc phải ghép lớp do độ tuổi của học sinh trên đảo trải dài từ mầm non đến hết cấp tiểu học. Hiện tại, biên chế của trường có hai thầy giáo và các thầy chia nhau hai lớp để dạy học. Một lớp cho các con từ tuổi mầm non đến 6 tuổi và lớp còn lại cho các con từ lớp hai đến lớp năm.
Thầy Tuấn cho biết có nguyện vọng được ra đảo giảng dạy và sự năng động, ngộ nghĩnh của các con luôn là nguồn động viên lớn để thầy phát triển sự nghiệp ở đây.
“Tôi ra đảo đã được 8 tháng, ban đầu bỡ ngỡ và nhiều khó khăn do một lớp học mà có đến các mấy độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên, các em rất ngoan và mình cũng dần tìm ra được phương pháp phù hợp nên công tác giảng dạy đã thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Tỉnh Khánh Hòa và Quân chủng Hải quân, Bộ tư lệnh vùng 4, đời sống vật chất của thày trò rất đầy đủ,” thầy Tuấn nói.
Cũng như người đồng nghiệp của mình, thầy Lưu Phước Thịnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ về sự gắn bó sâu sắc với lớp học của mình. Thầy thương các con như người thân và bằng tấm lòng của người cha, thầy mong muốn truyền đạt kiến thức cho các con được như bao đứa trẻ khác sống trong đất liền.
Thầy Thịnh cho biết đã có vợ cùng hai con và hơn sáu tháng nay, thầy chưa về nhà. Những lúc rảnh rỗi, thầy luôn gọi điện về cho các con, kể cho chúng về Trường Sa và những lứa học sinh của mình.
“Tôi luôn nhắn nhủ các con hãy chăm lo học thật giỏi, chúc gia đình nhiều bình an và hứa không có gì thay đổi đến giữa tháng Sáu sẽ về thăm nhà,” thầy nói.
Trung tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng đảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa chia sẻ những năm gần đây, tình hình tranh chấp trên các vùng biển, đặc biệt là khu vực Quần đảo Trường Sa ngày càng phức tạp. Quân và dân trên huyện đảo luôn nhận thức sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, đề cao cảnh giác, không ngừng nâng cao trình độ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Hơn nữa, Trung tá Trần Quang Phú cho biết do tình hình thế giới và khu vực dự báo có những diễn biến khó lường. Khu vực Trường Sa, Biển Đông sẽ phức tạp hơn, tiếp tục là điểm nóng trong tranh chấp, xuất hiện nhiều động thái mới, yếu tố bất ổn, có lúc căng thẳng và phức tạp. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và Quần đảo Trường Sa đang đặt ra cho quân và dân trên đảo những yêu cầu mới nặng nề hơn.
“Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 khóa 13 về ‘Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới,’ quân và dân trên đảo luôn phấn đấu bền bỉ, kiên trì vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm bảo vệ Quần đảo Trường Sa - Một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc,” Trung tá Trần Quang Phú khẳng định./.
Bài 1:
Trường Sa thiêng liêng và nhiệm vụ giữ vững môi trường hòa bình
Tình hình trên Biển Đông và các vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là phải giữ vững môi trường hòa bình và ổn định.
Bài 2:
Sinh Tồn Đông: “Có sức người, đảo bắt sóng vẽ hoa”
Đảo Sinh Tồn Đông có vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ trên quần đảo Trường Sa. Các cán bộ, chiến sĩ luôn quán triệt sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao.
Bài 3:
Len Đao kiên cường - Khúc ca bi hùng còn vang mãi
Mỗi cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo Len Đao luôn khẳng định quyết tâm vững vàng, không nao núng tinh thần, kiên quyết, kiên trì giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.
Bài 4:
Ngọn hải đăng tràn đầy sức sống - Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển
Nếu đảo Đá Đông hiên ngang giữa biển trời mênh mông, thì đảo Đá Tây lại vững vàng trở thành “căn cứ” an toàn của ngư dân ra khơi suốt dọc vùng duyên hải miền Trung, đến cực Nam của Tổ quốc.
Bài cuối:
Những “cánh sóng” lan tỏa tình yêu với biển đảo
Sau những chuyến công tác đến với Trường Sa, mỗi đại biểu ở một vị trí và có những cách riêng lan tỏa về tinh thần yêu thương và trách nhiệm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.