Mới có hơn 22.000 bệnh nhân tham gia điều trị bằng Methadone

Đến ngày 15/11, cả nước đã có 38 tỉnh, thành phố triển khai chương trình Methadone với 122 cơ sở điều trị và hơn 22.000 bệnh nhân tham gia điều trị.
Tư vấn phương pháp cai nghiện bằng thuốc Methadone. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

"Cộng đồng với việc thực hiện chương trình Methadone" là chủ đề của hội thảo do Dự án thành phần Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tổ chức ngày 20/11 tại Hà Nội, nhằm tìm hiểu thực trạng việc tiếp cận chương trình Methadone của những người tiêm chích ma túy và những người cung cấp dịch vụ điều trị Methadone.

Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết đến ngày 15/11, cả nước đã có 38 tỉnh, thành phố triển khai chương trình Methadone với 122 cơ sở điều trị và hơn 22.000 bệnh nhân tham gia điều trị.

Nguyên nhân của việc chậm triển khai điều trị thay thế chủ yếu là do cấp ủy, chính quyền ở nhiều địa phương còn thiếu sự quan tâm, đầu tư, huy động nguồn lực; còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ hỗ trợ từ Trung ương...

Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long đề xuất thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường công tác truyền thông về chương trình, huy động sự tham gia của các tổ chức dân sự xã hội và mạng lưới đồng đẳng; từng bước xã hội hóa để có nguồn kinh phí chi trả cho cán bộ hợp đồng; rà soát và đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính từ việc đưa người vào điều trị đến quy trình quản lý, uống thuốc sao cho thuận tiện.

Đặc biệt, chương trình Methadone dự kiến sẽ thu 10.000 đồng/người/ngày (chi cho tiền nước, cốc uống nước, điện, vệ sinh môi trường, chi cho cán bộ hợp đồng...).

Đại diện Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tại Hải Phòng cho biết: Tại địa phương, chương trình Methadone giúp giảm 70% hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy; mâu thuẫn gia đình, xã hội giảm mạnh; đặc biệt là giảm đáng kể chi phí đối với gia đình có người nghiện.

Đồng thời, điều trị Mehtadone giúp người nghiện không còn bị ám ảnh bởi việc tìm kiếm ma túy, tác động của đói thuốc, yên tâm làm việc phụ giúp gia đình... Hầu hết người bệnh, gia đình người bệnh khi được phỏng vấn đều đánh giá tốt về chương trình Methadone; cán bộ công tác tại cơ sở điều trị Methadone cũng đánh giá cao hiệu quả điều trị Methadone so với các phương pháp cai nghiện khác.

Tuy nhiên, hoạt động điều trị nghiện bằng Methadone vẫn gặp nhiều khó khăn như: Tỷ lệ bệnh nhân dùng ma túy tổng hợp ngày càng tăng và chưa có biện pháp can thiệp; nhiều bệnh nhân nghiện rượu; bệnh nhân đi làm ăn xa, công tác ở những địa phương không có chương trình Methadone (trong khi đó quy định không được mang thuốc theo); tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị ngày càng tăng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề như: Khung pháp lý cho việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; điều trị nghiện tại cộng đồng; rào cản trong việc tiếp cận điều trị Methadone; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone xã hội hóa.

Methadone là một loại thuốc tổng hợp, đồng vận với chất dạng thuốc phiện (nghĩa là có tác dụng tương tự như các chất dạng thuốc phiện như morphin, heroin) nhưng có thời gian tác dụng kép dài hơn. Methadone được sản xuất với mục đích ban đầu là làm thuốc giảm đau trong chiến tranh Thế giới thứ II.

Năm 1964, tại New York, bác sỹ Marie Nyswander và Vincent Dole, khi điều trị cho những người nghiện heroin và đã phát hiện Methadone giúp những người bệnh này ngừng sử dụng heroin và hầu như không bị tăng liều khi sử dụng trong một thời gian dài. Từ đó liệu pháp điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone ra đời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục