Năm 2017, cả nước xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động, làm chết 982 người và bị thương 9.173 người. Tuy nhiên, chỉ có 4 vụ trong gần 9.000 vụ tai nạn được khởi tố. Rất ít các vụ tai nạn lao động bị xử lý hình sự đã gây khó khăn trong công tác phòng ngừa tai nạn lao động.
[Tai nạn lao động khiến một công nhân ngành than tử vong]
Đây là thông tin được đưa ra trong buổi họp báo công bố tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2017 và thông tin các hoạt động của Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động lần thứ 2 năm 2018 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 18/4, tại Hà Nội.
Theo số liệu báo cáo, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thống kê số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất với 122 vụ tai nạn khiến 123 người chết. Bắc Ninh có số người chết vì tai nạn lao động tăng cao so với năm 2016, tăng 15 vụ.
Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người trong khu vực có quan hệ lao động gồm: Xây dựng chiếm 20,8% tổng số vụ tai nạn và 19,7 % tổng số người chết; sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 9,2% tổng số vụ và 8,8% tổng số người chết; tiếp theo là các ngành cơ khí, luyện kim, lĩnh vực nông, lâm nghiệp, dịch vụ...
Liên quan đến việc xảy ra nhiều vụ tai nạn, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) khẳng định ngoài việc người lao động thường chủ quan, hiểu biết chưa đến nơi đến chốn thì nhiều doanh nghiệp lớn cậy nhiều tiền, nhiều của để trốn tránh ra tòa.
“Có vụ đáng ra phải khởi tố nhưng họ cậy nhiều tiền nên hòa giải với người nhà nạn nhân, tác động đến địa phương để giảm nhẹ xuống xử lý hành chính…” ông Thắng chia sẻ thẳng thắn.
Ông Hà Tất Thắng cho biết theo quy định, việc điều tra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng thuộc thẩm quyền của địa phương, trong đó có sự phối hợp của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển hồ sơ cho công an để xem xét khởi tố vụ án. Việc có khởi tố hay không thuộc thẩm quyền của cơ quan công an, viện kiểm sát.
Ông Hà Tất Thắng thừa nhận: “Việc hình sự các vụ tai nạn lao động còn ít khiến chúng tôi sốt ruột vì giảm tính răn đe. Điển hình như vụ sập giàn giáo ở Formosa, lúc đầu rất khó khăn để khởi tố. Nhưng quá trình chúng tôi trực tiếp đi và có nhiều ý kiến, phân tích lời khai, nhân chứng. Bên cạnh đó, với sức ép của dư luận công an tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định khởi tố vụ án và khởi tố hai bị can.”
Để tăng tính răn đe đối với doanh nghiệp, ông Hà Tất Thắng cho biết sắp tới Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ công bố các doanh nghiệp, đơn vị sai phạm trên các phương tiện truyền thông và hy vọng việc làm này sẽ hiệu quả hơn xử phạt hành chính.
Nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động và doanh nghiệp về an toàn lao động, Tháng hành động về an tàn vệ sinh lao động lần thứ 2 năm 2018 sẽ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 6/5. Chủ đề Tháng hành động lần thứ 2 là “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.”/.