Mohammed bin Salman, chân dung người đàn ông "nguy hiểm nhất thế giới"

Ở tuổi 29 và là Bộ trưởng Quốc phòng trẻ tuổi nhất thế giới, Mohammed bin Salman đã đưa đất nước của mình vào một cuộc chiến tàn khốc ở Yemen mà chưa thấy hồi kết.
Mohammed bin Salman, chân dung người đàn ông "nguy hiểm nhất thế giới" ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng trẻ tuổi nhất thế giới Mohammed bin Salman

Tờ ​Independent mới có một bài viết đáng chú ý về Mohammed bin Salman, Bộ trưởng Quốc phòng trẻ nhất thế giới đồng thời là nhân vật quyền lực bậc nhất ở Saudi Arabia hiện nay. Dưới đây là nội dung bài viết của Independent, dưới tiêu đề "Người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới?": 

"Mới 12 tuổi, cậu bé Mohammed bin Salman đã bắt đầu tham gia vào các cuộc họp do cha đẻ, ông Salman, khi đó là Thống đốc tỉnh Riyadh, Saudi Arabia, điều hành.

Khoảng 17 năm sau, ở tuổi 29 và đã là Bộ trưởng Quốc phòng trẻ tuổi nhất thế giới, Mohammed bin Salman đưa đất nước của mình vào một cuộc chiến tàn khốc ở Yemen mà chưa thấy hồi kết.

Giờ đây vương quốc Saudi Arabia đang tham gia vào một cuộc cưỡi ngựa đấu thương nguy hiểm với đối thủ trong khu vực là Iran, dẫn đầu bởi một người đàn ông trẻ tuổi dường như đang rất nôn nóng muốn trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Đông.

Không giống như anh trai, Mohammed không học đại học ở nước ngoài mà lựa chọn ở lại Riyadh, nơi anh theo học tại Đại học Quốc vương Saud và tốt nghiệp ngành luật. Những người xung quanh coi anh là một người đàn ông trẻ tuổi nghiêm túc, không hút thuốc, không uống rượu và không có hứng tiệc tùng.

Năm 2011, cha anh trở thành Phó Hoàng ​Thái tử và nắm trong tay chức Bộ trưởng Quốc phòng, quản lý ngân sách lớn cùng các hợp đồng vũ khí béo bở đi kèm với vị trí này. Với tư cách cố vấn riêng, Mohammed đã vận hành triều đình một cách quyết đoán sau khi cha anh được phong làm Thái tử hồi năm 2012.

Trên mỗi bước đường, Hoàng tử Mohammed luôn ở bên cha anh, người đã đưa cậu con trai ưa thích lên vị trí cao cùng với mình khi cấp bậc của ông trong gia tộc Saudi được nâng lên.

Các nhà phê bình nhận định rằng Hoàng tử Mohammed đã tích lũy được một gia sản lớn, nhưng chính quyền lực chứ không phải tiền tài mới là yếu tố thúc đẩy ​anh. Khi Salman lên ngôi vua Saudi Arabia vào tháng 1/2015, ông đã bắt đầu suy yếu và dựa nhiều vào người con trai.

Ở tuổi 79, Quốc vương được cho là bị mắc chứng mất trí nhớ và chỉ tập trung được trong vài giờ mỗi ngày. Với vai trò người giữ cửa cho cha, Mohammed mới là người có quyền lực thực sự trong vương quốc.

Quyền lực đó đã tăng lên đáng kể ngay trong vài tháng đầu tiên Saudi nằm dưới sự cai trị của Salman. Hoàng tử Mohammed đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng, được giao phụ trách Aramco, công ty năng lượng quốc gia, là người đứng đầu của một cơ quan mới rất có quyền lực, đó là Hội đồng Kinh tế và Phát triển với quyền giám sát các bộ khác, và được giao phụ trách ngân sách đầu tư công của vương quốc.

Anh đang giữ vị trí Phó Hoàng Thái tử, nhưng có nhiều khả năng sẽ còn leo cao hơn trong nấc thang quyền lực so với đối thủ Mohammed bin Nayef - Thái tử và là Bộ trưởng Nội vụ.

Thiếu kiên nhẫn với tệ quan liêu, Mohammed bin Salman đã nhanh chóng làm nên tên tuổi bằng việc yêu cầu các bộ xác định và cung cấp các chỉ số hiệu suất chủ chốt hàng tháng - một điều chưa từng có tiền lệ trong hệ thống kinh tế cứng nhắc ở Saudi.

Những lần viếng thăm bất ngờ vào sáng sớm của anh tới các bộ để xem những nơi này làm việc ra sao đã trở thành huyền thoại, khiến tỉnh Riyadh còn ngái ngủ phải khẩn trương hoạt động. Hành động của Mohammed bin Salman khiến anh có được sự hâm mộ của những người Saudi trẻ.

"Anh ấy rất nổi tiếng trong giới trẻ. Anh ấy làm việc chăm chỉ, có kế hoạch cho cải cách kinh tế và rất cởi mở với họ. Anh ấy hiểu họ," một doanh nhân cho biết. Điều này là quan trọng, bởi 70% dân số Saudi ở độ tuổi dưới 30 và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp đang ở mức cao. Một số ước tính cho biết tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 20-25%.

Nhưng sự nhiệt tình, động lực khiến Mohammed theo đuổi các cải cách kinh tế, cũng là thứ đã đẩy Saudi Arabia vào một cuộc chiến ở nước láng giềng Yemen.

Tháng Ba năm ngoái, Mohammed chỉ đạo tiến hành một chiến dịch không kích chống lại phiến quân Houthi, lực lượng đã đuổi Tổng thống Abd Rabbuh Mansur Hadi do Saudi hậu thuẫn ra khỏi đất nước. Kết quả là nhiều thập kỷ tính toán cẩn trọng của Saudi đã bay theo chiều gió khi Mohammed quyết định tiến hành Chiến dịch Bão táp.

Có lẽ khi đó chiến dịch được xem là một ý tưởng rất hay: người con trẻ tuổi, đầy tham vọng của một vị vua già dẫn đầu một cuộc chiến chống lại lực lượng nổi loạn ở quốc gia láng giềng.

Việc phe nổi dậy được Iran hỗ trợ càng khiến cuộc phiêu lưu trở nên hấp dẫn. Mohammed đang phải cạnh tranh với Bộ trưởng Nội vụ lớn tuổi hơn và đầy quyền lực, do đó muốn chứng minh dũng khí của mình với đối thủ cũng như với những người ủng hộ.

Kế hoạch là giành được một chiến thắng nhanh chóng và quyết định để xác nhận tầm vóc của một nhà lãnh đạo quân đội, đưa anh lên sánh ngang với ông nội của mình, Ibn Saud, vị vua chiến binh vĩ đại và là người sáng lập ra Saudi Arabia hiện đại.

Nhưng Mohammed đã bỏ qua thực tế rằng Houthi là một sự cầm chân hữu ích chống lại mối đe dọa thực tế đối với gia tộc Saud, đó là al-Qaeda ở bán đảo Arab (AQAP). Anh dường như cũng bỏ qua việc nhóm Houthi đã khiến Saudi phải xấu hổ trong cuộc chiến tranh biên giới chỉ cách đây vài năm. Đó là vào năm 2009, khi họ chiếm được cảng Jizan của Saudi ở Biển Đỏ và chỉ bỏ đi khi đã nhận được khoản tiền khoảng 70 triệu USD.

Cho tới nay, Chiến dịch Bão táp vẫn chưa chứng tỏ được gì. Cuộc chiến đã kéo dài suốt gần một năm, gây ra đau khổ vô hạn cho người dân Yemen. Do những cuộc không kích cường độ cao, phần lớn cơ sở hạ tầng của nước này đã bị phá hủy trong khi nhóm Houthi vẫn kiên cường kiểm soát thủ đô Sanaa và phần lớn phía Bắc. Ở phía Nam, AQAP mặc sức hoạt động.

Không nản chí, Mohammed đã tuyên bố sẽ tiếp tục, quyết tâm đánh bom nhóm Houthi cho tới khi họ chịu ngồi vào bàn đàm phán.

"Anh ta khá hiếu chiến," Jason Tuvey, một nhà kinh tế Trung Đông thuộc Capital Economics nhận xét.

Các chuyên gia đánh giá tính hăng hái của Mohammed có thể gây hại trong cuộc đấu tranh ngày càng gia tăng với Iran để có được quyền bá chủ khu vực. Khi Mohammed tuyên bố việc thành lập hội đồng 34 quốc gia Hồi giáo vào giữa tháng 12 để "chống lại chủ nghĩa khủng bố," có thể mục tiêu của việc này là nhằm vào Iran.

Người Iran đã mạnh mẽ ủng hộ tổng thống Syrian Bashar al-Assad, cả trực tiếp lẫn thông qua Hezbollah, một nhóm dân quân được Iran đào tạo và trang bị qua nhiều năm. Trong khi đó, người Saudi muốn nhìn thấy Assad bị đánh bại trước khi bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình về Syria nào được khởi động. Và sau khi Saudi hành quyết giáo sỹ Sheikh Nimr al-Nimr, một người Hồi giáo Shiite, cuộc chiến ăn miếng trả miếng với Iran càng trở nên leo thang.

Đối thủ của Mohammed hiển nhiên đã kinh hoảng trước những diễn biến này. Trong một bức thư được lưu hành rộng rãi vào mùa Hè năm ngoái, các đối thủ trong gia đình cầm quyền chỉ trích sự kiêu ngạo của vị hoàng tử trẻ, thậm chí còn kêu gọi lật đổ anh, cha anh và Mohammed bin Nayef.

Nhưng những lời kêu gọi đó đã không đi tới đâu, và Mohammed bin Salman tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở Saudi Arabia. Tuy nhiên, vẫn còn đó câu hỏi về kết quả mà bản chất hăng hái của anh sẽ dẫn tới trong cuộc xung đột với Iran.

Không phải không có khả năng chàng trai này, giống như ông nội - một chiến binh Hồi giáo Sunni - sẽ cân nhắc việc tổ chức tấn công quân sự vào người Hồi giáo Shiite ở Iran. Có thể nói, đây là một ý tưởng rất đáng sợ ở khu vực vốn đã bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh phe phái./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục