Moe Satt và triển lãm Hand Oxide tại Hà Nội

Triển lãm "Biến hình của bàn tay" của nghệ sĩ bộ môn nghệ thuật trình diễn và thị giác Moe Satt, diễn ra ngày 22/4 tại Hà Nội.
Sau hơn một tháng rong ruổi khắp các ngõ ngách, phố phường Hà Nội, với chiếc máy ảnh và máy tính xách tay, nghệ sĩ 27 tuổi người Myanmar Moe Satt đã có bộ sưu tập hàng trăm bức ảnh chụp những đôi bàn tay người Hà Nội.

Đó chính là chất liệu cho triển lãm Hand Oxide (tạm dịch: Biến hình của bàn tay), khai mạc vào 18 giờ ngày 22/4 tại nhà sàn Đức (ngõ 462, Đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội).

Lần đầu tiên đến Việt Nam nhưng Moe Satt có khá nhiều bạn bè và đồng nghiệp ở đây. Là giám đốc Beyond Pressure - tổ chức phi chính phủ ở TP Yangon (Myanmar), anh đã mời khá nhiều nghệ sĩ Việt Nam tham gia các liên hoan trình diễn và sắp đặt quốc tế hằng năm, như: Trần Lương, Nguyễn Phương Linh, Tuấn Mami...

Có lẽ đó là một phần lý do khiến anh hòa nhập rất nhanh với Hà Nội.

Nếu Moe Satt không nói tiếng Anh thì ít ai nhận ra anh là người nước ngoài. Chỉ sau vài ngày được chỉ dẫn đường sá, Moe Satt có thể tự chạy xe máy với chiếc bản đồ trên tay. Có khi đoạn đường 1km nhưng anh phải dừng đến... 5 lần để hỏi đường.

Những người anh gặp trên đường, ở quán ăn, ngoài chợ... hầu hết đều không nói được tiếng Anh nhưng luôn nhiệt tình chỉ dẫn cho chàng trai mảnh khảnh có đôi mắt sáng và mái tóc dài buộc túm gáy này.

Chẳng những không nản khi giao tiếp... mỏi tay, ngược lại, anh còn rất hào hứng. Ngày đi, chiều muộn ngồi uống bia hơi và tán gẫu cùng bạn bè ở vỉa hè Hà Nội, tối về đổ ảnh ra máy tính và làm việc.

Từ năm 2005 đến nay, Moe Satt đã thực hiện nhiều trình diễn liên quan đến bàn tay. Với anh, bàn tay và cử chỉ của đôi bàn tay là phương tiện đặc biệt trong giao tiếp.

Đôi bàn tay của những người mẹ, người chị tần tảo nhặt rau ở chợ lúc ban chiều hay đôi bàn tay của cô gái Hà Nội nhẹ nhàng nâng tách trà vào buổi sáng... đã đi vào những khuôn hình của anh một cách tự nhiên và sống động.

“Chính những người tôi gặp trên các nẻo đường Hà Nội góp phần quan trọng tạo nên nguồn cảm hứng cho tôi sáng tạo thêm nhiều mẫu cho lần triển lãm này,” Moe Satt nhấn mạnh.

Những bàn tay được chụp dưới nhiều góc độ và “xử lý” bằng kỹ thuật photoshop rồi kết hợp với nhau tạo thành một hình ảnh ý nghĩa, đem lại những cảm giác lạ lẫm...

Myanmar là một quốc gia chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo nên khá nhiều các bức mẫu của Moe Satt tại triển lãm lần này gắn với hình ảnh nhà sư, từ đôi bàn tay bắt quyết cho đến khuôn mặt đầy ưu tư, hay với những quan niệm về may-rủi...

Vì vậy, xem các mẫu hình này có cảm giác gần gũi và thân thuộc. Và ở đó, sự sáng tạo và bay bổng của nghệ sĩ chắp cánh cho người xem đến với những liên tưởng thú vị...

Không chỉ đắm đuối theo đuổi hình ảnh những bàn tay, Moe Satt còn tìm thấy mối tương đồng giữa các câu tục ngữ, thành ngữ hay những câu thơ của Việt Nam với Myanmar liên quan đến bàn tay: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm,” “Trăm hay không bằng tay quen,” “Nói thì hay bắt tay thì dở...”

Tìm hiểu qua bạn bè, anh cẩn thận ghi chép chúng vào sổ tay cùng những câu tiếng Việt thông dụng trong giao tiếp hằng ngày.

Có vẻ như Moe Satt muốn sống cuộc sống của người Hà Nội chứ không phải là một vị khách tạm trú chân ở đây.

“Tôi thích sống ở Hà Nội vì có rất nhiều điểm gần gũi giữa Việt Nam với quê hương tôi. Và những bàn tay tảo tần sớm hôm của người lao động thì ở nước nào cũng vậy,” anh chia sẻ.

Moe Satt là một trong những nghệ sĩ tiên phong của bộ môn nghệ thuật trình diễn và thị giác ở quê hương anh, dù loại hình nghệ thuật này mới được công nhận chính thức vài ba năm nay.

Anh được mời trình diễn ở nhiều nơi trên thế giới (Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản...), gần đây nhất là Liên hoan truyền thông và nghệ thuật Peta tại Campuchia.

Và lần này, anh sẽ trình diễn với các tấm ảnh in bàn tay trong chương trình khai mạc triển lãm, cùng với hai nghệ sĩ Việt Nam Trần Lâm Bình và Hoàng Minh Đức.

Triển lãm kéo dài đến 29/4. Cuộc trò chuyện với Moe Satt vào 17giờ ngày 25/4, cũng tại nhà sàn Đức./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục