Moderna dự báo thời điểm ra mắt vaccine trị liệu ung thư da

Không giống như vaccine thông thường, mRNA-4157 chữa bệnh hơn là ngăn ngừa bệnh nhưng chúng cũng hoạt động bằng cách huấn luyện hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại virus.

Vaccine mRNA-4157 nhằm trị liệu các khối u ác tính có thể sẽ ra mắt trong khoảng 2 năm nữa. (Nguồn: Adobe Stock)
Vaccine mRNA-4157 nhằm trị liệu các khối u ác tính có thể sẽ ra mắt trong khoảng 2 năm nữa. (Nguồn: Adobe Stock)

Giám đốc Điều hành (CEO) của Công ty Dược phẩm Moderna, ông Stephane Bancel, thông báo vaccine thử nghiệm của công ty, mang tên mRNA-4157, nhằm trị liệu các khối u ác tính có thể sẽ ra mắt trong khoảng 2 năm nữa.

Đây sẽ là bước ngoặt lớn nhằm chống lại bệnh ung thư da nghiêm trọng nhất.

Trên toàn cầu ước tính có khoảng 325.000 trường hợp u ác tính mới và 57.000 ca tử vong do căn bệnh này vào năm 2020.

Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Bancel cho biết: "Sản phẩm trên có thể được sử dụng tại một số nước sau khi được phê duyệt vào năm 2025.”

Không giống như vaccine thông thường, vaccine trị liệu này chữa bệnh hơn là ngăn ngừa bệnh. Nhưng chúng cũng hoạt động bằng cách huấn luyện hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại virus.

Theo ông Bancel, vaccine điều trị ngày nay là niềm hy vọng thực sự trong lĩnh vực ung thư, một "liệu pháp miễn dịch 2.0."

Thông báo trên được đưa ra sau khi kết quả thử nghiệm lâm sàng mới nhất của Moderna cho thấy cơ hội sống sót của bệnh nhân tăng dần theo thời gian nhờ vaccine mới này.

Trong nghiên cứu 157 người mắc khối u ác tính, vaccine của Moderna kết hợp với thuốc trị liệu miễn dịch Keytruda của hãng Merck đã làm giảm nguy cơ mắc bệnh tái phát hoặc tử vong tới 49% trong khoảng thời gian 3 năm, so với việc chỉ dùng Keytruda. Năm ngoái, Moderna đã công bố kết quả giám sát trong 2 năm cho thấy rủi ro giảm 44%.

Theo ông Bancel, bằng chứng lâm sàng trên có thể tạo cơ sở cho việc cấp phép có điều kiện để sử dụng vaccine mRNA-4157.

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đều đã đưa liệu pháp này vào lộ trình phê duyệt cấp tốc.

Để chuẩn bị ra mắt thị trường, Moderna đang xây dựng một nhà máy mới ở bang Massachusetts (Mỹ) nhằm có nguồn cung dồi dào, theo yêu cầu của FDA.

Công ty này cũng cho biết đang bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine mRNA chống lại bệnh ung thư phổi. Các loại ung thư khác cũng đang được nghiên cứu.

Ông Bancel hy vọng sẽ kết hợp các loại vaccine ung thư này với "sinh thiết lỏng" - xét nghiệm mang tính đột phá giúp phát hiện các dấu hiệu của khối u sớm hơn, thông qua xét nghiệm máu, và đang bắt đầu được áp dụng ở Mỹ.

Ông Bancel nhấn mạnh nếu có thể phát hiện ung thư càng nhanh thì các loại thuốc mới của Moderna sẽ càng phát huy tác dụng tốt hơn.

Ngoài Moderna, các công ty khác như BioNTech, cũng đang nghiên cứu vaccine xin điều trị ung thư dành riêng cho từng cá nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục