Moderna đầu tư phát triển vaccine ngừa cúm gia cầm H5N1

Năm 2023, hãng dược Moderna đã bắt đầu nghiên cứu tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch của vaccine cúm gia cầm, có tên mRNA-1018, ở những người trưởng thành khỏe mạnh từ 18 tuổi trở lên.

Gia cầm được nuôi tại trang trại. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Gia cầm được nuôi tại trang trại. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Mỹ đã trao 176 triệu USD cho hãng dược phẩm Moderna để thúc đẩy quá trình phát triển vaccine ngừa cúm gia cầm.

Trong tuyên bố ngày 2/7, Moderna cho biết khoản tiền từ Cơ quan Nghiên cứu và phát triển y sinh tiên tiến của Mỹ sẽ được sử dụng để hoàn thiện giai đoạn phát triển và thử nghiệm cuối cùng của vaccine dựa trên công nghệ mRNA để phòng cúm gia cầm H5N1.

Thỏa thuận này cũng bao gồm các lựa chọn bổ sung để chuẩn bị và đẩy nhanh phản ứng trước các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng trong tương lai.

Quyết định đầu tư nói trên được đưa ra trong bối cảnh đợt bùng phát dịch cúm khiến hơn 130 đàn bò ở 12 bang của Mỹ nhiễm virus H5N1, cũng như việc 3 công nhân làm việc trong ngành sữa đã nhiễm cúm gia cầm kể từ tháng 3.

Các nhà khoa học lo ngại rằng việc tiếp xúc với virus trong các hoạt động chăn nuôi gia cầm và lấy sữa có thể làm tăng nguy cơ virus đột biến và có khả năng lây lan dễ dàng giữa người với người, gây ra đại dịch.

Năm 2023, hãng dược Moderna đã bắt đầu nghiên cứu tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch của vaccine cúm gia cầm, có tên mRNA-1018, ở những người trưởng thành khỏe mạnh từ 18 tuổi trở lên.

Nghiên cứu bao gồm cả chủng H5 và chủng H7. Công ty cho biết kết quả của nghiên cứu này dự kiến sẽ có trong năm nay và sẽ được sử dụng để lập kế hoạch phát triển giai đoạn cuối.

Vaccine của hãng Moderna sử dụng công nghệ mRNA hoặc RNA thông tin, công nghệ có trong mũi tiêm phòng dịch COVID-19. Việc sản xuất vaccine cúm thông thường bằng công nghệ tế bào hoặc trứng có thể mất từ 4-6 tháng.

Giám đốc Điều hành (CEO) của Moderna, ông Stephane Bancel cho biết: "Công nghệ vaccine mRNA mang lại những lợi thế về hiệu quả, tốc độ phát triển và sản xuất, khả năng mở rộng và độ tin cậy trong việc giải quyết các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm, như đã được chứng minh trong đại dịch COVID-19"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục