Từ ngày 1/6, mạng di động MobiFone sẽ thu hồi SIM chưa đăng ký và kích hoạt sau hai năm phát hành để đảm bảo sử dụng hiệu quả kho SIM số.
Kể từ năm 2011, VNPT đã đưa ra quy định về thời hạn lưu hành SIM trả trước áp dụng cho hai mạng di động của mình là MobiFone và VinaPhone. Cụ thể, SIM phát hành trước 00 giờ 00 ngày 1/8/2011, thời hạn sử dụng đến 24 giờ 00 ngày 31/12/2013. SIM của VinaPhone phát hành sau ngày 1/8/2011 có thời hạn sử dụng là ngày 31/12 của năm thứ hai liền sau năm phát hành.
Theo đó MobiFone và VinaPhone sẽ phải tiến hành thu hồi SIM trả trước được phát hành trước ngày 1/8/2011 đến 31/12/2013 không được kích hoạt.
Sau đó, một số mạng di động khác cũng đưa ra quy định về thời hạn phát hành sim tương tự như VNPT.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó tổng Giám đốc MobiFone cho biết, theo quy định được MobiFone công bố từ năm 2011, những bộ hòa mạng được phát hành trước ngày 1/8/2011 nếu không được kích hoạt sẽ được thu hồi sau ngày 31/12/2013.
Tuy nhiên, nhằm hỗ trợ các đại lý và khách hàng, MobiFone ban hành chính sách cho phép chuyển đổi sang bộ hòa mạng khác. Cụ thể từ ngày 1/3/2014 tới 31/5/2014, các SIM này được quyền khai báo chuyển đổi sang bộ hòa mạng khác theo quy định của MobiFone và có thời hạn sử dụng tới 31/12/2014.
Đại diện MobiFone còn cho biết sẽ thu hồi những bộ hòa mạng phát hành ngày 1/8/2011 nếu từ 1/6/2014 các bộ hòa mạng này không chuyển đổi theo quy định của nhà mạng. Từ 1/1/2015, các bộ hòa mạng sau khi chuyển đổi, nếu vẫn chưa kích hoạt sử dụng sẽ bị MobiFone thu hồi.
Như vậy, việc MobiFone kéo dài thời hạn thu hồi SIM sẽ giúp khách hàng và đại lý có thêm thời gian đăng ký SIM cũng như tiêu thụ những SIM tồn trên kênh phân phối. Với việc kéo dài thời hạn thu hồi này thì các đại lý và người dùng đã có khoảng thời gian từ 24 tháng tới 40 tháng kể từ ngày MobiFone thông báo chính sách để kích hoạt các bộ hòa mạng đã mua.
Một lãnh đạo của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, số thuê bao là tài nguyên của quốc gia và giao cho doanh nghiệp quản lý. Vì vậy, khi khách hàng ký hợp đồng với nhà mạng thì họ được quyền sử dụng số thuê bao này một cách có điều kiện với dịch vụ đi kèm. Số thuê bao này không phải là tài sản của người sử dụng mà là tài nguyên quốc gia.
Hiện nay, nhà mạng căn cứ và tình hình kinh doanh của mình là quy định về thời hạn lưu hành của SIM. Vì vậy, những số thuê bao này có thể bị cắt khi quá thời hạn lưu hành như bị khóa hai chiều, sử dụng không đúng quy định... Nhà mạng cũng có quyền thu hồi SIM sau thời gian không được kích hoạt sử dụng để đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên kho số. Nếu SIM được lưu thông trên hệ thống không được đưa vào sử dụng sẽ gây lãng phí nguồn lực của nhà mạng và lãng phí tài nguyên quốc gia.
Trên thực tế trong thời gian vừa qua cơ quan quản lý đã đưa ra khá nhiều chính sách để đảm bảo nhà mạng phải sử dụng hiệu quả tài nguyên kho số. Mới đây, Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư quy định về phí sử dụng tài nguyên kho số áp dụng từ ngày 6/2/2014. Phí kho số được lũy tiến theo số lượng thuê bao với mức cao nhất là 4.000 đồng/1 số/năm thay cho mức trước đây là 1.000 đồng/thuê bao/năm.
Năm 2013, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đưa ra chính sách thời gian 3 tháng kể từ ngày người sử dụng dịch vụ thực hiện giao kết hợp đồng hòa mạng với doanh nghiệp di động, nếu số thuê bao đã được hòa mạng không có cước thuê bao và không phát sinh lưu lượng đi hoặc đến thì giao kết hợp đồng sẽ chấm dứt.
Đây được xem là biện pháp mạnh để ngăn chặn vấn nạn dùng SIM thay thẻ và chống việc SIM rác đang hoành hành gây nhiều phiền toái cho xã hội và lãng phí cho cả nhà mạng lẫn tài nguyên của quốc gia./.