Chiều 22/2, hội thảo Trí tuệ nhân tạo trong Y tế do Tập đoàn FPT và Bộ Y tế phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực y tế cho rằng, với sự hậu thuẫn của AI, ngành y tế sẽ có bước phát triển vượt trội không chỉ trong hoạt động khám, chẩn đoán bệnh, xác định phác độ điều trị cho bệnh nhân mà còn trong hoạt động quản lý bệnh viện...
Thời gian qua, để công việc chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn, Bộ Y tế đã và đang đẩy mạnh phát triển y tế thông minh.
[Giới chuyên gia: Trí tuệ nhân tạo đang tạo cuộc cách mạng trong y học]
Trong đó, việc triển khai bệnh án điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh sẽ được bắt buộc triển khai ngay từ tháng 3/2019. Trong giai đoạn 2024-2028, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử.
Bệnh án điện tử (EMR) là phiên bản số của hồ sơ bệnh án, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương bệnh án giấy quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Tại hội thảo, giáo sư Nguyễn Tiến Dũng - Đại Học Toulouse (Pháp) đã có bài về tổng quan tình hình phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong y tế trên thế giới cũng như ứng dụng AI cho phát hiện bệnh về da, ung thư da, ảnh y tế 2D, 3D.
Giáo sư Hồ Tú Bảo - Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản chia sẻ về chủ đề Xây dựng và khai thác bệnh án điện tử ở thế giới và Việt Nam với trí tuệ nhân tạo. Ông cũng giới thiệu kết quả xây dựng một số công nghệ nền về AI để khai thác bệnh án điện tử ở Việt Nam, như dùng nhận dạng tiếng nói để tạo bệnh án điện tử, nghiên cứu về sử dụng thuốc ở Việt Nam, gợi ý phác đồ điều trị cho bệnh nhân...
Trong khi đó, phía FPT đã giới thiệu hệ thống quản lý bệnh viện FPT.eHospital ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ 4.0 với nỗ lực thúc đẩy phát triển y tế thông minh tại Việt Nam cũng như công cuộc chuyển đổi số của quốc gia.
Hệ thống quản lý bệnh viện FPT.eHospital tích hợp trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới giúp bệnh viện quản lý, vận hành trực tuyến theo thời gian thực; giúp các bác sĩ tối ưu hóa công việc khám chữa bệnh với độ chính xác cao và giúp bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi đăng ký từ 4 phút xuống còn 1 phút.
Bên cạnh đó, FPT cũng đang triển khai một số dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xác định và chuẩn đoán các bệnh về da, ung thư, xương khớp cho một số khách hàng trên thế giới.
Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc FPT Software cho biết: “Y tế là một trong những lĩnh vực trọng điểm FPT ưu tiên giành nguồn lực trong chiến lược chuyển đổi số, thứ nhất, vì mang lại lợi ích cho hàng chục triệu người dân. Thứ hai, nếu triển khai thành công sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển y tế thông minh, chính phủ số tại Việt Nam.”
AI được xem là công nghệ nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực, các tổ chức doanh nghiệp.
Theo các dự báo, vào năm 2030, AI sẽ đóng góp thêm 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Trong năm 2019, 40% các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số sẽ sử dụng công nghệ AI./.