Thủy sản Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng thị trường nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ nội lực cũng như những diễn biến phức tạp trong quan hệ thương mại thế giới.
Do đó, để đạt được mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu trong ngắn hạn và đảm bảo sự phát triển bền vững lâu dài, đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng chuỗi sản xuất-chế biến thủy sản và củng cố năng lực nắm bắt thời cơ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Bài 1: Nhiều dư địa tăng trưởng
Lợi thế cắt giảm thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang và sắp có hiệu lực như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cùng với những diễn biến thuận lợi của yếu tố cung-cầu và trong thương mại thủy sản toàn cầu được đánh giá là những xung lực quan trọng để xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh năm 2019 cũng như thời gian tới.
Hiệu ứng từ hội nhập
Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2019 là năm ngành thủy sản Việt Nam có điều kiện thuận lợi để khôi phục sức mua ở các thị trường quan trọng, củng cố đà tăng trưởng do những tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do có quy mô và tác động lớn. Cơ hội đầu tiên đến từ sự kiện CPTPP được thực thi từ tháng 1/2019.
Theo đó, gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; trong đó, thủy sản vào các nước thành viên CPTPP sẽ được xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ngay lập tức hoặc theo lộ trình. Năm 2019 cũng là năm đánh dấu hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế trong Hiệp định VJEPA.
Đây là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật Bản khi thuế nhập khẩu tất cả các dòng thủy sản từ Việt Nam vào Nhật Bản đã được đưa về 0%. Ngoài ra, Hiệp định EVFTA cũng đang được các thành viên tích cực hoàn tất thủ tục để sớm đi vào thực thi.
Theo nhận định của ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp định EVFTA đi vào thực thi sẽ là lực đẩy rất lớn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU vì có tới 90% số dòng thuế được cam kết cắt giảm về 0% trong khoảng thời gian ngắn. Mức thuế nhập khẩu thủy sản vào EU hiện nay trung bình là 14%; trong đó, nhiều mặt hàng chịu thuế cao tới 26%.
Tuy nhiên, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, khoảng 840 dòng thuế suất cơ sở, chiếm khoảng 50% số dòng thuế đối với sản phẩm thủy sản sẽ giảm về 0%, số còn lại có lộ trình cắt giảm từ 3-7 năm. Một số mặt hàng đặc biệt như cá ngừ đóng hộp và surimi, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.
Ở góc độ thị trường, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng tạo những cơ hội nhất định cho thủy sản Việt Nam. Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP phân tích, Trung Quốc là một trong những nhà cung cấp các sản phẩm thủy sản quan trọng lớn nhất của Mỹ.
Do đó, khi Mỹ áp thuế 10% và đe dọa sẽ nâng mức thuế lên 25% đã tạo ra cơn chấn động lớn trong ngành xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc. Nhiều đơn hàng thủy sản của Trung Quốc vào Mỹ đã bị hủy, gây ra tình trạng tăng ép giá cho các nhà nhập khẩu mặt hàng phi lê cá rô phi tại Mỹ. Doanh số tiêu thụ cá rô phi Trung Quốc tại hệ thống các siêu thị lớn của Mỹ đã giảm từ 20-30% so với trước.
Đây là cơ hội để các nguồn cung cá thịt trắng; trong đó, có cá tra của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ để giành thị phần. Thêm vào đó, thuế nhập khẩu tôm của Trung Quốc vào Mỹ tăng, tạo cơ hội cho các sản phẩm tôm cùng loại của Việt Nam cạnh tranh trên thị trường Mỹ.
Cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết giữa Mỹ-Trung Quốc cũng tạo ra sự lo ngại cho các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia đang có thêm hụt thương mại thủy sản với Mỹ. Chính vì vậy, nhiều nhà xuất khẩu thủy sản lớn như Thái Lan sẽ e dè hơn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ, đặc biệt là cá ngừ đóng hộp. Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thăn, phi lê cá ngừ đông lạnh vào thị trường Mỹ thời gian tới.
Nhu cầu thủy sản tăng
Nhu cầu tiêu dùng thủy sản của thế giới nói chung và nhiều thị trường quan trọng của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng sẽ là điều kiện giúp các sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ thiết lập mức tăng trưởng xuất khẩu mới.
Đại diện Ủy ban Tôm của VASEP cho biết, với mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 4,2 tỷ USD trong năm 2019, Mỹ được xác định là thị trường tăng trưởng chủ chốt với kim ngạch dự kiến sẽ đạt 750 triệu USD, tăng 17,6% so với năm 2018. Song song với đó, nhu cầu của thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam hiện nay là EU cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là ở Anh và Hà Lan. Đó là cơ sở để ngành tôm đưa kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU đạt mức 1 tỷ USD trong năm 2019.
[Ngành hàng cá tra Việt Nam hướng tới phát triển bền vững]
Ngoài ra, sức tiêu thụ tôm ở các thị trường xuất khẩu quan trọng khác của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang có xu hướng tăng mạnh. Dự kiến, xuất khẩu tôm Việt Nam vào Nhật Bản sẽ tăng khoảng 14%, đạt 730 triệu USD, mức tăng tương tự tại Hàn Quốc sẽ là gần 30% và đạt kim ngạch 500 triệu USD.
Với sản phẩm cá tra, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt của VASEP nhận định, vị thế của cá tra trên thị trường thủy sản thế giới đang từng bước được khẳng định. Hiệu quả xúc tiến thương mại trong nhiều năm cộng với nhu cầu thị trường đối với mặt hàng này đang có xu hướng tăng lên. Điều này giúp sản phẩm cá tra Việt Nam có thị phần tiêu thụ nhất định và được người tiêu dùng thế giới đón nhận.
Việc tận dụng các quy luật cung-cầu khi nguồn cung nguyên liệu cá tra thiếu hụt để điều chỉnh tăng giá bán trong thời gian qua cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành cá tra.
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, khả năng tăng thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ trong thời gian tới rất lớn do lợi thế cạnh tranh về thuế so với sản phẩm tương tự của Trung Quốc, cũng như áp lực từ các rào cản thương mại và kỹ thuật đã được giảm bớt.
Thêm vào đó, kết quả công nhận tương đương theo chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) không chỉ tạo thuận lợi cho xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ mà còn tác động tích cực lên các thị trường khác. Quan trọng nhất điều này sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi thị trường ở khu vực EU sau một thời gian gặp khó khăn.
Ở một diễn biến khác, Trung Quốc là nhà sản xuất thủy sản nuôi trồng lớn nhất, chiếm 2/3 sản lượng thủy sản toàn cầu đang siết chặt chính sách môi trường bằng việc xóa sổ hàng loạt các trang trại nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
Việc giảm sản lượng thủy sản nuôi trồng của Trung Quốc có thể dẫn đến sự sụt giảm sản lượng thủy sản nuôi trồng toàn cầu. Điều này tạo ra cơ hội để thủy sản nuôi trồng của các quốc gia khác thay thế thị phần của Trung Quốc.
Ở chủng loại cá thịt trắng, sản phẩm cá tra của Việt Nam sẽ có nhiều dư địa phát triển do giảm được áp lực cạnh tranh với sản phẩm cá rô phi của Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi để xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục duy trì được kim ngạch xuất khẩu ở mức 2,3 tỷ USD trong năm 2019./.