Từ năm 2012 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã ít nhất 4 lần gửi văn bản yêu cầu mỏ than Phấn Mễ (trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) tạm dừng việc hoạt động khai thác để thực hiện thủ tục lập hồ cơ cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, thế nhưng, suốt gần một thập kỷ qua, hoạt động khai thác “vàng đen” tại mỏ than khổng lồ này vẫn vô tư diễn ra, gây thất thoát tài nguyên quốc gia và tốn không ít giấy mực nhưng sau tất cả: “con voi vẫn chui lọt lỗ kim?”
Phớt lờ yêu cầu của bộ, ngành
Sau gần 1 năm - kể từ khi Báo điện tử VietnamPlus đăng tải loạt bài phóng sự điều tra “Ma trận vàng đen trong cơn khát năng lượng,” trong đó có đề cập đến hoạt động khai thác tại mỏ than Phấn Mễ, mới đây, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã có công văn đề cập nội dung về hiệu lực Quyết định số 17-TTg ngày 10/1/1979 của Thủ tướng Chính phủ giao cho Công ty gang thép Thái Nguyên (nay là Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên - TISCO) quản lý mỏ than Phấn Mễ, Làng Cẩm, Âm Hồn, hiện đang thuộc diện phải cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định bắt buộc của Luật Khoáng sản năm 2010.
Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Quyết định số 17-TTg “ra đời” từ đầu năm 1979, trước thời điểm có Pháp lệnh số 22/PL-HĐBT của Hội đồng Nhà nước về tài nguyên khoáng sản năm 1989 và pháp lệnh này đã được thay thế bởi Luật Khoáng sản 1996 số 47-L/CTN, áp dụng kể từ ngày 1/9/1996. Do vậy, hoạt động khai thác theo Quyết định số 17-TTg chỉ có hiệu lực tại thời điểm trước khi có Luật Khoáng sản năm 1996, cũng không thể coi là giấy phép khai thác khoáng sản.
Xét về thời gian khai thác, theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Luật Khoáng sản năm 1996 và Luật Khoáng sản năm 2010 đều quy định thời hạn khai thác của mỏ khoáng sản chỉ kéo dài tới 30 năm. Vì thế, trường hợp nếu lấy mốc thời gian cho phép khai thác đầu tiên của mỏ than Phấn Mễ là năm 1979, thì đến nay cũng đã lên đến hơn 40 năm - tức đã vượt thời gian được khai thác theo luật định.
Ngoài ra, tại Chỉ thị số 26/2008/CT-TTg năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, cũng đã có ý kiến rằng đối với những mỏ khoáng sản đã cấp trước thời điểm Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành thì phải cấp lại giấy phép theo quy định.
Trên cơ sở đó, từ năm 2012 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần gửi công văn tới các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, trong đó có Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (4 lần), đề nghị lập hồ sơ, thủ tục để cấp lại giấy phép. Thế nhưng, sau hơn 8 năm, đến nay, mỏ than Phấn Mê vẫn chưa hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép mới theo quy định của Luật Khoáng sản 2010.
Trong văn bản gần đây nhất (văn bản số 1387/ĐCKS ngày 2/6/2020), Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng đã thẳng thắn đánh giá: Việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên còn chậm, kéo dài, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý.
Trao đổi thêm với phóng viên VietnamPlus, đại diện lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết trước thời điểm năm 2012, cả nước có hàng chục đơn vị phải hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản, nhưng sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản yêu cầu, hầu hết các doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Đến nay, chỉ còn vài trường hợp “chây ì,” cố tình phớt lờ, trong đó có mỏ than Phấn Mễ do TISCO quan lý.
Để đồng bộ giấy phép khai thác theo quy định của luật khoáng sản hiện hành, từ giữa năm 2020 đến nay, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã có văn bản cương quyết yêu cầu TISCO thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác có liên quan trong việc thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định. Thế nhưng, sau tất cả, doanh nghiệp này vẫn phớt lờ tiếp tục khai thác và tận thu...
Ghi nhận của phóng viên VietnamPlus từ cuối năm 2020 đến đầu tháng 3/2021 - thời điểm mỏ than Phấn Mê đang phải dừng khai thác, cho thấy các hoạt động khai thác, vận chuyển than từ mỏ than Phấn Mễ tới các điểm tập kết vẫn vô tư diễn ra.
Đáng nói là, dù chưa được cấp lại giấy phép khai thác nhưng Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch sản xuất, khai thác than trong quý 1/2021 lên tới 37.500 tấn; trong đó 17.500 tấn than nguyên khai, 20.000 tấn than tuyển, chủ yếu bằng phương pháp khai thác hầm lò. Riêng tháng 3/2021, theo kế hoạch, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã giao cho mỏ than Phấn Mễ thực hiện thuê khai thác than tại 2 khu vực với khối lượng lên tới 6.000 tấn.
“Từ tháng 5/2020, mỏ than Phấn Mễ đã phải dừng khai thác vì giấy phép sử dụng vật liệu nổ hết hạn và phải chờ cấp giấy phép khai thác mới. Còn tại sao dừng mà vẫn khai thác thì chúng tôi chỉ là đơn vị đi làm thế, họ chỉ đạo làm gì thì chúng tôi làm thôi,” một lãnh đạo đơn vị được mỏ than Phấn Mễ thuê khai thác than chia sẻ.
Tự ý khai thác hầm lò khi chưa có phép
Không chỉ ngang nhiên khai thác khi chưa có giấy phép khai thác khoáng sản mới, thời gian qua, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên còn tự ý chuyển hình thức khai thác từ lộ thiên sang hầm lò khi chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt.
Theo đại diện Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam, Quyết định số 17-TTg trước đây chỉ cho phép mỏ than Phấn Mễ khai thác theo hình thức “khai thác lộ thiện.” Nếu muốn chuyển đổi từ khai thác lộ thiên sang “khai thác hầm lò,” bắt buộc phải làm hồ sơ xin phép cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt mới được khai thác.
Chưa kể, để khai thác hầm lò phải sử dụng vật liệu nổ và phải có giấy phép sử dụng vật liệu nổ của Bộ Công thương. Thế nhưng, theo công văn ngày 28/9/2020 của Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên, thì giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp cấp cho Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên-mỏ than Phấn Mễ đã hết hạn ngày 30/4/2020.
Trên thực tế, Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên đã nhiều lần gửi văn bản xin ý kiến của Bộ Công thương, Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên được sử dụng vật liệu nổ để khai thác, sản xuất, nhưng nhiều tháng sau vẫn không được chấp thuận. Lý do là mỏ than Phấn Mễ đang trong quá trình tiến hành thủ tục xin cấp giấy phép mới; chỉ đủ điều kiện sử dụng vật liệu nổ vào khai thác khi đã có giấy phép khai thác mới…
Hơn 2 tháng sau, trên cơ sở đề nghị của Sở Công thương Thái Nguyên, ngày 5/8/2020, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp cũng có văn bản yêu cầu về công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp tại mỏ than Phấn Mễ, trong đó nhấn mạnh: “việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại khu vực này (mỏ than Phấn Mễ) chỉ được cho phép khi đã có giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.”
Trường hợp sử dụng vật liệu nổ để tạo mặt bằng xây dựng công trình hoặc đào mương thoát nước, chống xén, củng cố các đường lò hiện hữu để không bị sụp đổ, phục vụ cho công tác khai thác sau này thì có thể được sử dụng nhưng phải đúng mục đích và chỉ giới hạn trong thời gian chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép.
Từ thông báo trên, ngày 25/9/2020, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên có văn bản gửi Sở Công thương báo cáo về việc sử dụng vật liệu nổ để củng cố, chống xén, sửa chữa các đường lò, cải tạo bờ tầng mỏ than Phấn Mễ. Sau đó, Sở Công thương Thái Nguyên chấp thuận nội dung hướng dẫn của Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp. Tuy nhiên, sở này cũng yêu cầu Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, mỏ than Phấn Mễ chỉ được sử dụng vật liệu nổ vào mục đích gia cố mỏ, củng cố, chống xén sửa các đường lò đã thi công,…
Với yêu cầu trên, nhiều ý kiến cho rằng việc gia cố các đường lò để phục vụ việc khai thác sau khi được Tổng cục Địa chất Khoáng sản cấp phép mới sẽ không thể cho ra khối lượng than lớn mỗi ngày. Nhất là khi doanh nghiệp đang tự ý chuyển hình thức khai thác từ lộ thiên sang hầm lò, chưa có giấy phép khai thác hầm lò.
[Quảng Ninh: Triệt phá đường dây khai thác than lậu hàng trăm tỷ đồng]
Ghi nhận của phóng viên VietnamPlus tại hiện trường và các tài liệu của chính Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, mỏ than Phấn Mễ thực hiện, cho thấy: Trong quá trình chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép mới, cũng như sử dụng vật liệu nổ công nghiệp với mục đích “gia cố,” phía Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, mỏ than Phấn Mễ đã xây dựng kế hoạch sản xuất hàng tháng, với khối lượng khai thác rất lớn, trong đó chủ yếu là “khai thác hầm lò.”
Số liệu báo cáo tình hình thực hiện sản xuất và dự kiến kế hoạch sản xuất (từng tháng) trong 2 tháng đầu năm 2021 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, mỏ than Phấn Mễ đã cho thấy: Trong tháng 1/2021, mỏ than Phấn Mễ xây dựng kế hoạch sản xuất 6.200 tấn than khai thác, nhưng thực tế sản xuất tới 7.057 tấn; than khai thác hầm lò dự kiến 5.200 tấn, thực tế khai thác hơn 5.800 tấn…
Tương tự, trong tháng 2/2021, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, mỏ than Phấn Mễ xây dựng kế hoạch sản xuất 7.600 tấn than khai thác, thực tế sản xuất hơn 4.900 tấn; than khai thác hầm lò dự kiến 3.600 tấn, thực tế khai thác hơn 4.125 tấn; than thuê khai thác dự kiến 4.000 tấn, thực hiện hơn 527 tấn (do nghỉ Tết)…
Về sản lượng khai thác 3 năm gần nhất, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên thông tin: Năm 2018 đã khai thác 242.116 tấn; năm 2019 khai thác 159.624 tấn; năm 2020 khai thác 152.267 tấn../.
Trên cơ sở thông tin do phóng viên VietnamPlus cung cấp, từ ngày 10-13/3/2021, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức đoàn đi kiểm tra hoạt động sản xuất, khai thác “vàng đen” tại mỏ than Phấn Mễ. Trong quá trình kiểm tra, đoàn công tác đã làm việc với Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và mỏ than Phấn Mễ về các nội dung liên quan như: vấn đề thuế phí, việc chậm hoàn thiện hồ sơ cấp lại giấy phép khai thác mới, đặc biệt là việc tự ý chuyển đổi hình thức khai thác từ lộ thiên sang khai thác hầm lo khi chưa có giấy phép, chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng... |
VietnamPlus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!