Mộ táng ở Cồn Cổ Ngựa-Thanh Hóa hấp dẫn khảo cổ học

Với các hiện vật bao gồm nhiều loại đồ đá, đồ gốm... đa tầng văn hóa, mộ táng ở Cồn Cổ Ngựa (Thanh Hóa) tiếp tục hấp dẫn, thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước.

Cồn Cổ Ngựa thuộc xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa), sau các mùa khai quật đã phát hiện có số lượng mộ táng dày đặc, tiếp tục hấp dẫn các nhà khảo cổ học Việt Nam – Nhật Bản – Australia.

Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp, Viện Khảo cổ học cho biết: Đây là lần đầu tiên có đầy đủ bằng chứng về các lớp mộ sớm, muộn; sự cắt phá giữa các ngôi mộ chôn cùng một giai đoạn văn hóa cũng như hiện tượng đá đánh dấu mộ, đồ tùy táng chôn theo, phương thức chôn, tư thế di cốt, hiện tượng bôi, chôn thổ hoàng theo do cốt...

Đồ đá, đồ gốm trong mộ hoàn toàn giống với đồ đá, đồ gốm trong tầng văn hóa. Đồ đá có nhiều loại hình phong phú, đa dạng.

Đáng chú ý với sự có mặt các loại hình rìu như rìu mài lan thân, rìu mài lưỡi, rìu tứ giác, rìu mài toàn thân, các loại hình công cụ khác đã góp thêm nhiều tư liệu về nghiên cứu văn hóa Đá mới ở Việt Nam và khu vực.

Đồ gốm có sự phát triển từ lớp văn hóa sớm đến lớp văn hóa muộn.

Sự tồn tại đồ gốm dày, trung bình và mỏng ở di tích Cồn Cổ Ngựa phát hiện trong lần khai quật này đã bác bỏ quan điểm cho rằng đồ gốm thuộc văn hóa Đa Bút giai đoạn sớm, giai đoạn giữa chỉ tồn tại loại gốm dày, xương gốm thô, đến giai đoạn muộn mới xuất hiện loại hình xương gốm mỏng.

Lý do là vì niên đại của địa điểm Cồn Cổ Ngựa từ 5.140 đến 5.520 năm trước công nguyên, trong khi đó niên đại văn hóa Đa Bút trong khoảng 6.500 đến khoảng 4.700 năm, niên đại sớm nhất của văn hóa Đa Bút từ 6.095 đến 6.390; 6.430 năm, niên đại muộn nhất Gò Trũng từ 4.790 năm trước công nguyên.

Các đợt khai quật này tiếp tục nghiên cứu về đặc trưng di tích, di vật, vị trí của địa điểm Cồn Cổ Ngựa trong diễn trình thời đại Đá mới Việt Nam và Đông Nam Á, cũng như xác định phạm vi phân bố và bổ sung thêm di tích, di vật phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa Cồn Cổ Ngựa.

Các nguồn tư liệu này cũng giúp cán bộ trẻ của Viện Khảo cổ học, Bảo tàng, Ban quản lý di tích tỉnh Thanh Hóa, sinh viên Trường Đại học quốc gia Australia có điều kiện nghiên cứu, viết luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ về địa điểm Cồn Cổ Ngựa./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục