Dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới virus corona (nCoV) gây ra đã và đang tác động đến đời sống kinh tế-xã hội, trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể xung quanh các giải pháp phòng, chống cũng như thúc đẩy kinh doanh của ngành để bù đắp những ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra.
- Bộ trưởng có thể cho biết việc phòng, chống dịch bệnh của ngành giao thông vận tải?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Giao thông Vận tải đã có công điện chỉ đạo đến từng ngành, đơn vị trong việc đề ra các giải pháp cụ thể, nhất là với các ngành như hàng không, đường sắt, đường bộ...
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch do một Thứ trưởng đứng đầu.
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục bám sát những chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch. Căn cứ vào diễn biến của dịch bệnh và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, Bộ Giao thông Vận tải sẽ quán triệt và thực hiện nghiêm túc.
[Thủ tướng: Giảm thiểu tác động của dịch bệnh nCoV đối với nền kinh tế]
Về phía Bộ Giao thông Vận tải, Bộ tập trung vào một số lĩnh vực của ngành giao thông là chú trọng vào các giải pháp hỗ trợ sản xuất, phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh.
Cụ thể, những loại hình giao thông liên quan đến hành khách như: hàng không, đường sắt, đường bộ, kể cả tàu biển sẽ được Bộ Giao thông Vận tải tăng cường các giải pháp kiểm soát, thực hiện đúng theo chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải tăng cường kiểm soát các phương tiện vận chuyển hàng hóa qua biên giới phục vụ xuất nhập khẩu trên tinh thần bảo vệ sức khỏe của lái xe, những người liên quan đến vận hành tàu hàng...
- Đến thời điểm này, những lĩnh vực nào của ngành giao thông bị ảnh hưởng lớn nhất từ dịch bệnh, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Ngành giao thông vận tải xác định ảnh hưởng lớn nhất từ dịch bệnh là ngành hàng không, còn vận tải đường bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc hiện vẫn chưa nhiều và vận chuyển đường sắt cũng tương tự nên mức độ ảnh hưởng không lớn.
Đối với ngành hàng không, số liệu năm 2019 cho thấy lưu lượng hành khách qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc khoảng hơn 6 triệu lượt khách.
So với tổng lượng hành khách đi qua các Cảng hàng không của Việt Nam năm 2019 là trên 115 triệu lượt khách thì con số này chiếm trên 5%.
Như vậy, số lượng hành khách qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc bằng đường hàng không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của ngành hàng không và khó có thể tính toán được.
Tuy nhiên, vận tải hàng không giữa Việt Nam với các nước khác vẫn đang được duy trì khá tốt. Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện nhiều giải pháp để bù đắp những thiệt hại của ngành hàng không; trong đó có việc tăng cường vận chuyển hành khách, hàng hóa đối với các nước khác.
Ví dụ như tăng cường khai thác đến các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Đài Loan (Trung Quốc)...
Giải pháp tiếp theo mà Bộ Giao thông Vận tải thực hiện là tập trung mở rộng thị trường mới, như thị trường Ấn Độ. Đây là thị trường tiềm năng mà chúng ta chưa khai thác nhiều.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Ấn Độ của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tới đây sẽ có việc khai trương mở thêm 3 chuyến bay mới kết nối trực tiếp giữa Việt Nam tới Ấn Độ, xuất phát từ Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội.
Bên cạnh đó, tăng cường khai thác tối đa các chuyến bay nội địa bởi thời gian qua nhiều hãng hàng không đã có những ưu tiên cho khai thác quốc tế; trong đó có thị trường lớn là Trung Quốc.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Vũ Hán (Trung Quốc), một số phương tiện bay (máy bay), tổ bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ dư ra và Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo các hãng hàng không nghiên cứu và tăng cường các chuyến bay quốc tế qua các thị trường lớn như đã nêu trên.
Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải khuyến khích các hãng hàng không mở thêm một số chuyến bay giữa các sân bay. Ví dụ như hai đầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở thêm các điểm đến các sân bay lẻ.
Thậm chí, các hãng hàng không có thể mở đường bay từ các sân bay lẻ với nhau. Như vậy, có thể khai thác tối đa việc vận chuyển nội địa bằng đường hàng không, qua đó kết nối các điểm du lịch và tạo thuận lợi hơn cho hành khách.
Nói chung, ngành hàng không chắc chắn bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhưng với tốc độ tăng trưởng của ngành thời gian qua khoảng 17-18%/năm, nếu có thâm hụt từ các đường bay đi Trung Quốc thì với các giải pháp vẫn có khả năng bù đắp.
Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi và hy vọng trong thời gian tới sẽ khôi phục lại thị trường Trung Quốc.
Còn các lĩnh vực khác như đường bộ, đường sắt kết nối với Trung Quốc không lớn nên Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo tập trung tăng cường khai thác nội địa, đồng thời mở rộng kết nối với các nước còn lại trong khu vực ASEAN qua Thái Lan để giúp vận tải đường bộ có thể bù đắp phần thiếu hụt từ việc hạn chế vận chuyển hành khách, hàng hóa qua Trung Quốc trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải vẫn duy trì vận tải hàng hóa bằng đường sắt qua Trung Quốc để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu. Do đó, Bộ chỉ đạo ngành đường sắt tăng cường hơn nữa việc phòng, chống dịch bệnh qua lĩnh vực này.
- Vậy Bộ Giao thông Vận tải đã có kiến nghị gì để hỗ trợ các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Như đã đề cập, lĩnh vực vận tải đường bộ chưa có ảnh hưởng lớn từ bệnh, nếu đề xuất ngay chính sách hỗ trợ thì vẫn còn sớm và khó thực hiện bởi số lượng vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường bộ khá lớn.
Do đó, giải pháp trước mắt là khuyến khích các doanh nghiệp vận tải đường bộ và vận tải đường sắt tiết kiệm nhiên liệu, điều chỉnh luồng tuyến một cách hiệu quả.
Còn đường hàng không, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã nhận được những kiến nghị từ các hãng hàng không, nhưng nhiều khả năng sẽ không đề xuất Chính phủ điều chỉnh giá vé. Bởi theo kết quả sản xuất kinh doanh thời gian gần đây, cụ thể là năm 2018, 2019 thì lợi nhuận của các hãng hàng không rất tốt.
Do đó, nếu có ảnh hưởng từ dịch bệnh với mức khoảng 5-7% lợi nhuận của các hãng thì chúng tôi tin tưởng các hãng vẫn có lãi, dù không được như kỳ vọng đề ra.
Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là nếu các hãng gặp khó khăn thì mới đề xuất hỗ trợ, còn khi các hãng hàng không làm ăn có lãi thì sẽ không đề xuất hỗ trợ và các hãng nên chia sẻ khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
Hiện nay, các hãng hàng không đã đề xuất tăng giá dịch vụ nhưng Bộ Giao thông Vận tải không chấp nhận. Bởi nếu ít khách thì các hãng sẽ giảm chuyến, qua đó sẽ giảm được chi phí, đặc biệt là giảm được các chuyến bay rỗng.
Khi nào các hãng chứng minh hoạt động sản xuất của mình gặp khó khăn hoặc bị lỗ thì lúc đó Bộ Giao thông Vận tải mới xem xét để để xuất Chính phủ các giải pháp hỗ trợ. Dịch bệnh này là sự kiện bất khả kháng đang ảnh hưởng đến đời sống kinh tế-xã hội nên các doanh nghiệp cần chia sẻ với cộng đồng.
Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, nhưng phải xem xét một cách cụ thể và chỉ khi nào thật sự cần thiết mới kiến nghị Chính phủ xem xét. hỗ trợ.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng./.