Chiều 23/10, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an đã tổ chức khen thưởng các lực lượng tham gia đấu tranh Chuyên án “210 CĐ-VK” do đối tượng Trần Hoàng Nhật (Nhật Khùng) ở 32/25K tổ 108 đường Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh cầm đầu.
Đây là băng nhóm tội phạm chuyên tổ chức cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, cho vay nặng lãi, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, buôn bán trái phép chất ma túy, tổ chức cá độ bóng đá qua mạng Internet hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và các tỉnh, thành phố khác.
Theo Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) – Bộ Công an, qua quá trình đấu tranh, các lực lượng chức năng đã thu thập được tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng trong chuyên án.
Hồi 15 giờ ngày 21/10, Ban Chuyên án đã tiến hành bắt khẩn cấp đối với Trần Hoàng Nhật, còn gọi là” Nhật Khùng,” “Bờm” khi Nhật đang nhận ma túy từ đối tượng Mai Văn Linh tại phòng 201 và 302 khách sạn Phú An 16-18 Lê Đức Thọ, phường 7, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Tang vật thu giữ tại chỗ gồm khoảng 1kg ma túy tổng hợp và 1 khẩu súng col tự chế.
Ngay sau đó, khi bắt giữ hai đối tượng trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã tiến hành bắt khám xét khẩn cấp đồng loạt đối với 3 đối tượng khác có liên quan; tang vật thu giữ bao gồm 13 khẩu súng các loại (trong đó có 2 khẩu K59 và 12 viên đạn, 5 khẩu súng rulo, 1 khẩu súng bút, còn lại là súng tự chế bắn đạn hoa cải); 1 quả lựu đạn mỏ vịt; khoảng 1 kg ma túy tổng hợp và nhiều hung khí cùng tài liệu khác liên quan đến hoạt động tội phạm của chúng.
Tại buổi lễ Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đã trân trọng trao Thư khen, tiền thưởng của Bộ trưởng Bộ Công an cho các đơn vị tham gia phá án.
Trung tướng Trần Trọng Lượng cũng đề nghị Cục C45 tập trung khai thác mở rộng để làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của các đối tượng trong băng nhóm tội phạm do Trần Hoàng Nhật cầm đầu, sớm đưa ra xử lý trước pháp luật.
Trao đổi với phóng viên về tính chất, hành vi phạm tội của các đối tượng trong băng nhóm của Nhật “khùng,” Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho rằng, về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trong ổ nhóm tội phạm này không phải là mới.
Tuy nhiên, qua kết quả triệt phá vụ án cũng cho thấy những điểm sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước cần sớm khắc phục để góp phần ngăn chặn các hành vi phạm tội.
Theo Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động với nhiều thủ đoạn, thường có chân rết ở các địa phương, hoạt động theo phương thức lưu động.
Hiện nay, các băng nhóm này, các đối tượng cầm đầu ít khi lộ diện, chủ yếu là đàn em. Băng nhóm của Nhật Khùng, mặc dù chưa phải là thực sự có “số má” nhưng hoạt động khá tinh vi.
Đây là lần đầu tiên Cục Cảnh sát hình sự triệt phá được một băng nhóm hội tụ đủ các yếu tố của tội phạm có tổ chức như hoạt động đâm thuê chém mướn, thực tế đã gây ra một số vụ việc tại Thành phố Hồ Chí Minh; cho vay nặng lãi và tổ chức cưỡng đoạt tài sản khi có người vay không trả tiền và tổ chức tham gia đánh bạc, cá độ bóng đá; hoạt động trên nhiều địa bàn khác nhau, có cả các đối tượng từ Hải Phòng di cư vào Thành phố Hồ Chí Minh.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết, trong vụ án này, đối tượng Nhật là kẻ cầm đầu, luôn có vũ khí trong người và sẵn sàng sử dụng khi cần. Nhật còn tìm cách để mua vũ khí trang bị cho các đối tượng khác trong băng nhóm.
Nhật và đồng bọn còn tự tổ chức sử dụng ma túy và trực tiếp buôn bán ma túy. Phương thức vận chuyển ma túy của các đối tượng này không có gì mới vẫn là các hành vi như giấu vào đế giày, cơ thể người và vận chuyển theo đường hàng không; vũ khí thì được vận chuyển qua các phương tiện vận tải khác.
Có đối tượng đã vận chuyển ma túy từ Hải Phòng vào Thành phố Hồ Chí Minh bằng cách dán băng keo dính vào chân, qua máy soi và không bị phát hiện.
Cho rằng hoạt động kiểm soát, phát hiện ma túy qua đường hàng không ở Việt Nam còn chưa thực sự được chú trọng, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến đề nghị cần áp dụng những biện pháp như ở nước ngoài nhất là việc sử dụng chó nghiệp vụ. Đây cũng là sơ hở dễ phát sinh tội phạm, cần sớm khắc phục./.