Mở rộng cơ hội kết nối về công nghệ giữa Hải Phòng và địa phương của Canada

Cảng Hải Phòng vừa hoàn thành chuyến hàng đầu tiên kết nối trực tiếp với cảng Montreal. Đây là một ví dụ rất cụ thể về sự hợp tác tốt đẹp giữa các địa phương của Canada với thành phố Hải Phòng.

Đoàn công tác thành phố Hải Phòng chụp ảnh lưu niệm với đại diện CABC sau khi ký ý định thư. (Ảnh: Hà Linh/TTXVN)
Đoàn công tác thành phố Hải Phòng chụp ảnh lưu niệm với đại diện CABC sau khi ký ý định thư. (Ảnh: Hà Linh/TTXVN)

Thực hiện kế hoạch kết nối cung cầu về công nghệ và hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nhà đầu tư để mở rộng thị trường, đoàn công tác của Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng phối hợp với Văn phòng Khoa học Công nghệ Việt Nam tại Canada đã tới thăm làm việc với dynaCert, công ty chuyên cung cấp công nghệ giảm phát thải carbon toàn cầu, và ký Ý định thư với Hội đồng kinh doanh Canada-ASEAN (CABC) nhân chuyến công tác tại Bắc Mỹ.

Hải Phòng là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương đang phát triển mạnh mẽ. Vị trí địa lý và tiềm lực của cộng đồng doanh nghiệp nơi đây đã góp phần giúp Hải Phòng trở thành một địa danh có nhiều lợi thế về thu hút đầu tư.

Thành phố này hiện là một trong những đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam và quốc tế, với hạ tầng kết nối đồng bộ và đặc biệt là có cảng biển lớn nhất khu vực miền Bắc kết nối trực tiếp với cảng Montreal của Canada.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Canada, Giám đốc CABC TB Nguyen cho biết mới tháng trước, cảng Hải Phòng vừa hoàn thành chuyến hàng đầu tiên kết nối trực tiếp với cảng Montreal. Đây là một ví dụ rất cụ thể về sự hợp tác tốt đẹp giữa các địa phương của Canada với thành phố Hải Phòng.

Bà đánh giá trong tương lai có thể sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp sử dụng tuyến đường biển kết nối trực tiếp Hải Phòng-Montreal trong xuất nhập khẩu hàng hóa và điều đó thực sự tuyệt vời.

Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ thành phố Hải Phòng Trần Quang Tuấn chia sẻ với phóng viên việc ký kết ý định thư với CABC là một trong những sự hợp tác đáp ứng được nhu cầu của hai bên. Thứ nhất là về xuất nhập khẩu giữa Canada và Hải Phòng. Thứ hai là các doanh nghiệp của Hải Phòng và doanh nghiệp Canada sẽ có những hợp tác trong quá trình đầu tư, mở rộng sản xuất, cũng như là chuyển giao và đổi mới công nghệ.

Ông Tuấn nói thêm Canada đang tập trung vào công nghệ xanh, công nghệ tuần hoàn và việc này phù hợp với mục tiêu phát triển của thành phố Hải Phòng.

Thỏa thuận trên sẽ mở ra cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư, tiếp cận việc chuyển giao công nghệ tiên tiến và đặc biệt là sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp của Hải Phòng trong việc mở rộng thị trường ra nước ngoài cũng như xúc tiến hoạt động kết nối cung cầu công nghệ tại Canada.

Hải Phòng hiện có 57.000 doanh nghiệp hoạt động mạnh mẽ và thành phố cũng đang hướng tới ba trụ cột lớn là công nghiệp công nghệ cao, hậu cần cảng biển và du lịch thương mại. Đây cũng là những điểm mà Canada có thế mạnh để có thể kết nối và triển khai thành công trong thời gian tới.

Ông Bill Hawkins, Giám đốc quản lý GrowthBridge - một công ty chuyên kết nối các doanh nghiệp toàn cầu - nhận định đây là cơ hội tuyệt vời để kết nối hai nền kinh tế Canada và Việt Nam thông qua một thành phố có vị trí chiến lược là Hải Phòng, nơi có cảng biển và những khu công nghiệp thực sự thú vị đang thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Hải Phòng hiện có 57.000 doanh nghiệp hoạt động mạnh mẽ và thành phố cũng đang hướng tới ba trụ cột lớn là công nghiệp công nghệ cao, hậu cần cảng biển và du lịch thương mại. Đây cũng là những điểm mà Canada có thế mạnh để có thể kết nối và triển khai thành công trong thời gian tới.

Với mục tiêu này, đoàn công tác của thành phố Hải Phòng đã có buổi làm việc với công ty dynaCert để tìm hiểu kỹ lưỡng về công nghệ độc đáo giảm phát thải carbon cho các phương tiện và cơ sở sử dụng dầu diesel như tàu thuyền container hay các máy móc thiết bị hạng nặng hoạt động ở cảng Hải Phòng.

Theo ông Tuấn, việc lựa chọn được công nghệ mới có thể giảm khí thải là điều mà Hải Phòng rất cần trong quá trình phát triển, đặc biệt là sẽ được áp dụng vào các phương tiện vận tải hay các nhà máy sử dụng dầu diesel để giảm phát thải và tạo ra các giá trị giúp cho các ngành vận tải cũng như ngành công nghiệp của thành phố phát triển trong tương lai.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành dynaCert Jim Payne chia sẻ với phóng viên TTXVN rằng công ty có công nghệ có thể tạo ra sự khác biệt lớn trên thế giới vì công nghệ này làm thay đổi mọi thứ ngay tại nguồn, ngay trong quá trình đốt cháy.

Ông này khẳng định hiện chưa có ai có được công nghệ này, không những làm giảm 50% lượng khí thải tổng thể mà còn giúp giảm 88% lượng NO và NO2, một loại khí độc hại nhất do động cơ diesel tạo ra.

Công ty dynaCert có công nghệ sản xuất ra các đơn vị hydro có thể gắn được vào các động cơ chạy dầu diesel, giúp làm giảm đáng kể lượng khí thải. Công nghệ này nếu được áp dụng tại Việt Nam có thể sẽ góp phần giúp đạt được mục tiêu phát thải ròng vào năm 2050./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục