Nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống 76 năm ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam (3/10/1945-3/10/2021), phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn về công tác nâng cao chất lượng dự báo đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Sau đây là nội dung phỏng vấn.
Công tác dự báo, cảnh báo chuyển biến rõ rệt
- Thưa Giáo sư, trước bối cảnh của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai vẫn diễn ra nghiêm trọng, trong khi đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, công tác nâng cao năng lực, nhất là chất lượng dự báo khí tượng, thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu được thực hiện thế nào thưa ông?
Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hồng Thái: Trong bối cảnh nền khoa học công nghệ trên thế giới phát triển nhanh chóng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với nhu cầu ngày càng gia tăng cả về số lượng, chất lượng thông tin khí tượng thủy văn.
Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng rõ rệt đã đặt ra cho ngành Khí tượng Thủy văn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội để đổi mới, phát triển.
Ngành Khí tượng Thủy văn đã tích cực tiếp cận và mở rộng ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động quan trắc, thông tin dữ liệu và cung cấp bản tin dự báo hằng ngày, hằng giờ.
Theo đó, dự báo tác động của các loại hình thiên tai đang dần bổ sung thêm ngoài các dự báo hiện tượng; các sản phẩm thông tin khí tượng thủy văn từng bước được xây dựng theo định hướng cụ thể hơn, chi tiết hơn, dễ hiểu hơn, đa dạng hơn, vừa phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ phòng chống thiên tai, bảo vệ quốc phòng, an ninh của đất nước, nhưng cũng phải được xác định là thông tin đầu vào phục vụ hiệu quả cho công tác quy hoạch và triển khai các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của các bộ, ngành, địa phương.
Từ những nỗ lực chủ động trên mọi phương diện, công tác dự báo, cảnh báo của Ngành Khí tượng Thủy văn đã có những chuyển biến rõ rệt cả về lượng và chất cũng như đa dạng hóa hình thức thông tin hướng đến từng đối tượng sử dụng như mở rộng thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm xu thế thiên tai tới 10 ngày; nội dung và hình thức bản tin đã có nhiều thay đổi, tập trung cung cấp các thông tin dự báo ở quy mô nhỏ hơn (cấp huyện, cấp xã) và thời gian dài hơn.
Các sản phẩm dự báo mùa cũng được mở rộng, hạn dự báo, hàng năm đã có bản tin nhận định thiên tai năm (ban hành 2 lần/ năm).
Dự báo, cảnh báo các thiên tai khí tượng thủy văn nguy hiểm như mưa lớn diện rộng đã được cảnh báo trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%. Đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông, cảnh báo trước từ 30 phút đến 2-3 giờ.
Dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%. Dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 70%, thời điểm kết thúc các đợt nắng nóng diện rộng chính xác từ 80-90%.
Đối với các hiện tượng bão, áp thấp nhiệt đới, hiện tại đã nâng hạn dự báo bão lên 3 ngày, cảnh báo đến 5 ngày.
Có thể kể đến bản tin dự báo bão (vị trí và cường độ bão) của Việt Nam đã có độ chính xác dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, giảm sai số vị trí bão từ 250-300km trước những năm 2010 ở hạn dự báo 48 giờ xuống còn khoảng 120-150km trong những năm gần đây.
- Trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và phòng chống thiên tai, Ngành Khí tượng Thủy văn “phải đi trước một bước,” ngành đã thực hiện việc này như thế nào, đặc biệt là công tác huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực và đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khí tượng thủy văn?
Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hồng Thái: Trước hết, để đi trước một bước, ngành đã đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống pháp luật về khí tượng thủy văn. Luật Khí tượng Thủy văn ra đời đã cơ bản giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với lĩnh vực khí tượng thủy văn.
Luật không chỉ tạo hành lang pháp lý cho các lĩnh vực chuyên môn khí tượng thủy văn, mà còn tạo ra khung khổ pháp lý, thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; bảo đảm điều kiện hoạt động khí tượng thủy văn phát triển, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Cùng với đó, ngành chú trọng việc nâng cấp, bổ sung mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn theo hướng tự động, hiện đại bằng hình thức thực hiện chuyển dần từ đo đạc thủ công sang tự động, đan dày các trạm quan trắc ở vùng núi, vùng sâu.
Với gần 1.000 trạm quan trắc cơ bản về khí tượng, thủy văn, hải văn, môi trường, đo mặn và hệ thống radar thời tiết, định vị sét, thám không vô tuyến… cùng 2.000 trạm đo mưa tự động, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn hiện nay đã phát huy được vai trò trong việc đảm bảo cung cấp số liệu phục vụ kịp thời cho công tác giám sát các hiện tượng khí tượng thủy văn phục vụ tốt cho công tác phòng, chống thiên tai.
[Nâng cấp, bổ sung mạng lưới tự động quan trắc khí tượng thủy văn]
Ngành Khí tượng Thủy văn đã xây dựng hệ thống quản trị dữ liệu tập trung và nâng cấp hệ thống tính toán hiệu năng cao với Trung tâm dữ liệu (Data center) được đầu tư xây dựng đã đạt gần tới tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo hoạt động ổn định hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm mạng máy tính, các máy chủ nghiệp vụ, hệ thống tính toán hiệu năng cao.
Thông qua hệ thống này, toàn bộ hoạt động nghiệp vụ khí tượng thủy văn được tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống dự báo. Toàn bộ dữ liệu khí tượng thủy văn trong và ngoài nước được tích hợp, tổ chức xử lý, lưu trữ, khai thác và cung cấp theo hướng tập trung, đồng bộ (dữ liệu được tập trung tại Trung tâm dữ liệu Ngành Khí tượng Thủy văn), phục vụ cho tất cả các công tác nghiệp vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và được chia sẻ đến các đơn vị phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo về phòng, chống thiên tai như Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.
Ngoài ra, ngành Khí tượng Thủy văn đã không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế đa phương và song phương góp phần đáng kể cho việc tăng cường về kỹ thuật, tài chính, trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ và tham gia bảo vệ chủ quyền đất nước; xây dựng định hướng hợp tác, trao đổi thông tin song phương và đa phương, thiết lập và duy trì hợp tác thường xuyên với các Cơ quan Khí tượng của các nước phát triển hàng đầu thế giới.
Việt Nam tham gia tích cực các hội nghị, diễn đàn quốc tế để nâng cao vị thế của quốc gia, đặc biệt tại các Đại hội đồng của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Khóa họp thường niên của Ủy ban Bão. Đại diện của Việt Nam đã 2 lần được 35 nước thành viên tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội khí tượng khu vực II châu Á.
Tổ chức Khí tượng Thế giới đã chính thức công nhận Việt Nam là một mắt xích quan trọng, là một thành viên chủ động trong công tác khí tượng thủy văn của thế giới ở khu vực châu Á.
Điều đó chứng tỏ vị thế của ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam đã được Tổ chức Khí tượng thế giới và các bạn bè quốc tế trong khu vực châu Á ghi nhận cho những đóng góp trên trường quốc tế.
Nâng cao tính chính xác, độ tin cậy của các bản tin dự báo
- Thưa Tổng cục trưởng, ông có thể cho biết những giải pháp phát triển ngành Khí tượng Thủy văn trong thời gian tới?
Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hồng Thái: Ngày 25/9/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đây là lần đầu tiên, ngành Khí tượng Thủy văn được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị riêng.
Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư, Ngành Khí tượng Thủy văn tập trung vào một số giải pháp trọng tâm, trước hết, cần có giải pháp nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn để nâng cao tính chính xác, độ tin cậy của các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai trong thời gian tới, Tổng cục Khí tượng Thủy văn có kế hoạch xây dựng hệ thống quan trắc hiện đại, hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường công nghệ dự báo, năng lực chuyên môn, đặc biệt là xây dựng và đưa vào dự báo nghiệp vụ dụng mô hình dự báo bão, mưa lớn của Việt Nam; xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Ngành tăng cường đào tạo cán bộ dự báo, mở rộng hợp tác quốc tế, cải tiến thay đổi nội dung, hình thức truyền tin thiên tai cụ thể như tiếp tục đầu tư xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, phát triển công nghệ dự báo số để tăng cường năng lực dự báo từ hạn cực ngắn đến hạn dài; xây dựng hệ thống mô hình khu vực phân giải cao, đồng hóa số liệu từ nguồn số liệu radar thời tiết, vệ tinh, trạm thám không; xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, chi tiết hóa các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, trong đó đặc biệt chú trọng chi tiết hóa tác động của thiên tai với các lĩnh vực kinh tế, xã hội và các đối tượng chịu rủi ro thiên tai.
Ngành chú trọng đặc biệt đến xây dựng, hoàn thiện và giám sát việc thực hiện các quy trình dự báo từ Trung ương đến các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, ngành chủ trương tăng cường mật độ trạm quan trắc trên biển, số liệu bão trên biển, các trạm đo mưa tự động trên khu vực có địa hình phức tạp, các trạm quan trắc cao không, radar.
Trong tương lai, xem xét đến khả năng bay thám sát bão bằng máy bay hoặc tên lửa nhằm xác định vị trí, cường độ, tốc độ, hướng di chuyển bão chính xác hơn; đầu tư nâng cấp hệ thống tính toán hiệu năng cao; hoàn thiện và đồng bộ hệ thống thông tin khí tượng thủy văn, từ khâu quan trắc tới dự báo và truyền tin thiên tai, từ cấp Trung ương tới địa phương, từ ngành Khí tượng Thủy văn tới các bộ, ngành, địa phương, các đối tượng chịu rủi ro thiên tai.
Ngành đẩy mạnh tuyên truyền về công tác khí tượng thủy văn đến các cấp chính quyền và nhân dân nhằm nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, các hội nghị truyền thông phổ biến các thông tin cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn với các thành phần khác nhau; phát triển các kênh truyền thông của khí tượng thủy văn như truyền hình, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, phát hành các tờ rơi,…
Ngoài ra, ngành xây dựng cơ chế đặc thù thu hút khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước (về lương, thưởng…) cũng như đãi ngộ các cá nhân có năng lực cao và đang làm việc ở nước ngoài về nước làm việc.
Mục tiêu trước mắt của ngành Khí tượng Thủy văn là tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ dự báo viên hiện tại và trong trung hạn, dài hạn sẽ xây dựng chiến lược đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế với các quốc gia có nền khoa học công nghệ cao về khí tượng thủy văn, thúc đẩy cơ chế hợp tác đối tác và hợp tác chuyển giao, phát triển công nghệ thay cho việc thuần túy hợp tác tiếp nhận và chia sẻ kinh nghiệm.
Với các biện pháp đồng bộ và lộ trình như ở trên, tôi tin rằng sẽ tạo cơ sở để công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn sẽ từng bước nâng cao chất lượng của bản tin, tăng hiệu quả phòng, chống thiên tai của các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội, từng bước xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai./.
- Xin trân trọng cảm ơn!./.