Nhận lời mời của Thủ tướng Nhà nước Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jasim Al-Thani, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Qatar.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tới Qatar sau 15 năm (năm 2009) và 12 năm sau chuyến thăm cấp cao của Quốc vương Qatar tới Việt Nam (năm 2012).
Theo Đại sứ Việt Nam tại Qatar Nguyễn Huy Hiệp, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Qatar mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực, mở ra giai đoạn hợp tác mới trong quan hệ Việt Nam-Qatar, đặc biệt trong thu hút đầu tư từ Qatar vào Việt Nam và tạo đột phá cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận thị trường Qatar và khu vực.
Quan hệ Việt Nam-Qatar phát triển tốt đẹp
Việt Nam-Qatar thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8/2/1993. Tháng 3/2008, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Doha. Tháng 1/2010, Qatar mở Đại sứ quán tại Hà Nội.
Đoàn Việt Nam thăm Qatar gồm có: Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng (12/2007); Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (3/2009); Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân (5/2009); Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (6/2010); Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (4/2013); Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã Hội Phạm Thị Hải Chuyền (4/2013); Thứ trưởng Thường trực Bộ Công An Đặng Văn Hiếu (5/2014); Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (12/2014); Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (11/2016); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Đại hội đồng IPU-140 (4/2019); Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai (8/2019); Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm (12/2019); Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu họp tham vấn chính trị lần thứ 2 (7/2022); Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 5 của Liên hợp quốc về các nước kém phát triển nhất (LDC5) tại Doha (3/2023); Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (5/2023)…
Đoàn Qatar thăm Việt Nam: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Hamad Bin Jassim Bin Jaber Al Thani (1/2007); Bộ trưởng Lao động (1/2008); Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Hamad Bin Jassim Bin Jaber Al Thani (4/2008), Quốc vụ khanh phụ trách Hợp tác quốc tế (3/2010); Quốc vương Qatar Hamad Bin Khalipha Al Thani (1/2012); Thứ trưởng Bộ Lao động (11/2013); Thứ trưởng Bộ Kinh tế-Thương mại (3/2016); Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao (12/2017); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani (8/2022)…
Về thương mại, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt 368 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Qatar 285,6 triệu USD. Việt Nam nhập khẩu từ Qatar chủ yếu các sản phẩm khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, phân urê… và xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng thủy sản, dây và cáp điện, sản phẩm gỗ, sản phẩm mây tre, gốm sứ, rau quả, hàng điện tử…
Về đầu tư, hiện Qatar có 1 dự án đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đăng ký 3,23 triệu USD. Theo thông tin từ phía Qatar, Quỹ Đầu tư Qatar (QIA) đang tham gia đầu tư gián tiếp (qua các Ngân hàng phát triển, Quỹ đầu tư của bên thứ ba) tại một số dự án bất động sản và công nghiệp tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 500 triệu USD.
Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) đang triển khai một số hợp đồng cung ứng thiết bị, dịch vụ thiết kế và nhân lực cho Công ty Dầu khí North Oil Company của Qatar giai đoạn 2019-2025.
Về các cơ chế hợp tác, Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước được thành lập từ 2007. Đến nay, hai bên đã tổ chức 2 kỳ họp gồm: lần 1 vào tháng 4/2013 tại Doha; lần 2 vào tháng 4/2016 tại Hà Nội.
Cơ chế Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao được thiết lập từ 2007. Đến nay, hai bên đã tổ chức 3 kỳ họp gồm: lần 1 vào tháng 5/2015 tại Hà Nội, lần 2 vào tháng 7/2023 tại Doha và lần 3 tại Hà Nội vào tháng 7/2024.
Hai bên còn hợp tác trong các lĩnh vực khác. Hai nước ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Qatar đã ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Về giáo dục đào tạo, hai bên ký MOU hợp tác giáo dục, giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học năm 2012 và MOU hợp tác về trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên năm 2020. Hằng năm, Qatar cấp cho Việt Nam 3 học bổng học tiếng Arab trong thời gian 9 tháng, từ năm 2021 là 4 học bổng.
Về hợp tác lao động, năm 2008, Việt Nam từng có trên 10.000 lao động tại Qatar nhưng hiện chỉ còn khoảng 300 lao động ở Qatar.
Về hợp tác giao thông vận tải: Hãng hàng không Qatar Airways đã mở đường bay trực tiếp từ Doha đến Thành phố Hồ Chí Minh (2007), đến Hà Nội (2010), đến Đà Nẵng (2018) và tiến hành khai thác một số chuyến bay từ Việt Nam sang các nước khác. Qatar Airways chưa nối lại khai thác chuyến bay đến Đà Nẵng từ sau đại dịch COVID-19.
Về hợp tác ngân hàng, Ngân hàng Quốc gia Qatar mở văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh (3/2015).
Cộng đồng người Việt Nam tại Qatar chủ yếu được hình thành năm 2008 sau khi Chính phủ thực hiện chính sách xuất khẩu lao động sang các nước trong khu vực. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, số lượng người Việt tại Qatar đã giảm so với trước đây. Hiện có khoảng 300 người Việt tại Qatar, chủ yếu là lao động phổ thông có thời hạn, làm việc cho một số dự án, còn lại số ít là gia đình các kỹ sư làm việc cho công ty của Qatar, công ty nước ngoài tại Qatar và phụ nữ kết hôn với người nước ngoài làm việc ở sở tại.
Hằng năm, có 3-4 sinh viên theo học khóa tiếng Arab trong thời gian 9 tháng theo diện học bổng do Qatar cấp.
Do đặc thù cộng đồng gồm chủ yếu lao động có thời hạn, người Việt sinh sống lâu nhất ở Qatar cũng chỉ trên dưới 10 năm, chưa có ai nhập quốc tịch Qatar (do luật pháp sở tại yêu cầu phải cư trú tại Qatar từ 25 năm trở lên mới được nhập quốc tịch). Cộng đồng sống rải rác, tuy nhiên, tập trung nhiều nhất ở thủ đô Doha.
Hai nước đã ký kết các văn kiện hợp tác: Hiệp định về quy định tuyển dụng lao động Việt Nam đi làm việc tại Qatar (ký ngày 11/1/2008; ngày hiệu lực 17/3/2009); Hiệp định về vận chuyển hàng không (ký ngày 8/3/2009; ngày hiệu lực 21/4/2011); Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau (ký ngày 8/3/2009; ngày hiệu lực 8/12/2021); Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập (ký ngày 8/3/2009; ngày hiệu lực 16/3/2011); Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học (ký ngày 16/1/2012; ngày hiệu lực 25/2/2018); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và đặc biệt (ký ngày 15/8/2022; ngày hiệu lực 29/3/2023).
Việt Nam muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Qatar
Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp đánh giá việc lựa chọn Qatar là một trong những điểm đến trong chuyến thăm khu vực vùng Vịnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhằm cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và tích cực thực hiện Đề án "Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016-2025."
Chuyến thăm cho thấy Việt Nam đánh giá cao tiềm lực và vai trò của Qatar tại khu vực Trung Đông và trong thế giới Arab, coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam-Qatar và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Qatar đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.
Chuyến thăm Qatar của Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt trọng tâm vào việc tăng cường hợp tác toàn diện và sâu rộng với Qatar trên các lĩnh vực, thông qua việc đánh giá đúng tiềm năng và vị thế của Qatar hiện nay, tranh thủ một cách hiệu quả vai trò của Hoàng gia Qatar và tận dụng các cơ hội hợp tác đang nổi lên giữa hai nước. Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp kỳ vọng chuyến thăm sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị giữa hai nước; tạo động lực, mở ra giai đoạn hợp tác mới trong quan hệ Việt Nam-Qatar; đặc biệt trong thu hút đầu tư từ Qatar vào Việt Nam và tạo đột phá cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận thị trường Qatar và khu vực.
Lãnh đạo hai nước dự kiến sẽ trao đổi các biện pháp về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như đầu tư, năng lượng, hàng không, nông nghiệp, công nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực; đồng thời, trao đổi các biện pháp và hình thức để đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục, du lịch, văn hóa, nghệ thuật, thể thao.
Với ý nghĩa đó, trong chuyến thăm này, ngoài hội đàm với Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ có các cuộc gặp, làm việc với các lãnh đạo cấp cao Qatar, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành phụ trách kinh tế và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Qatar.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, Vùng Vịnh là một trong những khu vực phát triển năng động hàng đầu thế giới, đứng đầu về trữ lượng dầu mỏ, có các trung tâm tài chính hàng đầu, đang đi đầu trong chuyển đổi mô hình phát triển mới theo hướng đa dạng hóa nền kinh tế và đang đón đầu các xu thế mới về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Cùng với UAE và Saudi Arabia, Qatar nằm trong những nước có quy mô kinh tế và vai trò quan trọng nhất tại Trung Đông.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho biết chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho những lĩnh vực hợp tác truyền thống, tạo đột phá mới thúc đẩy những lĩnh vực tiềm năng và trên hết tạo dựng một cách vững chắc sự tin cậy chính trị để mở đường cho một giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam và Qatar./.
Việt Nam và Qatar đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Quốc vụ khanh Ngoại giao Qatar Soltan Bin Saad Al-Muraikhi khẳng định, Qatar luôn coi trọng, mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.