Mỏ mangan Phúc Sơn chưa hoàn thành nạo vét bùn thải, gia cố bờ bao

Công ty cổ phần Khoáng sản và Cơ khí, Chi nhánh Công ty MIMECO mangan Phúc Sơn đã dừng hoạt động nhưng không khắc phục những sai phạm như gia cố bờ bao, nạo vét bùn thải.
Hàng ngàn mét khối đất bùn được tích tụ trong khu vực mỏ của Công ty cổ phần Khoáng sản và Cơ khí - Mỏ mangan MIMECO Phúc Sơn gây ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình khai thác mangan tại xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Khoáng sản và Cơ khí, Chi nhánh Công ty MIMECO mangan Phúc Sơn phải dừng ngay hoạt động khai thác, tuyển rửa; hoàn thành việc gia cố bờ bao, nạo vét bùn thải.

Tuy nhiên, thời hạn đã hết từ lâu mà đơn vị này vẫn chây ỳ không khắc phục.

Phát hiện nhiều sai phạm

Ngày 21/7, TTXVN có bài phản ánh việc khai thác mangan ở xã Phúc Sơn ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực quanh mỏ.

Ngày 5/8, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế hoạt động của Công ty cổ phần Khoáng sản và Cơ khí, Chi nhánh Công ty MIMECO mangan Phúc Sơn và khẳng định việc phản ánh là đúng sự thật.

Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra đơn vị này vẫn đang tiến hành khai thác, tuyển rửa quặng mangan dù giấy phép khai thác đã hết hạn từ năm 2013.

Bùn thải từ hệ thống tuyển quặng được tích tụ tại hồ chứa có khối lượng lớn, tiềm ẩn nguy cơ cao tràn bùn đất xuống ruộng lúa của nhân dân và khu vực xung quanh.

Trong quá trình khai thác, đơn vị này đã đổ thải ra khu vực xây dựng bãi đổ thải, đê quai, hồ chứa nước theo phạm vi trong báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng chưa có quyết định thu hồi, cho thuê đất.

Đơn vị này cũng không xây dựng đúng và đầy đủ các hạng mục theo báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung đã được tỉnh Tuyên Quang phê duyệt như chưa xây dựng hồ chứa nước tuần hoàn, hồ chứa bùn thải, đê quai.

Hoạt động khai thác, đổ thải của đơn vị này cũng không đúng với báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung đã được phê duyệt, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; không tuân thủ công tác thu gom, quản lý chất thải nguy hại theo quy định.

Ngoài ra, đơn vị này còn ngang nhiên xả nước thải vào nguồn nước tự nhiên trong khi giấy phép xả thải đã hết hạn.

Trước những sai phạm trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang đã yêu cầu đơn vị này dừng mọi hoạt động khai thác kể từ ngày 5/8.

Yêu cầu đơn vị này thực hiện nghiêm các nội dung tại văn bản số 779/ĐCKS ngày 25/3 của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, trong đó có việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền sử dụng số liệu, thông tin và kết quả điều tra thăm dò khoáng sản của Nhà nước; gia cố bờ bao, nạo vét bùn để hạn chế xảy ra sự cố môi trường và phải hoàn thành trước ngày 20/8.

Chây ỳ không khắc phục

Trên công trường mỏ mangan ở xã Phúc Sơn hiện máy móc thiết bị ngổn ngang, chỉ có một vài nhân viên ở lại trông coi mỏ.

Công ty cổ phần Khoáng sản và Cơ khí, Chi nhánh Công ty MIMECO mangan Phúc Sơn đã dừng hoạt động theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang.

Tuy nhiên, đơn vị này vẫn chây ỳ không khắc phục những sai phạm mà Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang chỉ ra như gia cố bờ bao, nạo vét bùn để hạn chế xảy ra sự cố môi trường.

Anh Vũ Quang Vinh, thôn Nà Pết, xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa cho biết, từ ngày báo chí phản ánh đơn vị này đã ngừng khai thác, tuyển rửa, tuy nhiên việc gia cố bờ bao, nạo vét bùn ở các hồ chứa thì đơn vị này vẫn chưa thực hiện. Ruộng nhà anh ngay dưới khu vực mỏ nên mỗi khi mưa lớn bùn đất lại tràn vào.

Chị Phạm Thị Thanh, thôn Nà Pết, xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa, khẳng định, khoảng đầu tháng 9, khi trời mưa một lượng lớn bùn đất đã sạt lở tràn vào ruộng của bà con, công ty có trả lời là do họ chưa có điều kiện gia cố nên tạm thời dùng tấm tôn chắn. Nếu trời mưa nữa thì tình trạng sạt lở sẽ vẫn tái diễn.

Trước những bức xúc của người dân khu vực quanh mỏ mangan Phúc Sơn, trao đổi với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang, ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở cho biết, Sở đã có giấy mời đơn vị này lên làm việc nhưng họ khất lần khất lượt.

Theo cơ quan thuế thì đơn vị này hiện còn nợ nghĩa vụ tài chính hơn 3 tỷ đồng. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục vận động đơn vị này thực hiện việc đóng cửa mỏ, khắc phục môi trường.

Nếu không thực hiện thì Sở sẽ sử dụng số tiền mà đơn vị này đóng Quỹ cải tạo, phục hồi môi trường để thuê đơn vị khác gia cố đê bao nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục