Như nhiều dân tộc ít người khác sống ở những vùng núi xa xôi trên khắp cả nước, Tết của người Hà Nhì (Hà Nhì hoa và Hà Nhì đen sống tập trung ở hai tỉnh miền núi Điện Biên, Lào Cai) dư sức “quyến rũ” người miền xuôi vì có nhiều tập tục thú vị…
Nơi ăn Tết không khói hương
Khi những cánh đào rừng còn chưa kịp e ấp thì Tết đã về với tộc người Hà Nhì. Tết bắt đầu ngay sau vụ mùa, chính trong ba ngày vào tháng Mười một tính theo lịch Mặt Trăng (tức âm lịch) và nhất thiết phải chọn vào ngày Rồng.
Ông Pờ Sí Tài, người có công tìm ra vùng đất màu mỡ cho cả bản và dời bà con từ trên bản Tả Ló San sát biên giới về Tả Kố Khừ (Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) cho biết: "Người Hà Nhì hoa mỗi dòng họ chỉ có một ban thờ duy nhất đặt ở đầu giường nhà trai trưởng thôi. Ngoài ra, các anh em không đặt ban thờ riêng."
Mỗi dịp Tết đến xuân về như thế này, họ hàng lại tập trung ở nhà ông cả như ông Tài làm lễ cúng bái nhưng tịnh không hương khói nghi ngút như các dân tộc khác. Họ không đốt hương cũng như không cúng bái cả ngày thường.
"Riêng ban thờ ngày Tết hơn ngày thường vì có thịt lợn, bánh cha lê, rượu, gạo và lá chè tươi," người đàn ông được coi là "thủ lĩnh" của dân bản với thân hình to lớn như gấu rừng nói.
Ăn trọn cái Tết với nhà họ Pờ, tôi thấy mâm cỗ Tết của người Hà Nhì không thể thiếu hai thứ là rượu ngô tràn trề và thịt lợn ăm ắp. Tục chào mâm là mỗi người phải uống đủ ba chén rượu, bắt tay ba cái thật chặt, ai không uống được sẽ chịu hình phạt là ăn một xâu thịt mỡ. Trong bữa ăn, nếu có “bề trên” (bậc từ anh trai chồng trở lên) thì phụ nữ trong gia đình sẽ phải ngồi ăn riêng.
Đến nhà "hoa khôi bản" Sừng Kim Thu, không thể không ngạc nhiên trước tài nội trợ của người phụ nữ Hà Nhì hoa. Bếp của họ là một kho thức ăn, trong những ngày Tết nhà nhà đều có thịt gác bếp, xúc xích đeo trĩu xà. Xúc xích toòng teng trên gác bếp có thể dành ăn quanh năm, vị thơm ngon đặc biệt nhờ gia vị là các loại thảo quả rừng được gia giảm qua bàn tay người phụ nữ đảm đang.
Khắp bản ngày Tết bừng lên sắc màu và không khí cổ truyền từ những bộ trang phục sặc sỡ của những thiếu nữ Hà Nhì hoa. Các cô gái chờ cả năm để được làm đỏm nên thẹn thùng lắm, đứng vấn tóc rồi quấn khăn cho nhau sau bậu cửa hay dưới những giàn bí bò lổm ngổm mà hai má cũng lựng đỏ bồ quân, quay lưng khi thấy người lạ ngó nghiêng.
Người Hà Nhì ít sắm sửa ngày Tết, nhà cửa cũng không được chăm chút gì nhiều. Là bởi miếng ăn còn khó nói gì tới sắm sanh. Gia đình gọi là có của ăn của để thì dựng nhà gỗ chứ nghèo chỉ đắp đất với mái vá chằng vá đụp bằng những mảnh bạt, giấy dầu...
Tường rào bao quanh nhà đơn sơ dăm ba chục chiếc que nứa gá nhau và chiếc cổng mỏng manh. Trâu bò, lợn gà cũng cứ tự lớn lên chứ có mấy khi được bàn tay con người chăm sóc.
Vùng cao giao thương khó khăn, nhà nào cũng cố ươm trồng vài vạt rau cải thiện. Nhưng nước sinh hoạt còn thiếu thốn lấy đâu nước tưới vườn, thành ra rau cỏ chật vật mãi mới nhú lên nổi. Thế nên ngày Tết, các loại rau cải được coi là món “sang” trên mâm cỗ của người Hà Nhì.
Mổ lợn và xòe dưới trăng…
Tết cổ truyền Hà Nhì thường kéo dài khoảng một tuần. Đặc biệt, mổ lợn, giã bánh và xòe dưới trăng là những nghi thức không thể thiếu trong mỗi dịp của tộc người chỉ thờ cúng tổ tiên này.
Ngày đầu năm mới, cả bản đua nhau mổ lợn. Khi trời còn chưa tỏ thì cả bản đã râm ran tiếng lợn eng éc. Ở sân nhà Bí thư xã Sín Thầu Pờ Dần Sinh, trời ló rạng cũng là lúc đám thanh niên trai tráng xẻ xong con lợn gần hai tạ. Chiếc "pín” (vì là lợn đực) được gia chủ treo trước sân báo hiệu nhà đã mổ lợn ăn Tết.
Gan là bộ phận rất được coi trọng vì người đàn ông nhiều kinh nghiệm trong gia đình nhìn vào đó có thể biết được vận hạn của cả gia đình, dòng họ trong năm mới, ông Sinh cho hay.
Tiếng giã bánh dày thậm thịch đánh thức bình minh cả bản. Ngày Tết thứ hai, ở nhà cô gái bản có mái tóc dài và đôi mắt lúng liếng Tô Mé, từ sáng sớm, phụ nữ và trẻ em đã xúm xít quanh chiếc cối còn cánh đàn ông trai tráng thì vắt lưới lên vai ngược suối đi bắt cá hay vào rừng săn bắt.
Những đứa trẻ hai má đỏ hây hây và nứt nẻ vì lạnh, đứa lớn quệt mũi cho đứa bé. Chúng hớn hở hóng hớt quanh mẹt bánh dày bốc khói đang hôi hổi mỗi lúc một đầy thêm, thi thoảng lại chí chóe giành nhau miếng bánh ăn hôi. Bánh dày làm từ cơm nếp trộn với vừng giã nhuyễn thủ công bằng cối đá chôn ở góc nhà là nỗi thèm thuồng của tụi nhỏ.
Ngay từ chiều, thanh niên bản đã rậm rịch trống rong cờ mở chuẩn bị cho chương trình văn nghệ vào buổi tối. Đây có lẽ là sự kiện được cả cộng đồng háo hức đón chờ nhất.
Sau loạt trống dồn nổi lửa, tất cả nhường sân khấu cho nam thanh nữ tú cùng nắm tay xòe dưới ánh trăng vằng vặc quanh đống lửa bập bùng, trong tiếng chiêng, trống càng về khuya càng tưng bừng, rộn rã.
Ăn trọn vẹn cái Tết của tộc người Hà Nhì, không hiểu sao tôi cứ vương vấn mãi hình ảnh thú vị và ngộ nghĩnh chú ụt ịt bị gông cổ cả ngày bằng chiếc gông tam giác làm từ ống tre, nứa. Nom nó y như một tên tội đồ đang bất lực chịu hình phạt vì không thể đào tẩu.
Là bởi, nó là con lợn hư đã quấy phá vườn rau và sục sạo lung tung nên phải chịu phạt, bà Sừng Kim Thu (vợ Bí thư xã Sín Thầu Pờ Dần Sinh) giải thích./.
Nơi ăn Tết không khói hương
Khi những cánh đào rừng còn chưa kịp e ấp thì Tết đã về với tộc người Hà Nhì. Tết bắt đầu ngay sau vụ mùa, chính trong ba ngày vào tháng Mười một tính theo lịch Mặt Trăng (tức âm lịch) và nhất thiết phải chọn vào ngày Rồng.
Ông Pờ Sí Tài, người có công tìm ra vùng đất màu mỡ cho cả bản và dời bà con từ trên bản Tả Ló San sát biên giới về Tả Kố Khừ (Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) cho biết: "Người Hà Nhì hoa mỗi dòng họ chỉ có một ban thờ duy nhất đặt ở đầu giường nhà trai trưởng thôi. Ngoài ra, các anh em không đặt ban thờ riêng."
Mỗi dịp Tết đến xuân về như thế này, họ hàng lại tập trung ở nhà ông cả như ông Tài làm lễ cúng bái nhưng tịnh không hương khói nghi ngút như các dân tộc khác. Họ không đốt hương cũng như không cúng bái cả ngày thường.
"Riêng ban thờ ngày Tết hơn ngày thường vì có thịt lợn, bánh cha lê, rượu, gạo và lá chè tươi," người đàn ông được coi là "thủ lĩnh" của dân bản với thân hình to lớn như gấu rừng nói.
Ăn trọn cái Tết với nhà họ Pờ, tôi thấy mâm cỗ Tết của người Hà Nhì không thể thiếu hai thứ là rượu ngô tràn trề và thịt lợn ăm ắp. Tục chào mâm là mỗi người phải uống đủ ba chén rượu, bắt tay ba cái thật chặt, ai không uống được sẽ chịu hình phạt là ăn một xâu thịt mỡ. Trong bữa ăn, nếu có “bề trên” (bậc từ anh trai chồng trở lên) thì phụ nữ trong gia đình sẽ phải ngồi ăn riêng.
Đến nhà "hoa khôi bản" Sừng Kim Thu, không thể không ngạc nhiên trước tài nội trợ của người phụ nữ Hà Nhì hoa. Bếp của họ là một kho thức ăn, trong những ngày Tết nhà nhà đều có thịt gác bếp, xúc xích đeo trĩu xà. Xúc xích toòng teng trên gác bếp có thể dành ăn quanh năm, vị thơm ngon đặc biệt nhờ gia vị là các loại thảo quả rừng được gia giảm qua bàn tay người phụ nữ đảm đang.
Khắp bản ngày Tết bừng lên sắc màu và không khí cổ truyền từ những bộ trang phục sặc sỡ của những thiếu nữ Hà Nhì hoa. Các cô gái chờ cả năm để được làm đỏm nên thẹn thùng lắm, đứng vấn tóc rồi quấn khăn cho nhau sau bậu cửa hay dưới những giàn bí bò lổm ngổm mà hai má cũng lựng đỏ bồ quân, quay lưng khi thấy người lạ ngó nghiêng.
Người Hà Nhì ít sắm sửa ngày Tết, nhà cửa cũng không được chăm chút gì nhiều. Là bởi miếng ăn còn khó nói gì tới sắm sanh. Gia đình gọi là có của ăn của để thì dựng nhà gỗ chứ nghèo chỉ đắp đất với mái vá chằng vá đụp bằng những mảnh bạt, giấy dầu...
Tường rào bao quanh nhà đơn sơ dăm ba chục chiếc que nứa gá nhau và chiếc cổng mỏng manh. Trâu bò, lợn gà cũng cứ tự lớn lên chứ có mấy khi được bàn tay con người chăm sóc.
Vùng cao giao thương khó khăn, nhà nào cũng cố ươm trồng vài vạt rau cải thiện. Nhưng nước sinh hoạt còn thiếu thốn lấy đâu nước tưới vườn, thành ra rau cỏ chật vật mãi mới nhú lên nổi. Thế nên ngày Tết, các loại rau cải được coi là món “sang” trên mâm cỗ của người Hà Nhì.
Mổ lợn và xòe dưới trăng…
Tết cổ truyền Hà Nhì thường kéo dài khoảng một tuần. Đặc biệt, mổ lợn, giã bánh và xòe dưới trăng là những nghi thức không thể thiếu trong mỗi dịp của tộc người chỉ thờ cúng tổ tiên này.
Ngày đầu năm mới, cả bản đua nhau mổ lợn. Khi trời còn chưa tỏ thì cả bản đã râm ran tiếng lợn eng éc. Ở sân nhà Bí thư xã Sín Thầu Pờ Dần Sinh, trời ló rạng cũng là lúc đám thanh niên trai tráng xẻ xong con lợn gần hai tạ. Chiếc "pín” (vì là lợn đực) được gia chủ treo trước sân báo hiệu nhà đã mổ lợn ăn Tết.
Gan là bộ phận rất được coi trọng vì người đàn ông nhiều kinh nghiệm trong gia đình nhìn vào đó có thể biết được vận hạn của cả gia đình, dòng họ trong năm mới, ông Sinh cho hay.
Tiếng giã bánh dày thậm thịch đánh thức bình minh cả bản. Ngày Tết thứ hai, ở nhà cô gái bản có mái tóc dài và đôi mắt lúng liếng Tô Mé, từ sáng sớm, phụ nữ và trẻ em đã xúm xít quanh chiếc cối còn cánh đàn ông trai tráng thì vắt lưới lên vai ngược suối đi bắt cá hay vào rừng săn bắt.
Những đứa trẻ hai má đỏ hây hây và nứt nẻ vì lạnh, đứa lớn quệt mũi cho đứa bé. Chúng hớn hở hóng hớt quanh mẹt bánh dày bốc khói đang hôi hổi mỗi lúc một đầy thêm, thi thoảng lại chí chóe giành nhau miếng bánh ăn hôi. Bánh dày làm từ cơm nếp trộn với vừng giã nhuyễn thủ công bằng cối đá chôn ở góc nhà là nỗi thèm thuồng của tụi nhỏ.
Ngay từ chiều, thanh niên bản đã rậm rịch trống rong cờ mở chuẩn bị cho chương trình văn nghệ vào buổi tối. Đây có lẽ là sự kiện được cả cộng đồng háo hức đón chờ nhất.
Sau loạt trống dồn nổi lửa, tất cả nhường sân khấu cho nam thanh nữ tú cùng nắm tay xòe dưới ánh trăng vằng vặc quanh đống lửa bập bùng, trong tiếng chiêng, trống càng về khuya càng tưng bừng, rộn rã.
Ăn trọn vẹn cái Tết của tộc người Hà Nhì, không hiểu sao tôi cứ vương vấn mãi hình ảnh thú vị và ngộ nghĩnh chú ụt ịt bị gông cổ cả ngày bằng chiếc gông tam giác làm từ ống tre, nứa. Nom nó y như một tên tội đồ đang bất lực chịu hình phạt vì không thể đào tẩu.
Là bởi, nó là con lợn hư đã quấy phá vườn rau và sục sạo lung tung nên phải chịu phạt, bà Sừng Kim Thu (vợ Bí thư xã Sín Thầu Pờ Dần Sinh) giải thích./.
ChiLê (Vietnam+)