Trước bối cảnh khó khăn do xuất khẩu giảm sút, thị trường nội địa được đánh giá là trụ đỡ cho nền kinh tế Việt Nam giúp tăng trưởng ổn định.
Liên tục từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 2 con số.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng mức tăng trưởng này sẽ giữ được từ nay đến cuối năm để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9%/năm như mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành công thương.
Nhận định từ các chuyên gia, thời gian qua nhằm khuyến khích tiêu dùng nội địa, Chính phủ đã có nhiều chính sách và tạo điều kiện cho giao thương hàng hóa nội địa thông thoáng hơn, có điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách, giảm giá sản phẩm để kích cầu tiêu dùng.
Chẳng hạn, việc Quốc hội quyết định thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống còn 8% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội, giúp hàng hóa trên thị trường giảm 1,7%. Giải pháp này ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp còn gián tiếp hỗ trợ người tiêu dùng và tác động giúp giảm giá thành sản phẩm.
Ngoài ra, Chính phủ và Bộ Công Thương còn hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hội chợ, quảng bá doanh nghiệp, sản phẩm địa phương, vùng miền cũng như sản phẩm có thế mạnh nhưng gặp khó khăn trong xuất khẩu như dệt may, da giày. Đặc biệt, hoạt động liên kết từ vận chuyển đến logistics, kho bãi cũng được bố trí sắp xếp để giảm chi phí phân phối lưu thông.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư của Tập đoàn Central Retail, cho hay: Tập đoàn thông qua hệ thống phân phối trên 40 tỉnh thành cả nước như GO!, mini GO!, Big C, Top Market đã thực hiện nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như chương trình chính sách giá và khuyến mại. Cùng đó, hệ thống luôn áp dụng giá tốt nhất cho khách hàng trên hệ thống phân phối ở 40 tỉnh, thành cả nước.
[Doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế sân nhà]
Ngoài việc luôn có những chương trình khuyến mại đặc biệt cho 1.000 thực phẩm thiết yếu phục vụ bữa cơm hàng ngày, Tập đoàn Central Retail còn thực hiện chính sách thu mua hết nông sản cho bà con nông dân địa phương.
Theo bà Phạm Thị Thùy Linh, tháng Tư vừa qua, Tập đoàn Central Retail đã hoàn thành chương trình khuyến mại nông sản; tháng Năm là ngày hội khuyến mại ngành thời trang và làm đẹp, hàng điện tử… Dự kiến, tháng 11 tới đây, sự kiện Hà Nội đêm không ngủ sẽ được Tập đoàn tổ chức với việc giảm giá, kích thích tiêu dùng cho nhiều sản phẩm, hàng hóa.
Tương tự, tại siêu thị, cửa hàng bán lẻ thuộc Saigon Co.op, nhằm kích cầu mua sắm trong mùa tựu trường sắp tới, hàng trăm siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) gồm Co.opmart, Co.opXtra… cũng sẽ thực hiện giảm giá từ 20-30% cho sản phẩm dụng cụ học tập, quần áo, cặp sách…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kể từ sau đại dịch COVID-19, khó khăn vẫn luôn tồn tại trong quá trình phát triển thị trường trong nước. Cụ thể như việc thiếu vốn để hiện đại hóa thị trường bán lẻ, logistics cho nội địa, khó khăn trong xây chuỗi kết nối từ sản xuất đến tiêu dùng. Bởi các chuỗi này cần có sự phù hợp riêng với từng đối tượng.
Hơn nữa, thị trường trong nước gặp khó khăn do thu nhập của người dân bị tác động, nhất là người lao động khu vực nhà máy sản xuất hàng hóa xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đang gặp khó khăn do đơn hàng suy giảm.
Các chuyên gia cũng chỉ ra một nút thắt nữa là làm sao để doanh nghiệp “về nhà” khi đã quen với xuất khẩu. Bởi đây là hai lĩnh vực tương đối khác nhau, nhất là có những doanh nghiệp trước nay chỉ tập trung gia công hàng hóa.
Là một trong những ngành hàng có thế mạnh về xuất khẩu, thời gian qua nhiều doanh nghiệp thủy sản coi thị trường nội địa là mảng quan trọng và mang lại doanh thu tích cực cho doanh nghiệp.
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cho hay các mặt hàng chủ yếu đưa vào nội địa hiện nay là hàng giá trị gia tăng phù hợp với đặc thù của người dân Việt Nam, nhất là miền Bắc nhưng nhiều mặt hàng đông lạnh khó tiếp cận được thị trường. Đáng lưu ý, nhiều doanh nghiệp thấy rằng sau nhiều năm, xuất khẩu vẫn thuận tiện hơn, dễ thâm nhập hơn so với nội địa. Đó là điều cần nhìn lại để tìm giải pháp giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh tốt hơn thị trường nội địa, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn.
Theo bà Lê Hằng, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, đánh giá cao Bộ Công Thương đã có nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa như Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, khuyến mãi tập trung quốc gia… Tuy nhiên, việc truyền thông còn chưa sâu và chưa đủ mạnh để doanh nghiệp biết đến nhiều hơn chương trình của Bộ. Vì vậy, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam mong muốn những chương trình kết nối cụ thể hơn với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để mở rộng thị trường trong nước cho doanh nghiệp thủy sản tháo gỡ khó khăn khi tiếp cận thị trường bán lẻ, xu hướng tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Để thị trường nội địa tăng trưởng bền vững, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng như chính sách của nhà nước thời gian qua đã hỗ trợ cho hoạt động của địa phương, doanh nghiệp. Thế nhưng, vẫn cần đưa ra kế sách giúp giảm chi phí kinh doanh cũng như chi phí quầy kệ của doanh nghiệp bán lẻ.
Đặc biệt lưu ý tới kết nối giao thương giữa các đơn vị để giảm thiểu thời gian chuyển hóa hàng hóa từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Cùng đó, các tổ chức truyền thông cần có giải pháp động viên người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, qua đó tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thị trường, đa dạng hóa sản phẩm với giá cả cạnh tranh. Từ đó việc sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới đơn giản. Mặt khác, tạo sự liên kết vững chắc giữa doanh nghiệp để có được chi phí hợp lý nhất ở các công đoạn nhằm giúp hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng Việt nhanh và hiệu quả.
Đại diện Bộ Công Thương cho hay Bộ Công Thương đã, đang và sẽ làm việc với các nhà phân phối lớn nhất tại Việt Nam để kết nối hàng hóa của các địa phương, tạo đầu ra ổn định. Hơn nữa, ngoài việc đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” Bộ Công Thương đang triển khai 9 chương trình, đề án để kết nối hàng hóa vào kênh phân phối như hàng hóa của bà con dân tộc, hàng Việt Nam, hàng OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), hàng hóa biên giới hải đảo, hàng hóa trong chương trình đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, hàng hóa an toàn thực phẩm… vào hệ thống phân phối.
Không những thế, Bộ Công Thương còn có nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng quan trọng sẽ triển khai từ nay đến cuối năm; trong đó, đặc biệt quan tâm đến chương trình chuyển đổi số quốc gia, khuyến mại quốc gia, bình ổn thị trường… để đưa hàng hóa tiêu thụ tại các địa phương.
Hiện tại, gần 50 tỉnh, thành có chương trình bình ổn thị trường và đến tháng 10 tới sẽ tăng thu mua để phục vụ Tết. Đây là giai đoạn bùng nổ của thị trường nội địa. Do đó, việc đẩy mạnh hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước được xác định là đòn bẩy hữu hiệu giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khôi phục tăng trưởng kinh tế./.