Mở lại phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến Dự án Sân bay Điện Biên

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh xác định đây là vụ án đồng phạm, đối với hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất,” các bị can không có sự bàn bạc thống nhất.
Mở lại phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến Dự án Sân bay Điện Biên ảnh 1Các bị cáo tại phiên tòa ngày 2/8. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Ngày 20/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên đã mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” và tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” liên quan đến Dự án Nâng cấp, Cải tạo Cảng Hàng không Điện Biên.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra từ ngày 2/8-11/8, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với vụ án này do xét thấy cần xem xét, giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại dân sự, bồi hoàn của các bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quyết định tại Điều 230 Bộ luật Hình sự.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử gồm Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1977, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ); ba bị cáo là cựu lãnh đạo, nhân viên Trung tâm Quản lý Đất đai thành phố Điện Biên Phủ: Trần Thị Vân (sinh năm 1978, cựu Giám đốc), Nguyễn Thị Khương (sinh năm 1965, nhân viên hợp đồng); Trần Thị Hòa (sinh năm 1985, viên chức); hai bị cáo là cựu cán bộ, công chức Phòng Tài chính-Kế hoạch thành phố Điện Biên Phủ: Phạm Trung Kiên (sinh năm 1984, Phó Trưởng phòng), Trần Xuân Mạnh (sinh năm 1984, công chức); ba bị cáo là cựu lãnh đạo, công chức Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Điện Biên Phủ: Nguyễn Đình Hiệp (sinh năm 1976, cựu Phó Trưởng phòng), Bùi Thị Ánh (sinh năm 1967, công chức) và Bùi Mạnh Cường (sinh năm 1990, công chức).

[Vụ án tại Sân bay Điện Biên: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung]

Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên cũng triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Điện Biên, từ tháng 4-12/2021, khi tham gia thực hiện Dự án Nâng cấp, Cải tạo Cảng Hàng không Điện Biên, các bị can Nguyễn Thị Khương, Trần Thị Vân và Nguyễn Tuấn Anh đã thực hiện hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất,” gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Các bị can Phạm Trung Kiên, Trần Xuân Mạnh, Nguyễn Đình Hiệp, Bùi Thị Ánh đã thực hiện hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” gây thiệt hại của Nhà nước số tiền gần 7 tỷ đồng.

Các bị can Nguyễn Thị Khương, Trần Thị Vân, Trần Thị Hòa thực hiện hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gây thiệt hại của Nhà nước số tiền 267 triệu đồng.

Ngày 11/10/2021, khi tham gia thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo Cảng Hàng không Điện Biên, bị can Bùi Mạnh Cường đã thực hiện hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 6,1 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh xác định đây là vụ án đồng phạm, đối với hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất,” các bị can không có sự bàn bạc thống nhất khi thực hiện hành vi phạm tội.

Các bị can Nguyễn Thị Khương, Trần Thị Vân, Phạm Trung Kiên, Trần Xuân Mạnh, Nguyễn Đình Hiệp, Bùi Thị Ánh, Bùi Mạnh Cường, Nguyễn Tuấn Anh đều là người thực hành trực tiếp hành vi phạm tội.

Đối với hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,” bị can Trần Thị Vân là người khởi xướng; các bị can Nguyễn Thị Khương, Trần Thị Hòa là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.

Hành vi của các bị can là nguy hiểm cho xã hội, thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong ba ngày, từ ngày 20-22/9./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục