Mở kho Bảo vật Quốc gia để đánh thức giá trị của tư liệu lưu trữ

Chúng tôi xúc động khi được tận mắt thấy những bức ảnh ố vàng ghi lại hình ảnh lễ mít tinh của quần chúng nhân dân trước Nhà hát lớn Hà Nội, đoàn xe của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến vào lễ đài...
Anh Võ Thiết Cương, Trưởng phòng bảo quản (trái) cho phóng viên xem các trang tư liệu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Một ngày mùa Thu, chúng tôi có dịp được đến thăm Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ, để trực tiếp tìm hiểu về nơi đang lưu giữ hàng triệu tài liệu lịch sử của đất nước kể từ năm 1945 đến nay.

Đúng lúc các cán bộ kỹ thuật đang kiểm tra tình trạng tài liệu nên chúng tôi được tiếp cận với hai Bảo vật Quốc gia là: Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945-1946 và Bộ sưu tập bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam (niên đại 1953-1955).

Do tính chất quan trọng của các tài liệu cũng như đặc thù của công tác lưu trữ nên không phải ai cũng có thể tận mắt nhìn thấy những bảo vật này.

Mở kho Bảo vật Quốc gia

Chị Luyện Thị Thu Thủy, cán bộ Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước niềm nở đón chúng tôi từ cổng của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III nằm trên đường Phan Kế Bính, quận Ba Đình, Hà Nội. Chị làm các thủ tục đăng ký cần thiết và chia sẻ những nguyên tắc mà chúng tôi bắt buộc phải tuân theo khi tác nghiệp tại kho lưu trữ Bảo vật Quốc gia.

Sau khi xem phiếu yêu cầu tiếp cận tài liệu có xác nhận của Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, anh Võ Thiết Cương, Trưởng phòng bảo quản mới mở kho.

Cánh cửa lớn, dày, nặng từ từ mở ra khiến tôi bỗng có cảm giác hồi hộp, háo hức.

Những tư liệu lịch sử đang được bảo quản rất tốt tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Nhiệt độ trong kho thấp hơn nhiều so với bên ngoài. Trong suốt quá trình tác nghiệp, máy quay, máy ảnh của chúng tôi không được dùng đèn để tránh ảnh hưởng đến quy trình bảo quản tài liệu nơi đây. Dù đã mặc áo bảo hộ và đi găng tay nhưng chúng tôi vẫn không được chạm vào các tài liệu mà chỉ có thể xem, chụp ảnh.

Do tính chất vật liệu khác nhau nên tài liệu hình ảnh, giấy và tranh vẽ được bảo quản ở những khu vực khác nhau.

[Trao bản sao hồ sơ cá nhân cho các cán bộ đi B giai đoạn 1959-1975]

Chúng tôi xúc động khi được tận mắt thấy những bức ảnh đen trắng ố vàng ghi lại hình ảnh lễ mít tinh của quần chúng nhân dân trước Nhà hát lớn Hà Nội, đoàn giải phóng quân Việt Bắc duyệt binh ở Quảng trường Nhà hát lớn, đoàn xe của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ tiến vào lễ đài…

Chia sẻ về quá trình bảo quản, lưu trữ các tài liệu quý giá này, anh Võ Thiết Cương cho biết: "Nhiệm vụ chính của chúng tôi là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tài liệu lưu trữ quốc gia. Dù thời tiết ở ngoài mưa hay nắng, ẩm nồm nhưng tại các kho lưu trữ, nhiệt độ quanh năm luôn từ 18-22 độ, độ ẩm 50%."

Các tài liệu đều được khử trùng, khử axit, chống mối mọt trước khi đưa vào kho. Các cán bộ cũng thường xuyên kiểm tra tình trạng của tài liệu, tiến hành vệ sinh, để kịp thời phát hiện tài liệu xuống cấp.

Bản vẽ cờ Tổ quốc trong Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945-1946. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Cẩn thận giở từng trang tư liệu, anh Cương nói: “Tùy thuộc vào mức độ hư hại mà tài liệu sẽ được ưu tiên số hóa và tu bổ. Công tác này đang được thúc đẩy song chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn về kinh phí nên các tài liệu từ trước năm 1945 đang ưu tiên số hóa.”

Để giá trị tư liệu được phát huy

Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm những văn bản rất quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều thành viên Chính phủ ký ngay trước và sau lễ tuyên ngôn độc lập ngày 2/9.

Đây là những văn bản quy định về thể chế, chế độ của Nhà nước cũng như toàn bộ vấn đề xây dựng đất nước trong giai đoạn đầu tiên.

Du khách tham quan triển lãm Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của họa sỹ Bùi Trang Chước tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2020. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Bộ tài liệu này đã được bảo quản gần 80 năm, chất lượng tài liệu tương đối tốt nên chúng ta có thể nhìn thấy được nét chữ, nét ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các con dấu với màu mực còn tươi.

“Đây là những tư liệu hết sức quan trọng liên quan đến một bước ngoặt lịch sử của dân tộc. Qua đây, chúng ta có thể thấy sự chuyển tiếp trong chính sách trọng dụng nhân tài cũng như phát triển đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh,” bà Hoa chia sẻ.

Ngoài tập sắc lệnh, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cũng đang được giữ gìn những tài liệu mang biểu tượng thiêng liêng của đất nước như Quốc huy, Quốc ca, Quốc kỳ.

Trong đó, Bộ phác thảo mẫu quốc huy Việt Nam của họa sỹ Bùi Trang Chước mà chúng tôi được tiếp cận tại kho lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia kể từ năm 2021. Tài liệu này có rất nhiều những mẫu phác thảo đen trắng, mẫu màu, mẫu tổng thể lẫn chi tiết, trong đó là cả quá trình lịch sử về câu chuyện ra đời của Quốc huy.

Trong thời gian 1953-1955, họa sỹ Bùi Trang Chước đã vẽ 112 bản nghiên cứu, phác thảo và bản vẽ chì chi tiết. Rất nhiều chi tiết, hình ảnh đặc trưng của Việt Nam đã được họa sỹ sử dụng, từ bông lúa, con trâu, cái đe, dải lụa, sao vàng năm cánh, rặng dừa, hàng cau, cây tre, cổng đền Hùng, đền Quang Trung, Tháp Rùa, Cột cờ Hà Nội, cổng thành Đại La…

Ngắm những mẫu Quốc huy, chúng tôi được nghe các cán bộ kể nhiều câu chuyện liên quan, chẳng hạn như Bác Hồ từng góp ý với họa sỹ Bùi Trang Chước rằng “hình tượng cái đe là thủ công nghiệp cá thể, nên dùng hình tượng tượng trưng cho nền công nghiệp hiện đại.”

"Nhìn lại những văn bản, hình ảnh mẫu Quốc huy, mỗi người dân Việt Nam chắc chắn sẽ có những cảm xúc thiêng liêng và tự hào. Là đơn vị lưu trữ, chúng tôi thấy đây vừa là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm cần phải tiếp tục gìn giữ, phát huy tốt nhất giá trị tài liệu để mang tới cho công chúng, thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử dân tộc," bà Trần Việt Hoa chia sẻ.

Bản nhạc Quốc ca Việt Nam do nhạc sỹ Văn Cao sáng tác. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Nghĩ về công tác lưu trữ, nhiều người sẽ hình dung rằng đây là một công việc thầm lặng, có những con người cần mẫn làm việc bên những tư liệu khô khan. Song, những năm gần đây, ngành lưu trữ đang có những bước chuyển mình để đến gần hơn với công chúng.

Theo ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho biết mọi người dân đều có thể đến các trung tâm lưu trữ để tra cứu tài liệu, miễn là có đăng ký trước.

“Tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản tư liệu mang hồn cốt của dân tộc, chứa đựng các giá trị thông tin, giá trị về lịch sử, chính trị, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo cũng như về mọi mặt đời sống. Chỉ khi người dân có thể tiếp cận những giá trị đó một cách đơn giản, thuận tiện nhất thì tài liệu lưu trữ mới thực sự phát huy được ý nghĩa, giá trị,” ông Đặng Thanh Tùng nói.

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, ông Tùng cho biết Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện việc chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực lưu trữ và đích đến cuối cùng là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài liệu lưu trữ.

“Khi xây dựng thành công cơ sở dữ liệu này chúng ta sẽ có một khối lượng thông tin và tri thức khổng lồ để xã hội, người dân dễ dàng thuận lợi hơn trong việc tra cứu các tài liệu đó. Nhờ trí tuệ nhân tạo, các cỗ máy tìm kiếm được xây dựng vào thời điểm hiện tại đã đáp ứng được bước đầu khả năng tìm kiếm tài liệu chuẩn xác hơn việc tìm kiếm bằng từ khóa như cách mà chúng ta vẫn đang sử dụng ở Google,” ông Tùng nói.

Mong rằng một ngày không xa, những tài liệu im lìm trong kho lưu trữ sẽ “cất lên tiếng nói” để đông đảo người dân có thể lắng nghe những câu chuyện lịch sử đầy tự hào của dân tộc./.

Ngắm những tư liệu quý trong kho Bảo vật Quốc gia:

Lệnh tổng khởi nghĩa. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Sắc lệnh về việc ấn định Quốc kỳ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Nghị quyết về tên nước, Thủ đô, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Sắc lệnh về ban bố mẫu Quốc huy. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Một số phác họa chân dung Bác Hồ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Một số phác thảo Quốc huy của họa sỹ Bùi Trang Chước. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Đoàn biểu tình của Hội phụ nữ cứu quốc ở Hà Nội ngày 19/8/1945. (Ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản)
Đoàn quân giải phóng từ Việt Bắc trở về năm 1945. (Ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục