Mô hình Trung tâm Hồi sức tích cực: Bắc-Nam hợp lực cùng chống dịch

Trước tình hình dịch COVID-19 ở làn sóng thứ 4 diễn biến hết sức phức tạp tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phụ cận, Bộ Y tế đã thành lập 12 Trung tâm Hồi sức tích cực tại các địa phương.
Mô hình Trung tâm Hồi sức tích cực: Bắc-Nam hợp lực cùng chống dịch ảnh 1Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Phổi Trung ương tại Đồng Nai. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước tình hình dịch COVID-19 ở làn sóng thứ 4 diễn biến hết sức phức tạp tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phụ cận, mặc dù đã thực hiện giãn cách xã hội nhiều lần nhưng dịch lan càng ngày càng rộng, số ca mắc và đặc biệt số ca tử vong ngày càng tăng lên, hệ thống y tế tại địa phương quá tải.

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phải ra quyết định hỗ trợ mạnh mẽ từ lực lượng chủ lực của Trung ương thành lập 12 Trung tâm Hồi sức tích cực tại các địa phương. Đây được coi như là 1 điểm tựa cao nhất về chuyên môn kỹ thuật, một "mắt xích" vô cùng quan trọng giúp điều trị các bệnh nhân nặng ở tầng thứ 3 trong mô hình tháp điều trị 3 tầng, giảm tải cho y tế địa phương và là giải pháp cứu người, nhằm giảm nhanh tỷ lệ tử vong.

Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương kiêm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh những Trung tâm Hồi sức tích cực tại các địa phương chính là điểm tựa quan trọng để điều trị các ca bệnh nặng trong giai đoạn "chạy đua" để giành giật sự sống cho nguời bệnh.

Trung tâm Hồi sức tích cực Đồng Nai - Điểm tựa điều trị ca bệnh nặng

- Thưa Phó giáo sư, có thể nói, các Trung tâm hồi sức tích cực là "mắt xích" vô cùng quan trọng trong "cuộc chiến" chống đại dịch hiện nay ở các tỉnh phía Nam. Là người trực tiếp điều hành, xin Phó giáo sư cho biết cụ thể về hoạt động của những trung tâm này?

Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung: Tính đến ngày 1/9, Việt Nam có 462.096 ca mắc COVID-19, trong đó gần 239.000 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Hiện có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tiền Giang.

Riêng tại tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận 23.766 trường hợp mắc COVID-19, trong đó đã có 195 ca tử vong. Trước tình hình dịch bệnh gia tăng tại Đồng Nai, Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương được đặt tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai với quy mô 220 giường.

Bệnh viện Phổi Trung ương là Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về hô hấp, đã có kinh nghiệm nhiều chục năm làm công tác chống lao - một bệnh lây nhiễm có nhiều tương đồng với COVID-19, vì vậy Bệnh viện đã được giao thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực tại Đồng Nai với quyết định ban đầu là 500 giường.

[Đồng Nai thực hiện tiếp Chỉ thị 16/CT-TTg đến hết ngày 15/9]

Trung tâm trực thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương và huy động thêm nhân lực từ Bệnh viện K Trung ương và các nguồn lực hợp pháp khác.

Sau khi trao đổi khảo sát cùng với Sở Y tế Đồng Nai, chúng tôi đã quyết định thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực này tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai là một Bệnh viện Đa khoa lớn của tỉnh quy mô 1.000 giường và đặc biệt có toà nhà 9 tầng đang hoàn thiện, biệt lập với phần còn lại của Bệnh viện.

Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng chỉ còn là hệ thống khí và giường bệnh, do vậy có thể nói là khá thuận lợi. Chỉ trong thời gian ngắn bồn oxy 32 khối đã được nắp đặt vận hành bổ sung cho 2 bồn 5 khối đã có từ trước. Hệ thống bảng biểu chỉ dẫn đi một chiều phòng chống nhiễm khuẩn và trang thiết bị máy móc được đem từ Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện K và huy động xã hội để Trung tâm đủ năng lực cấp cao nhất về hồi sức tích cực.

Mô hình Trung tâm Hồi sức tích cực: Bắc-Nam hợp lực cùng chống dịch ảnh 2Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau khi hoàn thiện việc lắp đắt, Trung tâm đã bắt đầu hoạt động phối hợp từ ngày 2/8/2021 với 50 giường hồi sức tích cực dành điều trị những trường hợp mắc COVID-19 từ nặng đến nguy kịch, trong đó đã thực hiện nhiều ca lọc máu, 2 ca ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo), tín hiệu vui là có 1 ca chạy ECMO ngày thứ 19 đã được cai máy.

Bắc-Nam hòa thành "một đội" chống dịch

- Để hỗ trợ công tác chống dịch thì một lượng lớn các y bác sỹ ở nhiều địa phương ngoài miền Bắc đã được huy động vào chi viện cho các tỉnh phía Nam, trong đó có Đồng Nai. Xin Phó giáo sư cho biết những thuận lợi cũng như khó khăn trong việc phối kết hợp điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng?

Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung: Thuận lợi lớn nhất của chúng tôi là được Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã chia sẻ tất cả các phương án chống dịch của địa phương và chúng tôi đã hòa thành “một đội” chống dịch của tỉnh. Vì vậy, đã khai thác được tối ưu lợi thế sẵn có của các bên để xây dựng năng lực tốt nhất ứng phó với tình hình dịch khó lường tại địa phương.

Để phối hợp tốt với địa phương, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ về mặt dịch tễ, về từng biện pháp can thiệp chống dịch từ khâu cách ly đến xét nghiệm đặc biệt là ở hệ thống điều trị từ mức nhẹ đến nặng.

Bệnh viện Phổi Trung ương là bệnh viện đầu ngành về hô hấp bao gồm bệnh lao. Lao và COVID-19 đều là bệnh lây nhiễm có những điểm tương đồng, vì vậy kinh nghiệm mấy chục năm đã được phát huy với góc nhìn của chuyên môn dịch tễ.

Chẳng hạn như xác định mục đích của chúng ta là dập tắt đại dịch, nhưng mục tiêu của chúng ta cụ thể là gì? Đó là phát hiện cho thật sớm, cho thật hết, bóc tách nguồn lây ra khỏi cộng đồng, nghĩa là cách ly, hoặc tập trung hoặc tại nhà nếu đủ điều kiện, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly.

Vấn đề xét nghiệm cực kỳ quan trọng, bao gồm xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm khẳng định, vấn đề phân quyền tự xét nghiệm cho các công ty và nâng cao tốc độ xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR. Chúng tôi cũng đã hỗ trợ xét nghiệm Xpert là loại RT-PCR đóng kín thời gian chỉ 45 phút để phát hiện khẳng định nhanh ra các quyết định cách ly bảo về bệnh viện.

Vấn đề điều trị là nhiệm vụ chính được phân công của Bộ Y tế, chúng tôi có phác đồ rất rõ ràng, phân loại mức độ bệnh và quá trình theo dõi bệnh để giảm tải hệ thống y tế và giảm tử vong. Chúng tôi đã quan sát và nghiên cứu kỹ các trường hợp tử vong để tìm giải pháp hiệu quả nhất, không thể chỉ tập trung vào điều trị hồi sức tích cực mà phải ngay từ ban đầu tức là cả 3 tầng điều trị phải chuẩn và điều phối nhịp nhàng hợp lý và kịp thời.

Khó khăn chủ yếu là khó khăn chung cùng phải vượt qua, đại dịch lớn quá, chưa có tiền lệ. Hơn nữa, bệnh viện là bệnh viện chuyên khoa, số nhân lực không lớn chỉ gần 1.000 cán bộ đảm nhiệm vụ kép, vừa khám chữa bệnh chuyên ngành hô hấp và lao, thời gian này rất nhiều bệnh nhân nặng. Bệnh viện Phổi Trung ương vừa thực hiện nhiệm vụ chống dịch tại Hà Nội và tiêm chủng cho các cơ quan và các đoàn quốc tế tại Hà Nội, do vậy huy động một số lượng lớn các bộ chuyên môn cao vận hành trung tâm hồi sức tích cực là một khó khăn lớn.

Nhưng tư tưởng chỉ đạo đã thông suốt thì khó khăn đến mấy chúng tôi cũng đã và sẽ vượt qua vì chúng tôi mong muốn góp sức nhỏ bé của mình vào lúc nhân dân Đồng Nai cần nhất để sớm trở lại tình trạng bình thường mới.

Sổ tay điều trị -Cẩm nang dẫn đường

- Xin Phó giáo sư cho biết đâu là những yếu tố quyết định để hệ thống điều trị COVID-19 của Trung tâm phát huy được hiệu quả?

Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung: Như trên tôi đã nói, muốn giảm tử vong thì điều trị ở tầng 1 và tầng 2 là rất quan trọng, làm sao để người bệnh không chuyển nặng thì các can thiệp điều trị phải chuẩn và càng sớm càng tốt, không chỉ đợi đến nặng mới điều trị.

Chúng tôi đã ban hành sổ tay điều trị COVID-19 trước ICU (tức là trước khi phải vào hồi sức tích cực), chỉ làm mức độ nhẹ, mức độ trung bình và mức nặng nhưng chưa cần thở máy. Mỗi người bệnh đều cần 4 cấu phần điều trị phù hợp đó là tư vấn tâm lý, tập luyện phục hồi chức năng hô hấp, dinh dưỡng hợp lý và dùng thuốc; trong đó 3 cấu phần không dùng thuốc đóng vai trò hết sức quan trọng với những trường hợp mới mắc và bệnh nhẹ để có nhiều sức đề kháng miễn dịch không chuyển nặng thì sẽ giảm tỷ lệ phải vào ICU.

Cấu phần thứ nhất là tư vấn tâm lý: Khi người bệnh bị stress, mệt mỏi, sức miễn dịch sẽ giảm dẫn đến không kháng cự được virus. Do đó, tư vấn tâm lý cho người bệnh cần được quan tâm.

Thứ hai, sau khi tâm lý ổn định rồi phải tập luyện. Tập luyện phục phồi và tăng cường chức năng hô hấp. Không chỉ mỗi tập thở mà cần phải vận động, các động tác dưỡng sinh, cách thức tập thở như thế nào kể cả tư thế rất quan trọng.

Thứ ba, dinh dưỡng rất quan trọng. Người nhiễm COVID-19 cần phải được ăn đủ chất. Chúng tôi tham gia tư vấn cho bộ phận hậu cần ở các khu cách ly tập trung. Đó là 3 cấu phần không dùng thuốc.

Còn cấu phần về thuốc, dựa trên các bằng chứng quốc tế và đặc biệt trên các hướng dẫn của Bộ Y tế, chúng tôi đưa ra phác đồ đơn giản để các thầy thuốc dễ tiếp cận và áp dụng hiệu quả. Tất cả chỉ có 5 trang A4, tài liệu bỏ túi này có thể giúp ích cho điều trị tầng 1 và tầng 2 hiệu quả để giảm nhu cầu của tầng 3 và vì thế sẽ giảm tỷ lệ tử vong.

Tuy nhiên, dù có điều trị tốt ở tầng 1 và tầng thế nào thì cũng có khoảng 5% người bệnh chuyển nặng và nguy kịch phải điều trị tại các trung tâm hồi sức tích cực.

Trung tâm bắt đầu bằng 50 giường với 12 máy thở, chúng tôi đặt các chỉ tiêu theo từng giai đoạn, giai đoạn 1 hoàn chỉnh 50 giường hồi sức tích cực đạt chuẩn ngay lập tức. Vì vậy, sau khi có quyết định phân công Bệnh viện phổi Trung ương và Bệnh viện K Trung ương đã huy động máy thở, máy theo dõi, bơm tiêm điện và các thiết bị đi kèm, máy X-quang tại giường kỹ thuật số, máy xét nghiệm Xpert Express và điều động nhân lực tinh nhuệ vào triển khai từ 2/8/2021.

Giai đoạn 2 là giai đoạn mở rộng thêm 2 tầng và hệ thống khí, oxy bồn. Lúc này chúng tôi đủ thời gian để huy động nhân lực và mua sắm trang thiết bị thuốc men, đặc biệt hệ thống oxy công xuất cao 32 khối đến nay Trung tâm đã có đủ 220 giường ICU với các trang thiết bị hiện đại tầm quốc gia. Vì vậy mà các kỹ thuật cao đã được thực hiện.

Có một trường hợp đầu tiên được chạy ECMO, lọc máu và thở máy ngày thứ 19, và hôm nay đã cai được ECMO là một tin tốt lành. Thêm vào đó có một trường hợp đang được lọc máu, ECMO và thở máy ngày thứ 8 cũng đang có những dấu hiệu tiến triển tốt. Chính vì vậy mà tỷ lệ tử vong đã giảm dần và hy vọng chúng ta có khống chế được dịch.

Với cách làm việc lồng ghép đã tạo ra được những nhóm làm việc rất nhịp nhàng và tôi tin rằng đến khi hết dịch thì các kỹ thuật cao sẽ ở lại và tiếp tục phát triển phục vụ nhân dân địa phương.

Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục