Mô hình nhân văn tháo gỡ rào cản tâm lý cho sinh viên đại học

Tại Đại học RMIT, những sinh viên gặp khó khăn tâm lý như trầm cảm, lo âu, bị quấy rối hoặc gặp khó khăn trong học tập có thể tìm đến Phòng Tham vấn sức khỏe và chăm sóc tâm lý sinh viên.
Mô hình nhân văn tháo gỡ rào cản tâm lý cho sinh viên đại học ảnh 1Việc chuyển tiếp sang môi trường đại học có thể đem đến nhiều khó khăn và bỡ ngỡ đối với các bạn trẻ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tư vấn tâm lý học đường là vấn đề đã được đặt ra từ lâu ở Việt Nam nhưng mới tập trung ở bậc phổ thông và ít được đề cập hơn ở bậc đại học. Nhưng ngay ở bậc phổ thông, đây vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ, đa số các trường học chưa có nhân viên hỗ trợ tâm lý học đường do khối trường công chưa có định biên cho vị trí này. Với giáo dục đại học, đây lại càng là khoảng trống lớn.

Vì thế, mô hình Phòng Tham vấn sức khỏe và chăm sóc tâm lý sinh viên của Đại học RMIT Việt Nam là một điểm sáng nhân văn cần nhân rộng.

Cùng sinh viên vượt qua trầm cảm

19 tuổi, Minh hào hứng với môi trường học tập mới ở Đại học RMIT, nhưng chàng tân sinh viên cũng nhanh chóng nhận ra những lo lắng khi phải chuyển đổi môi trường từ bậc trung học phổ thông sang đại học, cộng thêm những rào cản lớn hơn do một số vấn đề về sức khỏe tâm thần và đa dạng thần kinh, bao gồm lo âu, trầm cảm và chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) mà cậu đã có từ khi còn học trung học.

Vào đầu học kỳ, Minh bắt đầu bỏ lỡ một số bài tập được giao và giờ học trên lớp do các đợt trầm cảm. Chứng lo âu cũng cản trở cậu tham gia đóng góp ý kiến trong các giờ học và thảo luận trong lớp. Suy nghĩ về các bài kiểm tra đánh giá phải làm khiến Minh lên cơn hoảng loạn và kích hoạt chứng ADHD.

Trước những tác động tiêu cực đến việc học, Minh đã quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ từ các dịch vụ tham vấn tâm lý cũng như dịch vụ hỗ trợ khả năng tiếp cận và bình đẳng giáo dục của trường.

Sau khi gặp gỡ chuyên gia tham vấn tâm lý, Minh đã xây dựng được các chiến lược phù hợp để đối phó với lo âu và trầm cảm. Cố vấn bình đẳng giáo dục cũng giúp Minh sắp xếp những giải pháp hỗ trợ bài bản để cậu có thể học tập tốt hơn.

Minh cũng được tăng thêm thời gian và bố trí môi trường yên tĩnh để làm bài kiểm tra, được sinh viên thuộc bộ phận Student Aid (mạng lưới gồm các sinh viên tình nguyện hỗ trợ các sinh viên khác gặp khó khăn) hỗ trợ nghe các bản ghi lại bài giảng và được đọc trước tài liệu học tập.

Mô hình nhân văn tháo gỡ rào cản tâm lý cho sinh viên đại học ảnh 2Với sự hỗ trợ của các chuyên gia cố vấn, nhiều vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần của sinh viên có thể được tháo gỡ. (Ảnh: PV/Vietnam+))

Nhờ liên tục sử dụng cả dịch vụ tư vấn và hỗ trợ, Minh đã lấy lại phong độ học tập trong học kỳ hai, bất chấp những thách thức mà cậu gặp phải.

Theo ông Michael Tower, Trưởng phòng cấp cao Phòng Chăm sóc sức khỏe và Tham vấn tâm lý Đại học RMIT, câu chuyện của Minh là một ví dụ cho thấy mặc dù các vấn đề về sức khỏe tâm thần và đa dạng thần kinh có thể tác động tiêu cực đến việc học, nhưng nếu có hỗ trợ phù hợp thì các bạn sinh viên có thể khắc phục thành công.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Phòng Tham vấn sức khỏe và chăm sóc tâm lý sinh viên của Đại học RMIT Việt Nam có mạng lưới hỗ trợ xuyên suốt quá trình học tập với ba mảng hoạt động chính gồm: Tham vấn tâm lý, Hỗ trợ bình đẳng giáo dục và Cộng đồng an toàn.

Ông Michael Tower cho hay, có những sinh viên vào học tại RMIT đã có tiền sử trầm cảm, lo lắng, tự làm hại bản thân hay thậm chí có ý định tự tử. Do đó, đội ngũ nhân viên tham vấn của nhà trường thường xuyên cung cấp các buổi tham vấn bảo mật và hội thảo cho cộng đồng RMIT nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần để cán bộ giảng viên cũng như sinh viên có thể học cách nhận ra các vấn đề tâm lý của bản thân hoặc bạn bè.

[Nghiên cứu mới: Lối sống lành mạnh có thể ngăn ngừa trầm cảm]

Rất nhiều sinh viên chưa bao giờ đến với dịch vụ tham vấn trước đây hoặc cảm thấy xấu hổ về các vấn đề tâm lý của mình. Thông qua các buổi hội thảo và tham vấn, các chuyên gia của nhà trường giúp sinh viên hiểu rằng mọi người đều có vấn đề về sức khỏe tâm thần giống như với sức khỏe thể chất nên không có gì phải xấu hổ hay kỳ thị về việc tiếp cận hỗ trợ.

Mô hình nhân văn tháo gỡ rào cản tâm lý cho sinh viên đại học ảnh 3Ngày hội Sức khỏe thường niên RMIT giới thiệu các dịch vụ do trường cung cấp, đồng thời giúp sinh viên và cán bộ giảng viên nhận thức rõ hơn về các dịch vụ liên quan đến sức khỏe khác nhau hiện có trong cộng đồng ngoài trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sinh viên có thể nhận được từ sáu đến mười buổi tham vấn cho mỗi một vấn đề. Nếu gặp phải vấn đề khác sau đó, các sinh viên vẫn có thể quay lại. Nhà trường còn cung cấp dịch vụ hỗ trợ phối hợp với các bác sỹ tâm lý và tham vấn viên bên ngoài cho các sinh viên cần hỗ trợ thêm (như điều trị dài hơi hơn và cần dùng thuốc). Tính riêng sáu tháng đầu năm 2023, nhà trường đã thực hiện hơn 560 buổi tham vấn cho sinh viên.

Dịch vụ Hỗ trợ bình đẳng giáo dục (ELS) của Đại học RMIT bắt đầu hoạt động từ năm 2013. Theo ông Michael Tower, RMIT hiện là đại học đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có thể hỗ trợ nhu cầu của sinh viên “đa dạng thần kinh” hoặc khuyết tật, sinh viên gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, sinh viên mắc bệnh mạn tính hay phải chăm sóc người bệnh khiến việc đi học bị ảnh hưởng, thông qua các điều chỉnh giáo dục phù hợp.

Từ năm 2017, ELS đã khởi xướng và cho ra mắt chương trình Hỗ trợ sinh viên (SA – Student Aid) để tạo mạng lưới sinh viên hỗ trợ sinh viên gặp những khó khăn khác nhau trong học tập với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Chương trình sẽ tuyển dụng sinh viên hiện đang theo học tại trường để làm việc với nhiều vai trò khác nhau như người chép bài, người ghi chép trong các cuộc thi, người đọc, cũng như người hỗ trợ trong các buổi giảng, hướng dẫn, thực hành, kỳ thi và các chuyến đi thực tế.

Tháng 5/2023, chương trình Hỗ trợ sinh viên đã được vinh danh là quán quân Hành động thúc đẩy hòa nhập do ADCET - Trung tâm Thông tin khuyết tật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Australia - trao tặng nhờ những nỗ lực đặc biệt trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận, sự đa dạng và hòa nhập cho sinh viên RMIT.

Với dịch vụ Cộng đồng an toàn (Safer Community), ông Michael Tower cho hay, Trung tâm hỗ trợ bảo mật cho những em cảm thấy mình đang bị đe dọa hay gặp phải những hành vi ứng xử đáng quan ngại, hoặc các em lo lắng về người xung quanh và muốn giúp đỡ họ.

Trong một số trường hợp cá nhân có hành vi gây quan ngại, nhà trường sẽ làm việc với cả hai bên và đưa ra các biện pháp bảo vệ, đồng thời làm việc riêng với cá nhân liên quan. Nhà trường còn thực hiện các chương trình đào tạo để cán bộ nhân viên trong trường biết cách nhận diện một sinh viên đang trong tình huống nguy hại như bị bắt nạt, gây tổn hại trên mạng, hành vi đe dọa và phân biệt đối xử/quấy rối.

“Hướng tới tương lai đồng thời tiếp tục thúc đẩy các dịch vụ chuyên biệt, cá nhân hóa và bảo mật hiện có, chúng tôi sẽ tập trung hơn nữa vào việc khuyến khích giáo dục cộng đồng để mọi sinh viên đều có cơ hội học hỏi để hiểu về bản thân mình và nâng cao văn hóa quan tâm trong cộng đồng,” ông Michael Tower chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục