Mô hình Na Uy - Lựa chọn tốt nhất cho Anh nếu rời EU?

Ngay sau cuộc trưng cầu ý dân về Brexit, có ý kiến ủng hộ ý tưởng Anh theo gương Na Uy gia nhập Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) và Hiệp định thương mại tự do châu Âu (EFTA).
Mô hình Na Uy - Lựa chọn tốt nhất cho Anh nếu rời EU? ảnh 1(Nguồn: BBC)

Theo trang mạng ft.com, ngay sau cuộc trưng cầu ý dân về Brexit, có ý kiến ủng hộ ý tưởng Anh theo gương Na Uy gia nhập Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) và Hiệp định thương mại tự do châu Âu (EFTA).

Sự lựa chọn này tôn trọng cả kết quả bỏ phiếu ủng hộ Brexit (tức đưa Vương quốc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu - EU) lẫn chiến thắng sít sao của cuộc trưng cầu ý dân. Ít nhất, mô hình Na Uy sẽ mang lại một giai đoạn chuyển tiếp thích hợp trong khoảng từ 5 đến 10 năm.

Rồi sau đó, (Thủ tướng Anh) Theresa May đã xoay sở để có được một thỏa thuận tốt hơn mức có thể, theo đó Vương quốc Anh sẽ có thể hạn chế nhập cư, tiến hành đàm phán các thỏa thuận thương mại với nước thứ ba và vẫn liên kết chặt chẽ với EU.

Sự lựa chọn mô hình Na Uy là một phiên bản Brexit mềm hơn so với thỏa thuận của bà May, dễ thuyết phục sự ủng hộ của Ireland hơn và được một số người ưa thích vì những lý do đó.

Nhưng nó vi phạm các "ranh giới đỏ" của Thủ tướng: một thành viên của EEA phải chấp nhận sự tự do di chuyển. Bên trong EFTA, các thành viên không thể ký các thỏa thuận thương mại quan trọng với nước thứ ba.

Trái với những tin đồn, Na Uy không phải là một quốc gia chư hầu của EU. Nước này không nằm trong liên minh hải quan, không bị ràng buộc bởi chính sách nông nghiệp và ngư nghiệp chung, và không tuân theo Hiệp ước Lisbon.

Nhưng Na Uy chấp nhận quy định của EU. Vì vậy, các ngành dịch vụ của nước này, bao gồm cả trong lĩnh vực tài chính, có quyền hoạt động tự do trên toàn EU.

Lựa chọn mô hình Na Uy mang lại cho Vương quốc Anh nhiều hơn ngoài một sự chuyển tiếp suôn sẻ. (Lựa chọn này cho phép) Anh có thể hoạt động như một cửa ngõ cho các mối quan hệ khác hậu Brexit - tất cả các giải pháp từ cắt đứt hoàn toàn với EU đến việc nhanh chóng tái gia nhập vào EU.

[Chính phủ Anh: Có thể không đưa thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu lần 3]

Lựa chọn mô hình Na Uy khác với giải pháp ưa thích của Công đảng - một liên minh hải quan - trong một số khía cạnh quan trọng.

Điểm chung của hai lựa chọn này là bạn không thể đàm phán các thỏa thuận thương mại với bên thứ ba.

Không giống Na Uy, liên minh hải quan sẽ cho phép Vương quốc Anh hạn chế nhập cư, điều mà một bộ phận lớn trong Công đảng tin là rất cần thiết về mặt chính trị trong lúc này.

Nhưng lợi thế lớn nhất của liên minh hải quan là nó sẽ ít gây gián đoạn hơn cho chuỗi cung ứng công nghiệp. Mô hình này ủng hộ ngành công nghiệp hơn dịch vụ.

Nhưng kế hoạch này của Công đảng không nhận được đa số ủng hộ tại Hạ viện, và cũng không đủ để các nghị sĩ quốc hội đồng ý tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần hai.

Với mô hình Na Uy, điều đó là có thể. Nếu thỏa thuận của bà May một lần nữa thất bại trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện trong tuần này, Quốc hội Anh được trông chờ sẽ tiến hành bỏ phiếu về các lựa chọn thay thế.

Trong số đó, mô hình Na Uy có triển vọng thành công, nhưng nó vẫn có thể thất bại nếu những người hiện đang ủng hộ một trưng cầu ý dân lần hai hoặc liên minh hải quan trung thành với những lựa chọn đầu tiên của họ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu không có đa số ủng hộ bất kỳ giải pháp thay thế tích cực nào cho thỏa thuận của bà May? Sau đó, hy vọng bà May sẽ trình một thỏa thuận sửa đổi về hình thức để đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội.

Bà có thể sắp xếp cuộc bỏ phiếu cuối cùng trong những ngày cuối tháng 3, thậm chí có thể vào ngày 29/3, thời hạn nước Anh chính thức rời khỏi EU.

Đến lúc đó, chứ không phải trước đó, những người ủng hộ mô hình Na Uy nên chấp thuận thỏa thuận của bà May. Hãy nghĩ về lâu dài.

Vào thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, dự kiến trong năm 2022, các cuộc đàm phán thương mại song phương với EU sẽ chưa kết thúc.

Các đảng đối lập có thể vận động cho mô hình Na Uy, (hoặc liên minh hải quan) như một sự thay thế.

Kết cục xấu nhất đối với những người ủng hộ mô hình Na Uy sẽ là một Brexit không có thỏa thuận. Khả năng này cao hơn nhiều so với những suy đoán, vì EU bị hạn chế về khả năng mở rộng Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.

Các nhà lãnh đạo EU muốn đảm bảo một khoảng thời gian rõ rệt giữa ngày nước Anh ra khỏi EU (ngày 29/3) và ngày dự kiến diễn ra cuộc bầu cử toàn EU (từ ngày 23 đến 26/5 tới).

Nếu EU đồng ý gia hạn ba tháng cho đến cuối tháng 6 tới, có nguy cơ Chính phủ Anh có thể bị buộc phải tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Một ủy ban pháp lý của Bundestag, tức Hạ viện Đức, đã kết luận rằng việc không tham gia bầu cử sẽ vi phạm quyền của công dân Vương quốc Anh.

Mối bất hòa giữa đảng Nhân dân châu Âu, tập hợp các đảng chính trị trung hữu ở EU, và Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng có thể làm phức tạp động thái chính trị, ủng hộ việc gia hạn tối đa từ 4 đến 5 tuần.

Trong bối cảnh hạn chế này đối với bất kỳ sự trì hoãn Brexit nào, các lựa chọn của Vương quốc Anh thu hẹp xuống còn 3 lựa chọn - thỏa thuận của bà May, một thỏa hiệp theo mô hình Na Uy, hoặc không có thỏa thuận nào.

Mô hình Na Uy xứng đáng được xem xét. Đó có thể là cách duy nhất để tránh việc không có thỏa thuận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục