Mô hình mẫu về đô thị thông minh giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh

Hệ thống QTSC IOC của Công viên Phần mềm Quang Trung, TP.HCM là đại diện duy nhất của Đông Nam Á lọt vào vòng bình chọn trực tuyến giải thưởng “Thành phố thông minh châu Á-Thái Bình Dương 2019.”
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: copadata.com)

Chỉ với một màn hình trong phòng làm việc (hay phòng điều hành) hoặc thiết bị di động được kết nối internet, quản lý đơn vị có thể theo dõi, giám sát các hoạt động toàn khu vực, với những ứng dụng thông minh…

Đây là mô hình do Công viên Phần mềm Quang Trung triển khai gần một năm nay và mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, giá trị kinh tế với ứng dụng “Hệ thống giám sát điều hành Công viên Phần mềm Quang Trung” (QTSC IOC).

Tích hợp 10 trong 1

Khi đi vào Công viên Phần mềm Quang Trung, một chiếc xe ôtô hoặc xe gắn máy được phân hệ giám sát giao thông thông minh nhận diện biển số xe, ghi nhận, phân tích trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khai thác tối đa ứng dụng phân tích dữ liệu hình ảnh.

Điều này giúp phát hiện và cảnh báo các vi phạm giao thông (theo quy định trong khu) như phương tiện vượt quá tốc độ cho phép, vượt đèn đỏ, đậu xe sai quy định, phương tiện nằm trong danh sách đen... Đó chỉ là một trong những hệ thống được tích hợp tại "Hệ thống giám sát điều hành Công viên phần mềm Quang Trung" (QTSC IOC).

Hệ thống được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động quản trị nội khu như giám sát cơ sở hạ tầng, kiểm soát an ninh trật tự và môi trường sống; gia tăng sự hài lòng của cộng đồng.

Đây là hệ thống tích hợp được phát triển thông qua sự hợp tác giữa Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng doanh nghiệp phần mềm nội khu, giúp hỗ trợ việc giám sát toàn bộ hoạt động của các hệ thống công nghệ thông tin một cách tập trung trên một nền tảng duy nhất.

Người dùng có thể theo dõi hoạt động các hệ thống một cách dễ dàng tại bất kỳ nơi nào có internet.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phát triển Phần mềm Quang Trung, cho biết QTSC bắt đầu xây dựng từng ứng dụng năm 2016 và tích hợp chúng lại trong một hệ thống trong năm 2018.

Khi 10 ứng dụng hoạt động riêng lẻ sẽ dễ dàng nhưng tích hợp trong cùng một hệ thống lại rất phức tạp. QTSC có lợi thế là sự tham gia của các doanh nghiệp với nền tảng công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông ưu việt, nhiều kỹ sư làm việc… nên đã triển khai thành công.

[TP.HCM công bố kết quả triển khai giai đoạn 1 đề án đô thị thông minh]

Với hơn 20.000 người đang sinh sống, học tập, hiện QTSC được xem như một đơn vị hành chính. Khu phần mềm này có đầy đủ yếu tố của một khu dân cư thu nhỏ với nhà ở, biệt thự, chung cư, nhà hàng, hệ thống trường học, trạm y tế, cộng đồng doanh nghiệp, trung tâm vui chơi, giải trí…

Các tòa nhà đã và đang được thiết kế thông minh, toàn bộ kết nối tòa nhà đều thông qua cảm biến, giúp người quản lý có thể kiểm soát, theo dõi cả tòa nhà.

Đơn cử như với thang máy, thông qua quản lý trên hệ thống, có thể xác định thời gian nào cần 4 thang máy hoạt động (nhu cầu cao), khi nào ít người chỉ cho vận hành 1-2 thang máy, giúp tiết kiệm chi phí vận hành các tòa nhà.

Hệ thống QTSC IOC đang tiếp tục được hoàn thiện dựa trên ba nền tảng gồm hạ tầng công nghệ, hạ tầng dịch vụ và hạ tầng đô thị.

Hiện 10 phân hệ được tích hợp trên một nền tảng bao gồm quản lý chiếu sáng, nước thải, giám sát BMS, giám sát giao thông, quản lý lưu trữ-chia sẻ- bảo mật tài liệu tích hợp photo đa chức năng, hệ thống thu thập dữ liệu công tơ điện từ xa, hệ thống đồng hồ nước thông minh, hệ thống báo cáo kế toán, hệ thống SMS, hệ thống free wifi…

Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, vấn đề tâm đắc nhất đó là hệ thống QTSC được xem như đi đầu, phiên bản thử nghiệm cho đô thị thông minh và sẵn sàng chia sẻ với Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long mong muốn, hệ thống này có thể triển khai rộng rãi, chia sẻ với cộng đồng cho phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Tuy vậy, việc triển khai không đơn giản mà phải trên nền tảng sẵn có về công nghệ và đủ chuyên môn, năng lực vận hành hệ thống.

Giá trị kinh tế

Theo bà Nhiêu Quốc Trân, Trưởng bộ phận Giải pháp công nghệ QTSC, hiện toàn bộ hạ tầng dưới mặt đất của QTSC đã được số hóa. Các ứng dụng được triển khai và tích hợp đã tạo cho QTSC môi trường công nghệ, tiết kiệm nhiều chi phí.

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, doanh thu và lợi nhuận của QTSC đều tăng trong năm 2018.

Trong đó, năng suất lao động trung bình của nhân viên QTSC tăng 11,4 % so với năm 2017 và doanh thu tăng 10%; trong khi tổng chi phí của năm 2018 giảm 0,75% so với tổng chi phí phục vụ công tác quản lý của năm trước đó…

Những kết quả về mặt kinh tế cũng như xã hội đã góp phần tích cực cho QTSC trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và xây dựng hình ảnh một công viên phần mềm mang tầm vóc công nghệ.

Lợi ích về quản lý là rất lớn, chỉ cần một lần đăng nhập là có thể giám sát nhiều hệ thống khác nhau thay vì phải đăng nhập nhiều lần, vào nhiều hệ thống như trước đây.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long cho biết thêm ngoài vấn đề về giá trị kinh tế mang lại, cái hay là hệ thống sẽ cảnh báo tức thời khi có sự cố để khắc phục nhanh chóng nhất, không ảnh hưởng đến môi trường hoạt động, làm việc của doanh nghiệp, người dân.

Ngoài ra, hệ thống còn là nền tảng cung cấp nguồn dữ liệu phong phú, hỗ trợ mạnh mẽ việc xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở. Hiện hệ thống cung cấp hơn 200 nguồn dữ liệu phục vụ hoạt động nghiên cứu của cộng đồng.

Vừa qua, hệ thống của QTSC đã lọt vào vòng bình chọn trực tuyến hạng mục Quản trị điều hành của giải thưởng “Thành phố thông minh châu Á-Thái Bình Dương 2019” của Tổ chức IDC (tổ chức chuyên về dịch vụ tư vấn, nghiên cứu thị trường công nghệ thông tin-viễn thông) khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Giải pháp đã được các chuyên gia của IDC đánh giá là một trong các dự án tiêu biểu lọt vào vòng bình chọn trực tuyến, là đại diện duy nhất đến từ Đông Nam Á tranh tài với 4 đại diện khác từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Kết quả chung cuộc của giải thưởng sẽ được công bố vào tháng 7/2019.

Theo ông Gerald Wang, đại diện IDC khu vực châu Á-Thái Bình Dương, về tổng thể, hồ sơ của QTSC vượt trội so với các đơn vị khác trong hạng mục quản trị điều hành.

IDC đánh giá cao dự án này dựa trên “sự ưu tiên về chiến lược,” “sự hoàn thiện về các dịch vụ điện tử” và “các công nghệ tiên tiến được sử dụng.”

Đây là khung đánh giá độc quyền được thiết kế để đo lường mức độ triển khai thực tế của các dự án, ý tưởng về đô thị thông minh.

Hiện Công viên Phần mềm Quang Trung đang tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống QTSC IOC.

Những kết quả ban đầu từ thực tiễn triển khai cũng như sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế cho thấy Công viên Phần mềm Quang Trung đang đi đúng hướng trong lộ trình xây dựng đô thị thông minh. Đây cũng là tiền đề, nền tảng “thí điểm” cho mục tiêu xây dựng đô thị thông minh của Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục