Trong bối cảnh chống dịch mới “sống chung với COVID-19,” nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xây dựng các mô hình sản xuất an toàn để có thể vừa phục hồi kinh doanh đồng thời kiềm chế dịch bệnh.
Chốt chặn đầu tiên: "Hàng rào" chống xâm nhập
“Không để lây nhiễm” là mục tiêu đầu tiên của Công ty Công nghệ Hóa nhựa Bông Sen (Lotus). Đại điện công ty chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chốt chặn đầu tiên (hàng rào chống xâm nhập) để ngăn ngừa virus bám dính vào nơi gây bệnh là niêm mạc khoang mũi, họng. Do đó, người lao động đảm bảo đeo khẩu trang thường xuyên, giữ khoảng cách, hạn chế tụ tập đông người. Cụ thể, công ty đã trang bị máy xông cho người lao động (nhóm 5 người/máy) để khò họng, xục mũi và xông hơi.
“Chốt chặn thứ nhất này là quan trọng nhất-rẻ nhất-dễ thực hiện nhất song lại đòi hỏi ý thức tuân thủ nghiêm túc của người lao động. Trong thời gian qua có thể thấy các F1 tại công ty đã chống cự thành công để không trở thành F0 nhờ vào việc áp dụng rất nghiêm chỉnh các biện pháp nêu trên," đai diện Lotus cho hay.
Với những người lao động là F0, Lotus thực hiện chốt chặn thứ 2 là làm giảm hoặc mất hoạt lực của virus ngay khi chúng vừa bám vào niêm mạc của người bệnh. Vị đại diện diễn giải tại thời điểm mới lây nhiễm, lượng virus thường ở mức thấp, do đó những người nhiễm virus cần phải thường xuyên thụt rửa khoang mũi và súc họng thật kỹ, nhiều lần bằng nước muối ấm (nồng độ 0,9% đến 1%) đồng thười xông hơi với tinh dầu sả chanh, húng chanh, quế và hương nhu… Thời khóa biểu của công ty niêm yết rõ và yêu cầu những người F0 phải liên tục súc họng, xục mũi và xông (2 giờ/1 lần).
Nhờ vậy mà Lotus đã rất thành công trong việc ngăn chặn không cho chuyển bệnh nặng tại 26 người lao động là F0 ở các độ tuổi khác nhau, góp phần kiềm chế không để dịch bệnh lây lan, làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
[Hậu COVID-19: Thẻ thông hành xanh đồng hành cùng du lịch cách nào?]
Đồng tình với giải pháp trên, ông Nguyễn Trương Nghĩa, Chủ tịch Công ty Chế biến Nông sản xanh (Ninh Bình) chia sẻ hiện 50% công nhân đã được tiêm phòng vaccine và công ty luôn duy trì hoạt động sản xuất với việc tuân thủ nghiêm túc quy trình chống dịch 5K (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế) và siết chặt các biện pháp an toàn chống dịch từ cửa bảo vệ, đảm bảo 100% thực hiện sát khuẩn. Mặt khác, công ty mở rộng nhà xưởng nhằm duy trì khoảng cách ngồi làm việc giữa các công nhân. Nhà ăn cũng được tổ chức, cung cấp các bữa ăn theo suất và nước muối để súc miệng đồng thời đảm bảo giãn cách khi ăn và nghỉ đúng quy định.
“Chúng tôi cũng mua thêm tinh dầu tự nhiên, pha và phun khử khuẩn cho môi trường làm việc trong lành. Về tài chính, công ty dự trù bổ sung 10%-15% chi phí gia tăng cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh và chuẩn bị các điều kiện sản xuất phù hợp với hoàn cảnh mới.”
Nhờ duy trì hoạt động sản xuất bình thường, ông Nghĩa cho biết doanh thu xuất khẩu của công ty trong tám tháng qua đã đạt 58 tỷ đồng và bằng cả năm 2020.
Phương án “7 xanh”
Đặt ra mục tiêu duy trì sản xuất từ nay đến hết năm đạt trên 70% kế hoạch, Tập Đoàn Thủy Sản Minh Phú cho biết áp dụng các biện pháp an toàn phòng chống dịch để sản xuất thông qua phương án “7 xanh.” Cụ thể là nhà máy xanh: Thực hiện khử khuẩn toàn bộ nhà máy ở thời điểm nghỉ giữa ca và hết mỗi ca sản xuất, cán bộ công nhân viên cam kết không tự ý mua hàng quán bên ngoài và ban điều hành kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền nhắc nhở thực hiện nghiêm túc.
Công nhân xanh: Thực hiện súc miệng bằng nước muối 0,9%, rửa mũi bằng nước muối và xông hơi bằng tinh dầu nóng 5 lần/ ngày, mang khẩu trang tiêu chuẩn N95 mọi lúc (trừ lúc ăn), đo thân nhiệt, sát khuẩn, thực hiện 5K+, test COVID-19 nhanh 3 ngày/lần, uống nước tỏi ngâm.
“Ngoài ra, công ty cũng có các giải pháp tạo tinh thần vui tươi thoải mái cho người lao động, như hoạt động văn nghệ trong sản xuất, tập thể dục 5-10 phút giữa ca cũng như tăng khẩu phần ăn giữa ca cho người lao động,” đại diện Thủy Sản Minh Phú cho biết.
Bên cạnh đó, Thủy Sản Minh Phú cho biết cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp khác, như di chuyển xanh, gia đình xanh/phòng ở xanh, nhà cung cấp xanh, vaccine xanh (bằng cách uống nước tỏi ngâm thay nước uống hàng ngày, tiêm vaccine đầy đủ 2 mũi nhanh nhất có thể cho người lao động) và trạm y tế xanh (trang bị đầy đủ mọi thiết bị, dụng cụ, phòng cách ly và thuốc trị chữa trị COVID-19 đầy đủ).
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), Thành phố hiện có khoảng trên 3,2 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp và dự báo nhiều doanh nghiệp có thể phải đối mặt với nguy cơ thiếu lao động sau đại dịch. Do đó, công tác chăm lo bảo đảm an sinh-xã hội cho người lao động và gia đình họ là giải pháp cần thiết, cấp bách nhằm giữ ổn định nguồn lao động để đáp ứng nhanh chóng phục hồi sản xuất.
“Các doanh nghiệp cần có kế hoạch duy trì các nguồn lực sẵn sàng, lưu ý không nên hoang phí nguồn lực trong lúc đại dịch đồng thời củng cố và duy trì các mối liên kết với khách hàng, đối tác để khi phục hồi sản xuất có thể phát huy hiệu quả ngay. Qua đại dịch, các doanh nghiệp cần đánh giá lại những điểm mạnh, điểm yếu, từ đó có chiến lược đầu tư, củng cố, hoàn thiện, đặc biệt đầu tư công nghệ theo xu hướng trên nền tảng công nghệ số để thay đổi và hiệu quả hơn, an toàn hơn,” ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Trần Nhật Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Zila Việt Nam cũng cho rằng các doanh nghiệp cần giữ thái độ tích cực, bình tĩnh, kịp thời động viên người lao động, từ đó tạo không khí làm việc lạc quan, tích cực… đồng thời chuyển dịch sang “kinh doanh xanh,” trong đó thiết lập hệ kinh tế tuần hoàn và chuỗi cung ứng xanh.
Về vấn đề này, ông Phạm Tấn Công-Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn sống chung với COVID-19 nên bên cạnh việc phòng, chống dịch bệnh, thì việc duy trì hoạt động, phát triển sản xuất-kinh doanh trong điều kiện bình thường mới là thách thức rất lớn, các doanh nghiệp cần phải thích nghi song cũng cần có các chính sách hỗ trợ.
Theo đó, Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó COVID-19 ra đời, có sứ mệnh kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương và quốc tế, để cùng hợp sức ứng phó COVID-19 đồng thời hạn chế tổn thất, duy trì vận hành của doanh nghiệp, bảo vệ người lao động và các hoạt động kinh tế.
“Với việc thành lập hội đồng này, các doanh nghiệp sẽ có địa chỉ để kịp thời phản ánh, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc, các vấn đề liên quan đến dịch bệnh COVID-19 và hoạt động của doanh nghiệp đồng thời nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ trong ứng phó với dịch bệnh,” ông Công chia sẻ./.