Ông Joe Biden lên làm Tổng thống Mỹ, một cục diện đấu tranh nước lớn mới giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ mở ra.
Bắc Kinh đang tích cực bố trí chiến lược “tuần hoàn kép” (còn gọi là “tuần hoàn 2 quỹ đạo”) để đối phó.
Trong bối cảnh thế giới bị chia rẽ bởi cuộc đấu tranh Trung-Mỹ, việc tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, Giám đốc điều hành (CEO) của hãng xe điện Tesla (Mỹ) quyết định mở rộng đầu tư tại Trung Quốc đã trở thành mô hình hợp tác mới giữa Trung Quốc và nước ngoài.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Elon Musk, người vừa vượt qua "ông chủ" của Amazon Jeff Bezos để trở thành người giàu nhất thế giới, với khối tài sản 209 tỷ USD, đã ca ngợi sự quan tâm và trách nhiệm của Chính phủ Trung Quốc đối với hạnh phúc của người dân.
Tờ Economic Journal bình luận trong thời đại đầy căng thẳng như hiện nay, bộc bạch của Elon Musk khiến người ta cảm thấy bất ngờ và xem ra hơi mất cảnh giác.
Tuy nhiên, nghĩ kỹ lại thì việc ông Elon Musk khen ngợi Trung Quốc là điều dễ hiểu, bởi suy cho cùng, chính Trung Quốc đã giúp ông thoát khỏi bờ vực phá sản, trở thành người giàu nhất thế giới.
[Tesla bước vào Năm mới 2021 với nhiều tiềm năng phát triển]
Đành rằng bước ngoặt số phận của ông Elon Musk là do thị trường Trung Quốc mang lại, nhưng không thể phủ nhận chính ông Elon Musk đã đưa ra lựa chọn đúng đắn.
Tesla đến Trung Quốc vào đúng lúc cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ bùng nổ dữ dội nhất.
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp "ra đòn" nhằm vào Trung Quốc và kêu gọi ngành chế tạo trở về Mỹ, nhưng ông Elon Musk vẫn kiên quyết lội ngược dòng, phản ánh sức hút mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc đối với giới kinh doanh châu Âu và Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc cũng rất có thành ý, Thượng Hải đã cho Tesla vay 20 tỷ nhân dân tệ với lãi suất hàng năm là 3,9%.
Tesla được mua 860.000m2 đất (gấp 2 lần diện tích Disneyland Hong Kong) với giá bằng 1/10 so với mức giá bình thường (970 triệu nhân dân tệ).
Bắc Kinh cũng phê chuẩn Tesla trở thành nhà máy sản xuất ôtô 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên ở Trung Quốc mà không cần phải chia sẻ lợi nhuận và công nghệ với đối tác Trung Quốc.
Tuy nhiên, Thượng Hải cũng ký một thỏa thuận “đánh bạc” với Elon Musk: Từ năm 2023, Tesla bắt đầu phải nộp 2,23 tỷ nhân dân tệ tiền thuế một năm cho Thượng Hải. Nếu điều kiện này không được đáp ứng, Tesla phải trả lại đất đai.
Ngoài ra trong vòng 5 năm, Tesla phải đầu tư xây dựng nhà máy trị giá 14,08 tỷ nhân dân tệ ở Thượng Hải. Thực tế đã chứng minh rằng đây là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Đối với Tesla, chỉ có Trung Quốc mới cùng lúc giải quyết được các điều kiện thuận lợi cả về đất đai và vốn đầu tư.
Đối với Trung Quốc, gắn bó chặt chẽ với Tesla, điều mà nước này gặt hái được không đơn giản là việc giúp cổ phiếu Tesla tăng vọt, đưa Elon Musk trở thành người giàu nhất thế giới.
Trước hết, hiệu ứng mang tính hình mẫu của Tesla có thể khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Trung Quốc vừa hoàn thành đàm phán ký kết hiệp định đầu tư với châu Âu, trước đó đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 10 nước ASEAN và 4 đối tác của khối này.
Cuộc đấu tranh chiến lược Mỹ-Trung đã thể hiện rõ xu thế lâu dài. Trong bối cảnh đó, việc doanh nghiệp châu Âu, châu Á tới Trung Quốc đầu tư là sách lược quan trọng để Bắc Kinh chống lại chính sách “tách rời” với Trung Quốc của Washington.
Hợp tác giữa Trung Quốc và nước ngoài theo kiểu Tesla rõ ràng giúp mang tới sự tin tưởng của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, kéo Tesla tới Trung Quốc có thể giúp nước này cải thiện đáng kể trình độ của chuỗi công nghiệp xe năng lượng mới.
Việc Tesla mở rộng sản xuất và gần đây lại giảm mạnh giá xe điện bán ra khiến ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc có cảm giác “dẫn sói về nhà,” không ít ý kiến lo ngại về việc Tesla sẽ phá hủy ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc đã dấy lên.
Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, việc được mất về thị phần không quan trọng, dụng ý thực sự của việc kéo Tesla đến Trung Quốc là nhằm "mượn" năng lực khoa học công nghệ của Tesla để cải thiện năng lực của chuỗi ngành công nghiệp xe điện, thậm chí là giúp nâng cao trình động công nghiệp của nước nhà.
Điều này tương tự như việc Apple đầu tư vào Trung Quốc đã giúp đẩy mạnh phát triển chuỗi ngành công nghiệp điện thoại di động của Trung Quốc.
Ngày nay, Trung-Mỹ tranh đấu, thế giới bị chia rẽ, chuỗi ngành nghề toàn cầu đang tái cấu trúc, sự xuất hiện của Tesla đối với ngành công nghiệp Trung Quốc thậm chí còn quan trọng hơn so với Apple năm xưa.
Theo kinh nghiệm của Apple, thị trường khổng lồ của Trung Quốc có thể duy trì 200 triệu đơn vị sản lượng một năm và Apple cũng mang tới cho Trung Quốc 5 triệu cơ hội việc làm.
Không chỉ có vậy, sự xuất hiện của Apple còn giúp Trung Quốc đào tạo một lượng lớn kỹ sư, quản đốc chất lượng cao, thúc đẩy sự ra đời của một loạt doanh nghiệp bản địa ưu tú như Huawei, Xiaomi, Oppo…
Giờ đây đến lượt ngành công nghiệp xe điện, các nhà chức trách Trung Quốc luôn coi xe ôtô năng lượng mới là ngành chiến lược công nghệ cao và đã trợ cấp rất nhiều cho ngành này trong 10 năm qua.
Tuy nhiên tới nay, Trung Quốc vẫn chưa có một công ty trong nước nào đủ sức cạnh tranh với các “ông lớn” trên thế giới.
Việc đưa Tesla vào cuộc chơi ở một mức độ nhất định đã tạo ra "hiệu ứng cá da trơn" (Catfish Effect) buộc doanh nghiệp trong nước phải phát triển nhanh chóng và nâng tầm bản thân./.