Mô hình hóa thành công âm luật ca trù sau nhiều năm thất truyền

Thay vì sử dụng các nốt nhạc, dấu thăng, giáng... nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã dùng đồ hình, âm thanh minh họa để dựng lại quy luật về đàn, phách cho giới ca trù Hải Phòng.
Quy luật ca trù cổ truyền được nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đơn giản hóa bằng các từ tượng thanh của phách, đàn, ký tự gạch chéo... cho người không biết nhạc lý. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Quy luật ca trù cổ truyền được nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đơn giản hóa bằng các từ tượng thanh của phách, đàn, ký tự gạch chéo... cho người không biết nhạc lý. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Sau 6 năm phục dựng âm luật hát ả đào truyền thống, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã hoàn thiện công trình nghiên cứu của mình. Dự án “Hiệu chỉnh khuôn thước, âm luật và bài bản tại các CLB Ca trù Hải Phòng” của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam VICAS vừa kết thúc với sự dẫn dắt của ông.

Do dịch COVID-19, đến ngày 14/9/2020 dự án mới có thể bắt đầu. Thời gian huấn luyện đã phải rút gọn từ 7 xuống còn 2 tháng. Trong 2 tháng đó, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã phải hướng dẫn gấp rút cho cả ca nương (đào, người nữ hát), kép (nam, chơi đàn đáy) và quan viên (nam, đánh trống) để kịp kết thúc dự án.

Dự án đã áp dụng thành công các đồ hình và ký hiệu, giúp các đào, kép không biết đọc nhạc nhưng vẫn hiểu và làm theo được quy luật mới. Đây là dự án mang tính thể nghiệm trước với Hải Phòng trước khi có kế hoạch mở rộng ra nhiều địa phương khác.

Ông Hiền cho biết: “Các nghệ nhân nhà nghề cuối cùng như Nguyễn Phú Đẹ, Nguyễn Thị Chúc, Phó Thị Kim Đức đều phê phán lớp đào kép trẻ là hát không có nhịp phách, khuôn khổ. Bấy giờ tôi nghe không hiểu vì rõ ràng cô đào vẫn vừa hát vừa gõ phách. Trong 6 năm nghiên cứu, tôi vỡ òa khi nhận ra nhạc ả đào có khuôn thức riêng, là cấu trúc lắp ghép từ khổ đàn và khổ phách và nó có độ chính xác đến không tưởng. Hát không đúng khuôn thức chính là ‘hát không có phách và khuôn khổ.’ Các nghệ nhân không hề đếm, nhưng họ biết quá rõ về những khuôn hình, khổ đàn để nhận ra sự thiếu sót,” ông chia sẻ.

Mô hình hóa thành công âm luật ca trù sau nhiều năm thất truyền ảnh 1Ông Bùi Trọng Hiền (trái) cùng các ca nương, kép, quan viên Hải Phòng. (Ảnh: NVCC)

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền giải thích thêm: Ngày xưa tất cả các đào, kép đều được đào tạo từ tấm bé (khoảng 5, 6 tuổi, 10 tuổi) trong môi trường giáo phường - môi trường chuyên nghiệp với các thầy dạy đàn, các đào nương già dạy đào nương trẻ.

Khi bắt đầu làm nghề, đi hát ở giáo phường, cửa đình hay các nhà hát, họ tiếp tục được truyền dạy bởi bậc cha chú vững nghề. Vì thế nên khi xưa, các đào, kép được đào tạo nghề rất lâu và có môi trường chuyên nghiệp nên không xảy ra sai lệch.

Tuy nhiên, các nghệ nhân trẻ ngày nay thường chỉ theo học nghệ nhân vài năm rồi tự nghe băng, học bài hát, đàn, trống theo từng bài. Ông Hiền nhận định hát ả đào thể loại âm nhạc chuyển điệu nhiều nhất trong nền âm nhạc Việt Nam, thể hiện sự phát triển ở tầng bậc cao. Chính vì vậy, nghệ nhân xưa có lẽ phải cần tới hơn 10 năm mới thấm được những khuôn thức ấy vào người.

Mô hình hóa thành công âm luật ca trù sau nhiều năm thất truyền ảnh 2Các ca nương và kép ở giáo phường Hải Phòng, giáo phường Đông Môn. (Ảnh: NVCC)

Ba năm trước, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cũng đã áp dụng kết quả nghiên cứu của mình cho Câu lạc bộ ca trù Phú Thị (Gia Lâm, Hà Nội). Vì phần lớn các đào kép tham gia dự án này còn mới với loại hình ca trù đồng thời có sẵn kiến thức nhạc lý nên việc phổ biến kiến thức và áp dụng là khá suôn sẻ. Tuy nhiên, đến ngày nay đã có ca nương quên quy luật và hát thiếu phách.

Ngược lại, những ca nương, kép, quan viên tham gia dự án Hải Phòng đã quen nghề hàng chục năm nay. Buổi tập huấn lý thuyết đầu tiên dường như làm nhiều người choáng ngợp và khó chấp nhận khối kiến thức mới và quá lớn.

Nhiều người bỏ cuộc, số đào, kép ở lại với dự án chỉ còn 8 người (4 ca nương, 3 quan viên và 1 kép đàn) thuộc giáo phường Đồng Môn và giáo phường Hải Phòng. Tuy nhiên, họ rất sẵn lòng khổ luyện, học tập.

Đã hoạt động trong lĩnh vực ca trù 14 năm, ca nương Lương Hải Phượng (Giáo phường ca trù Hải Phòng) chia sẻ: Không dễ thay đổi theo âm luật mới vì đào nương cần cảm nhận được nhịp mới bằng tay, bằng cả cơ thể mình để có thể biến nhịp phách thành thói quen.

Chỉ như vậy, cô đào mới có thể tập trung luyến láy, hát. Có khi cả mấy ngày trời, chị chỉ tập một khổ, nhẩm trong đầu suốt cả ngày trong cả những lúc nấu cơm, làm việc nhà.

Để khắc phục vấn đề này, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đưa bài tập dùng 1 tay đấm vào tay còn lại thay vì gõ phách. Việc này giúp đánh thức cơ gân phản xạ thần kinh, khắc phục tình trạng không cảm nhận được việc đánh lúc nhanh lúc chậm.

Mô hình hóa thành công âm luật ca trù sau nhiều năm thất truyền ảnh 3Bài tập gập bụng luyện hơi của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền thiết kế cho ca nương. (Ảnh tư liệu của VICAS)

Bên cạnh đó còn có bài tập cúi gập người phục vụ cho việc để tập hát bằng bụng dưới thay vì khoang mũi, mang đến độ sâu về âm thanh, khả năng luyến láy tốt hơn, tạo ra nhiều bồi âm, làm âm thanh đầy đặn...

Nghệ sỹ ưu tú Đỗ Quyên, Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, chủ nhiệm giáo phường ca trù Hải Phòng chính là người đã chủ động mời ông Bùi Trọng Hiền tới thử nghiệm. “Hải Phòng dám thay đổi vì chúng tôi muốn giữ lại đúng nguyên bản quy luật của các bậc tiền nhân. Mình không được 10 phần như các cụ thì cũng phải cố được 5-7 phần,” bà bộc bạch.

Bà cũng kỳ vọng khuôn thức chuẩn sẽ giúp loại bỏ nguy cơ “tam sao thất bản” khi truyền dạy cho các thế hệ sau. Giáo phường Hải Phòng hiện có trên dưới 20 em nhỏ ở độ tuổi từ 7 đến 15, 16 tuổi.

Dự án tạm kết thúc, tuy nhiên ông Bùi Trọng Hiền cho biết còn rất nhiều nội dung hướng dẫn. Thời gian vừa rồi mới chỉ vừa kịp truyền tải kiến thức cơ bản về hiệu chỉnh khổ đàn, khổ phách. “Vẫn còn phải luyện tập cách hát, cách lẩy, cách ém hơi, nhả chữ, chỉnh sửa các ngón đàn… Câu chuyện không chỉ đơn giản là đưa công thức chỉ rồi áp dụng là xong.”

Mô hình hóa thành công âm luật ca trù sau nhiều năm thất truyền ảnh 4Dự án được kỳ vọng sẽ tiếp tục và được mở rộng cho nhiều địa phương. (Ảnh tư liệu của VICAS)

Phó giáo sư, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan nhận xét ông Bùi Trọng Hiền đã mang đến một phương pháp, cách làm hiệu quả, là người đầu tiên đưa lý thuyết vào giảng dạy trong cộng đồng thay vì chỉ ở trên trường lớp. Đây là việc mà Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam còn chưa làm được.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục