Vốn là một trong những quốc gia mà người dân có truyền thống tôn trọng cuộc sống gia đình, xã hội Italy hiện đại đang đối mặt với "cơn gió ngược" khi trong những năm gần đây, số các cuộc hôn nhân tan vỡ đã gia tăng đột ngột. Theo các nhà xã hội học, Italy đang trải qua thời kỳ "gia đình chia ly" mà các nước châu Âu khác đã trải qua trước đó.
Theo số liệu mới nhất được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 1/5, tại Italy trong năm 2016, tính theo tỷ lệ trung bình thì cứ 1.000 dân có 1,6 vụ ly hôn. Đây là tỷ lệ thấp so với Anh (1,7), Pháp (1,9), Đức (2,1), hay Tây Ban Nha (2,2).
[Sức khỏe của con trẻ bị ảnh hưởng tác hại khi bố mẹ bất hòa]
So với phần còn lại của thế giới, tỷ lệ các cặp đôi ly hôn tại Italy nói trên vẫn là con số đáng mơ ước khi ở Trung Quốc là 2,8, Mỹ là 3,2 và cao nhất là Nga - 5,1.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi tỷ lệ ly hôn tại hầu hết các nước hoặc giữ ở mức ổn định hoặc tăng từ từ, thì tại Italy, số các vụ ly hôn tăng gấp đôi trong gần một thập kỷ qua.
Cho đến tận năm 1970, ly hôn vẫn là một điều phạm pháp tại Italy. Ly hôn tại Italy đã trở nên dễ dàng hơn từ năm 2016.
Trước đó, một cặp đôi muốn ly hôn phải có ít nhất 3 năm sống ly thân. Pháp luật hiện hành đã rút ngắn thời gian thử thách tiền ly hôn này xuống còn 6 tháng với trường hợp cả vợ và chồng thuận tình ly hôn và 1 năm trong trường hợp một trong hai người không đồng ý.
Về lý do khiến cuộc sống gia đình trở nên khó khăn với nhiều cặp đôi tại Italy để họ buộc phải "đường ai nấy đi," các nhà xã hội học cho biết người dân Italy đã bớt tính truyền thống hơn những thế hệ trước và họ chú trọng hơn tới phát triển sự nghiệp cá nhân, thay vì dành sức lực và thời gian chăm lo cuộc sống gia đình.
Vì thế, mô hình gia đình truyền thống, trong đó người phụ nữ với thiên chức làm vợ và làm mẹ chỉ ở nhà chăm sóc và người chồng là trụ cột kiếm tiền, đã trở nên lỗi thời tại Italy./.