Ngày 23/1, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức buổi hội thảo về Mô hình đầu tư sáng tạo cho chăm sóc sức khỏe cơ bản tại Việt Nam ở Hà Nội.
Sự kiện đã kết nối các đối tác từ nhiều lĩnh vực, bao gồm đại diện từ Bộ Y tế, các công ty tư nhân và các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực y tế.
Trong bài phát biểu khai mạc, bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID, nhấn mạnh tầm quan trọng của chăm sóc sức khỏe ban đầu, chia sẻ rằng chăm sóc sức khỏe ban đầu không chỉ là vấn đề sức khỏe mà là một phần quan trọng để duy trì một cộng đồng khỏe mạnh, nâng cao hiệu quả giáo dục, thúc đẩy năng suất và khuyến khích công bằng xã hội.
Kể từ năm 2000, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao tỷ lệ sản phụ được chăm sóc thai sản trước sinh từ 29% lên 93% vào năm 2023, giảm thiểu tác động của các bệnh truyền nhiễm và gia tăng tuổi thọ trung bình thêm 3 năm.
Trong các thập kỷ tới, khi Việt Nam tiếp tục phát triển về mặt kinh tế và xã hội, lĩnh vực y tế sẽ trở nên ngày càng quan trọng. Nhiều cơ hội lớn đang tồn tại để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu bằng cách tích hợp các mạng lưới công, tư và kỹ thuật số; nhằm tạo ra một hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện và hiệu quả tại Việt Nam.
Tại buổi hội thảo, ông Arnaud Ginolin, Giám đốc Điều hành của Boston Consulting Group Việt Nam - tập đoàn tư vấn được USAID hợp đồng để phân tích hiện trạng chăm sóc sức khỏe ban đầu và trao đổi với các đơn vị tư nhân - đã trình bày về tiềm năng của nguồn vốn đầu tư hỗn hợp trong việc nâng tầm hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu của Việt Nam.
Nguồn vốn đầu tư hỗn hợp, thông qua việc kết hợp nguồn vốn từ nhà nước hoặc cơ quan phát triển với vốn đầu tư từ tư nhân để đưa vào các hoạt động phát triển bền vững, là một công cụ quan trọng nhằm mở khóa những nguồn lực trước đây chưa được tận dụng.
Từ năm 2018 đến 2020, các nhà đầu tư về phát triển đã đóng góp trung bình 89 triệu USD cho mỗi giao dịch thông qua việc trao vốn ưu đãi, công cụ đầu tư hỗn hợp phổ biến nhất, để khuyến khích tư nhân đầu tư vào các dự án có tác động xã hội tích cực.
Hội thảo cũng bao gồm phiên thảo luận với sự chủ trì của Giám đốc USAID, bà Aler Grubbs, có sự tham gia của đại diện từ khối tư nhân.
Các đại diện chia sẻ góc nhin về cơ hội trong thị trường hiện tại và thảo luận về những thách thức mà họ đối mặt khi đầu tư và phát triển chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam.
Một thách thức lớn được nhấn mạnh là sự thiếu hụt nguồn vốn dài hạn, rất quan trọng trong việc đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Các đại diện từ khối tư nhân cũng nêu lên sự cần thiết của một "môi trường thử nghiệm" để kiểm tra và đánh giá hiệu quả các mô hình dịch vụ mới. Những mô hình thành công có thể được mở rộng và triển khai thông qua sự tham gia của khu vực công để tối đa hóa hiệu quả.
USAID đang dẫn đầu phương thức hoạt động hợp tác để vượt qua những thách thức này. Chiến lược này nhằm đưa các đơn vị từ khối tư nhân và các bên liên quan khác đến với nhau để đưa ra các giải pháp tài chính và đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống y tế tại Việt Nam. Nguồn vốn hỗn hợp được xác định sẽ đóng vai trò then chốt trong cấu trúc hợp tác này./.