Chương trình đào tạo giáo viên chỉ gói gọn trong bốn năm học tại các trường đại học sư phạm mà chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng liên tục sau khi sinh viên ra trường; chưa có các chương trình cụ thể nhằm xây dựng ý thức trách nhiệm, tình yêu nghề cho giáo viên…
Đó là hàng loạt bất cập trong công tác đào tạo giáo viên hiện nay được các chuyên gia giáo dục chỉ ra tại Hội thảo “Đổi mới mô hình đào tạo và chương trình đào tạo của các trường đại học sư phạm.” Hội thảo do trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức chiều nay, ngày 26/4, tại Hà Nội.
Bỏ qua hai chặng
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lê Quang Sơn (Đại học Sư phạm Đà Nẵng), việc đào tạo giáo viên phải là một quá trình liên tục, bao gồm ba chặng cơ bản: Đào tạo trong giảng đường đại học, những năm đầu “nhập nghề” ở trường phổ thông và bồi dưỡng thường xuyên.
“Chúng ta phải hình dung cả ba chặng liên tục như vậy để tạo thành một tổng thể chung, thống nhất. Tuy nhiên, hiện nay, việc đào tạo giáo viên mới chỉ chủ yếu tập trung vào chặng đầu tiên và gần như bỏ qua hai chặng còn lại,” phó giáo sư-tiến sỹ Lê Quang Sơn bày tỏ.
Có cùng quan điểm trên, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Minh (Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng cho rằng, tiến trình đào tạo giáo viên của Việt Nam chậm đổi mới so với thế giới.
Cụ thể, theo ông Minh, mô hình giáo viên phổ thông trực tiếp kèm cặp cho sinh viên ngành sư phạm về kỹ năng, phương pháp giảng dạy, sinh viên vừa học vừa thực hành liên tục (đan xen một buổi lên lớp với một buổi thực tập thực tế môi trường giảng dạy tại các trường phổ thông) cũng rất được quan tâm phát triển tại nhiều quốc gia.
“Như vậy, cả giáo viên đã ra nghề và sinh viên đang học nghề đều được rèn luyện trong môi trường chuyên môn để trưởng thành. Việt Nam nên học hỏi mô hình này,” ông Minh cho hay.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đưa ra tại hội thảo cũng cho rằng, chương trình đào tạo giáo viên hiện nay chưa cân đối giữa việc đào tạo kiến thức khoa học cơ bản với đào tạo nghiệp vụ giảng dạy và bồi dưỡng ý thức trách nhiệm nghề nghiệp cho sinh viên theo học.
“Chương trình đào tạo hiện nay chưa có những môn học, hoạt động cụ thể, chính thức để dẫn được đến những phẩm chất quan trọng của người giáo viên như tình yêu nghề, ý thức trách nhiệm trong công việc. Theo tôi, việc đổi mới mô hình và chương trình đào tạo của các trường sư phạm phải tập trung vào phương diện này,” phó giáo sư-tiến sỹ Lê Quang Sơn phân tích.
Không thể làm tắt
Bên cạnh đó, tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, các trường đại học sư phạm không nên triển khai mô hình đào tạo theo kiểu: Trên cùng một khung chương trình đào tạo chung, tùy thuộc thời lượng và số lượng môn học, số lượng tín chỉ mà sinh viên tích lũy, đơn vị đào tạo sẽ cấp bằng đại học (với đủ điều kiện giảng dạy ở bậc trung học phổ thông) hay bằng cao đẳng (với các yêu cầu đủ để giáo viên giảng dạy ở bậc trung học cơ sở).
“Tôi không tán thành việc làm cơ học như vậy. Việc đào tạo giáo viên trung học cơ sở có những đặc thù riêng so với việc đào tạo giáo viên trung học phổ thông bởi học sinh thuộc hai cấp, bậc học này có những đặc điểm tâm lý lứa tuổi hoàn toàn khác nhau. Việc đào tạo giáo viên không đơn thuần là trang bị kiến thức khoa học cho sinh viên đi dạy,” bà Đào Thị Liên, Trưởng khoa Giáo dục Trung học cơ sở (Đại học Sư phạm Thái Nguyên) phát biểu.
Theo bà Liên, việc đào tạo giáo viên bậc trung học cơ sở hiện nay chủ yếu do các trường cao đẳng sư phạm đảm nhận.
Chia sẻ ý kiến của đại diện trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, phó giáo sư-tiến sỹ Lê Quang Sơn cho rằng: Việc đổi mới mô hình và chương trình đào tạo các trường đại học sư phạm cần phải đặt vấn đề đào tạo giáo viên trung học phổ thông (có trình độ đại học) và đào tạo giáo viên trung học cơ sở (có trình độ đại học) một cách độc lập.
“Chúng ta không thể xây dựng một chương trình đào tạo cử nhân sư phạm, để từ đó hy vọng vào một kết quả phụ kéo theo là có luôn chương trình đào tạo bậc cao đẳng sư phạm,” ông Sơn nhấn mạnh.
Tại hội thảo chiều nay, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cũng cho rằng, các trường đại học sư phạm nên xây dựng chương trình đào tạo cử nhân sư phạm bậc trung học cơ sở.
“Hiện nay, hầu hết các cấp đào tạo như mầm non, tiểu học, trung học phổ thông đều có khung chương trình đào tạo cử nhân; các trường sư phạm có khoa giáo dục mầm non, sư phạm tiểu học… Vậy tại sao giáo viên cấp trung học cơ sở lại không có bậc đào tạo đại học? Lâu nay, chúng ta vẫn quen với việc đưa giáo viên trung học phổ thông về dạy trung học cơ sở mà chưa có sự chuyên biệt hóa,” đại diện trường Đại học Sư phạm Hà Nội kiến nghị./.