Mô hình cô đỡ thôn, bản còn gặp nhiều khó khăn

Mô hình cô đỡ thôn, bản tại Lai Châu cũng như các địa phương khác cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu bền vững và phát triển rộng.

Mô hình cô đỡ thôn, bản được cho là một giải pháp phù hợp để chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân ở những vùng núi cao.

Tuy nhiên mô hình cô đỡ thôn, bản tại Lai Châu cũng như các địa phương khác cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu bền vững và phát triển rộng.

Người dân đã chấp nhận cô đỡ thôn bản

Tại tỉnh Lai Châu, mô hình này chỉ sau một thời gian góp phần xóa đi rào cản về tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng xa vùng sâu trong đó hàng trăm phụ nữ và trẻ sơ sinh được sự hỗ trợ của nhân viên y tế khi sinh nở.

Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà còn khá cao, đây chính là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tai biến sản khoa và những rủi ro khi sinh của cả mẹ lẫn con cũng rất cao.

Theo Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Lai Châu, tỷ lệ chết mẹ sau khi sinh tại tỉnh này vào khoảng 90 /100.000 ca sinh nở. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao cả mẹ lẫn con do phong tục tập quán của đồng bào vùng sâu, vùng xa cùng với địa hình cách trở nên đa phần phụ nữ đều sinh con tại nhà với sự hỗ trợ của chồng hoặc mẹ chồng.

Chị Lưu Thị Dịu, cán bộ Trạm Y tế - nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông, cho biết, việc triển khai dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ ở thôn bản gặp rất nhiều khó khăn do tập quán của bà con cũng như do bà con ngại tiếp xúc với cán bộ y tế. Qua thực tế hoạt động của các cô đỡ thôn, bản đã vận động chị em khám thai định kỳ cũng như đến cơ sở y tế sinh nở. Đối với những trường hợp không đến cơ sở y tế, các sản phụ đã chấp nhận cho cô đỡ trực tiếp khám thai, khám phụ khoa, đỡ đẻ cho sản phụ.

Cô đỡ thôn bản cũng là cầu nối quan trọng giữa Trạm Y tế và người dân. Là người địa phương, nên các cô đỡ luôn được người dân tin tưởng. Có thể khẳng định, sau thời gian triển khai mô hình cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số phù hợp với nhu cầu thực tế tại các huyện vùng cao của tỉnh, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa như tỉnh Lai Châu. Cô đỡ thôn bản đã góp phần tác động trực tiếp đến việc thay đổi hành vi của người dân trong thôn, đặc biệt là các đối tượng phụ nữ trong việc khám thai và đến đẻ tại cơ sở y tế.

Từ thực tế trên, ngành Y tế Lai Châu với sự hỗ trợ của Bộ Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ và phát triển đội ngũ cô đỡ thôn bản, những cô đỡ, bà đỡ dân gian, bà mụ ở các bản trong thời gian 6 tháng.

Năm 2012, Lai Châu đã bồi dưỡng cho trên 50 cô đỡ thôn, bản. Họ được bồi dưỡng những kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ về chăm sóc và theo dõi phụ nữ trong suốt thời gian mang thai, hướng dẫn và thông tin cho cán bộ y tế những trường hợp bất thường và tiếp cận hỗ trợ học khi lâm bồn.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Lai Châu, với những hiệu quả mang lại và nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, Lai Châu sẽ phát triển rộng mạng lưới cô đỡ thôn bản, phấn đấu khoảng 50% thôn bản trên toàn tỉnh có cô đỡ và bồi dưỡng cho khoảng gần 500 cô đỡ trong giai đoạn tiếp theo. Lai Châu hướng đến mục tiêu tới năm 2015, giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến thai sản xuống dưới 54/100.000 ca.

Còn nhiều khó khăn


Hiện không phải tất cả thôn bản ở Lai Châu cũng có cô đỡ, số lượng các cô đỡ còn quá mỏng so với địa bàn và nhu cầu thực tế ở các thôn bản.

Theo Sở Y tế tỉnh Lai Châu, để mô hình cô đỡ thôn bản mang tính bền vững, lâu dài cần phải được quan tâm đúng mức hơn, từ công tác đào tạo tập huấn thường xuyên, chế độ đãi ngộ, nguồn lực... Bởi chế độ phụ cấp, hỗ trợ từ chương trình cho các cô đỡ hiện nay là rất thấp và họ không được hưởng thêm một khoản nào khác, thậm chí ở một số xã không có chế độ phụ cấp.

Ngoài chế độ hỗ trợ, vấn đề lựa chọn và đào tạo người dân, những bà mụ trở thành cô đỡ cũng là một khó khăn lớn bởi không phải ai cũng có đủ trình độ tiếp nhận kiến thức để đáp ứng được yêu cầu đề ra. Công việc của những cô đỡ này không chỉ là giúp lúc chị em phụ nữ sinh nở mà ở đây có cả công việc của một tuyên truyền viên sức khỏe sinh sản, hoạt động ở nhiều phương diện y tế khác…

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế thì tính lâu dài, bền vững của mô hình này cần được quan tâm. Bởi ngoài mức hỗ trợ 50 nghìn đồng/tháng từ chương trình, các cô đỡ không nhận được một khoản thu nhập nào khác.

Theo đại diện Sở Y tế tỉnh Lai Châu, với mức thù lao quá thấp, công việc vất vả, đi lại khó khăn là những bất cập khiến mô hình cô đỡ thôn bản thiếu tính bền vững. Việc đào tạo cô đỡ cũng đang gặp không ít khó khăn. Điều kiện để tuyển các cô đỡ phải là người địa phương, đã có gia đình và trình độ văn hóa từ lớp 5 trở lên. Hơn nữa, do phụ cấp thấp quá nên gia đình nhiều em không cho đi.

Những nguyên nhân trên đã kéo theo nhiều khó khăn đến việc tăng số lượng, chất lượng và triển khai mô hình cô đỡ thôn, bản tại tỉnh Lai Châu nói riêng và các địa bàn vùng sâu, vùng xa khó khăn khác nói chung trên cả nước khó bền vững và đạt chất lượng cao.

Vi vậy để có thể duy trì, nhân rộng và sử dụng lâu dài đội ngũ cô đỡ thôn, bản lâu dài tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa thì mô hình này cần các cấp, ngành liên quan cần có những động thái quan tâm và tích cực hơn như chuẩn hóa chương trình, nội dung đào tạo, xem xét bổ sung chế độ đãi ngộ, chính sách hỗ trợ kinh phí…/.

Quang Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục