Mở Gian hàng quốc gia trên sàn thương mại điện tử để hỗ trợ xuất khẩu

Thương mại điện tử xuyên biên giới là cơ hội để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính, phát triển và duy trì thương hiệu của sản phẩm.
Đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cùng các doanh nghiệp tại buổi họp công bố chương trình “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chủ trì phối hợp với các đối tác lớn trong và ngoài nước gồm: Tập đoàn JD, Vinanutrifood, Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), VPBank, Visa... xây dựng và phát triển “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên nền tảng thương mại điện tử của JD hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp công bố chương trình “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30/11, tại Hà Nội.

Đây sẽ là khu gian hàng Việt Nam đầu tiên nền tảng thương mại điện tử quốc tế được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại thị trường nước nhập khẩu qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới

[60 giờ mua sắm lớn nhất trong năm sẽ bắt đầu từ 0 giờ ngày 3/12]

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Gian hàng Quốc gia Việt Nam sẽ là không gian hàng hoá Việt đầu tiên trên nền tảng thương mại điện tử tại thị trường Trung Quốc nói riêng và trên sàn thương mại điện tử quốc tế nói chung do Cơ quan phía Việt Nam (Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) chủ trì triển khai qua phương thức thông thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thông qua kênh này, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt từ vận hành, logistics, hỗ trợ tài chính và quảng bá hình ảnh ngay tại thị trường quốc gia nhập khẩu từ các cơ quan chức năng cũng như các đối tác của chương trình.

"Cục sẽ tổ chức, hướng dẫn các doanh nghiệp, thương hiệu Việt tham gia phân phối trên hệ thống của JD theo đúng quy định của Sàn thương mại điện tử và luật pháp tại nước nhập khẩu; tìm kiếm các nguồn lực từ các đối tác để quảng bá, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt phân phối thuận lợi trên nền tảng thương mại điện tử của JD, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc...," lãnh đạo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh.

Hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới được đánh giá là kênh nhanh nhất để kết nối trực tiếp với khách hàng, hỗ trợ hữu hiệu cho kênh phân phối truyền thống khi thương hiệu doanh nghiệp được quảng bá trực tiếp tại thị trường nhập khẩu.

Thương mại điện tử xuyên biên giới còn là cơ hội để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính, nơi tồn tại rất nhiều rào cản và tốn nhiều chi phí nếu giao thương theo cách truyền thống.../. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục