Ngày 22/5, Thời báo Kinh tế Sài gòn, Hội doanh nhân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh và nhãn hàng Tôn Colorbond của công ty NS Bluescope Việt Nam đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Hậu COVID-19: Chuẩn bị gì để trở lại đường đua?"
Qua đó, các chuyên gia đã tập trung thảo luận về những thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, cũng như doanh nghiệp khi các thị trường lớn của Việt Nam chịu tác động nặng nề của đại dịch.
Kinh tế toàn cầu thay đổi
Tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra rằng, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đều đưa ra dự báo bức tranh kinh tế "ảm đạm" của toàn cầu, kể cả từ nay đến cuối năm 2020.
Bên cạnh đó, cũng có một số chuyên gia dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ sớm phục hồi, nhưng điều này còn phục thuộc vào sự trở lại của những nền kinh tế lớn.
Đơn cử, chuỗi cung ứng toàn cầu được thiết lập từ trước đến nay với hầu hết ngành công nghiệp, sản xuất chủ yếu đặt tại Trung Quốc đã cho thấy sự "đứt gãy" gây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia.
Nhiều quốc gia phải tìm giải pháp mới trong chuỗi cung ứng và phòng, tránh rủi ro từ việc đầu tư nhiều một ngành sản xuất hay một quốc gia nào đó.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sẽ giúp nhiều quốc gia và doanh nghiệp tăng lợi ích trên đường đua cạnh tranh trong giai đoạn tất cả nền kinh tế đều phải tái cấu trúc; trong đó, Việt Nam còn được đánh giá là một điểm đến có thể bù đắp cho những công xưởng sản xuất lớn nhất của thế giới, cũng như có lợi thế về thu hút đầu tư, thương mại.
Đồng quan điểm, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, đối với Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu tích cực về đầu tư nước ngoài trong tháng 4/2020 vừa qua.
Điều này cũng minh chứng rằng, Việt Nam đã và đang có chủ trương nhất quán trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài và cùng với việc xác định những giải pháp căn cơ thì sẽ tạo được môi trường cạnh tranh, điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoại.
[Doanh nghiệp đón cơ hội bật dậy trong thời kỳ hậu COVID-19]
Tuy nhiên, cùng với chủ trương, cơ chế chính sách thì vẫn rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành và đồng hành của doanh nghiệp trong khâu thực thi. Bên cạnh thách thức thì luôn có cơ hội, nhưng doanh nghiệp có tận dụng được hay không là vấn đề cần có giải pháp thiết thực.
Ghi nhận ý kiến một số chuyên gia cho hay, doanh nghiệp cần chủ động đánh giá nội lực, khả năng cạnh tranh và những điều kiện thuận lợi để có chiến lược chinh phục thị trường toàn cầu.
Đồng thời, doanh nghiệp tránh lối tư duy FTA là cơ hội "vàng" hay "cứu cánh," trong khi đó lại bỏ quên những quy định, điều kiện để được hưởng ưu đãi từ những hiệp định này.
Các chuyên gia cũng đưa ra dự báo, về ngắn hạn những sản phẩm và dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực Việt Nam có thể cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Hay thị trường toàn cầu đang có nhu cầu lớn về nguồn cung lương thực, thực phẩm.
Ngoài ra, những lĩnh vực tiềm năng trên thị trường toàn cầu có thể kể thêm là thương mại điện tử, sản phẩm thân thiện với môi trường, công nghệ thông tin...
Mặt khác, thị trường toàn cầu sẽ xuất hiện thêm những nhu cầu mới và những mặt hàng trọng điểm của Việt Nam cũng sẽ phải thay đổi để thích ứng với nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trên thế giới.
Về kỳ vọng nâng cao chuỗi giá trị và năng lực tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có cơ hội ở trung hạn và dài hạn, cũng như phụ thuộc vào nội lực của nền kinh tế phục vụ trong thời gian tới.
Đặc biệt, ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, Việt Nam phụ thuộc vào hai yếu tố, gồm: sức mua của thị trường toàn cầu và mức độ cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu mặt hàng tương tự.
Chính sách mở đường
Tính đến nay, Việt Nam đã cải thiện và xây dựng được uy tín chất lượng và giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu nên những ưu đãi từ FTA mà Việt Nam tham gia sẽ góp phần mở đường cho nền kinh tế và doanh nghiệp trở lại đường đua thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế toàn cầu trở lại trong trạng thái bình thường mới, các quốc gia sẽ triển khai những cơ chế chính sách mới, áp dụng đối với nhiều lĩnh vực trọng yếu như đầu tư, xuất nhập khẩu, thương mại, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa...
Phân tích cụ thể, tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ các nước đang có xu hướng triển khai đồng loạt chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, thương mại... về lại nước mình.
Do đó, đối với lĩnh vực xuất khẩu, doanh nghiệp không nên chỉ kỳ vọng vào các FTA mà cần có những bước đi chiến lược phù hợp với từng ngành hàng và giai đoạn thực thi.
"Ở giai đoạn nền kinh tế trong nước và thị trường toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức, những điều kiện thuận lợi hay ưu đãi dù nhỏ cũng sẽ tạo ra được lợi thế nếu doanh nghiệp khai thác hiệu quả. Theo đó, có thể kể đến EU là một thị trường xuất khẩu lớn và tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, EU chỉ là sân chơi dành riêng cho Việt Nam mà còn nhiều quốc gia xuất nhập khẩu khác, nên doanh nghiệp cần chuẩn bị những điều kiện sẵn sàng đáp ứng cam kết và yêu cầu khắt khe của thị trường này," tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.
Đối với lĩnh vực thu hút đầu tư, một số chuyên gia cho rằng, ngoài tận dụng cơ hội chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất, cần tránh "bẫy" gia công và tạo áp lực cạnh tranh tại thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, để phòng, tránh rủi ro doanh nghiệp Việt bị thâu tóm thông qua hoạt động đầu tư, mua bán - sáp nhập (M&A) thì cần có những quy định định hướng cho lĩnh vực này phát triển minh bạch và thu hút nguồn vốn ngoại hiệu quả.
Theo ông Phan Hữu Thắng, trong bối cảnh hiện nay, xúc tiến đầu tư tại chỗ là một giải pháp cần thiết đối với nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, bộ, ngành và chính quyền địa phương cần tổ chức khảo sát và rà soát những dự án đã cấp phép đang gặp rào cản gì chưa giải ngân được và tháo gỡ kịp thời.
Qua đó, các bên liên quan phối hợp cùng đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư và xác định đây là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế trong thời gian tới.
Dự báo doanh nghiệp vẫn chịu sức ép khó khăn lâu dài sau COVID-19, nhất là khi mà các thị trường lớn của Việt Nam chịu tác động nặng nề từ đại dịch này.
Điều mà doanh nghiệp và cộng đồng xã hội đang mong chờ là những gói hỗ trợ của Chính phủ sớm được triển khai, chứ không phải là nhiều gói hỗ trợ nhưng vướng cơ chế, thủ tục hành chính và khó tiếp cận./.