Trái cây Việt Nam năm nay liên tiếp đón nhận những tin vui khi nhiều sản phẩm được mở cửa thị trường.
Ngay sau khi bưởi được thị trường Hàn Quốc đón nhận thì dừa tươi, sầu riêng đông lạnh cũng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Việc mở cửa chính thức thị trường cho các sản phẩm này sẽ giúp đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho trái cây Việt Nam.
Trong 8 tháng, xuất khẩu trái cây Việt Nam đã đạt 4,63 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu các loại trái cây kia sớm tận dụng được cơ hội thị trường thì xuất khẩu trái cây năm nay còn tăng tốc mạnh hơn nữa.
Chỉ riêng “vua trái cây” là sầu riêng thì mảng sản phẩm sầu riêng đông lạnh có thể đạt 400-500 triệu USD ngay trong năm 2024 - năm đầu tiên sau khi ký kết nghị định thư và sớm góp mặt trong danh sách mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị "tỷ đô" vào năm 2025.
Sầu riêng vẫn đang cho kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong ngành hàng trái cây, với kim ngạch khoảng 1,7 tỷ USD trong 7 tháng năm 2024, chiếm tỷ trọng 41% giá trị xuất khẩu trái cây.
Tây Nguyên là vùng trồng sầu riêng lớn nhất cả nước đang bước vào vụ thu hoạch rộ, bổ sung nguồn cung lớn cho xuất khẩu trái tươi và đông lạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, từ khi sầu riêng được thị trường Trung Quốc đón nhận đã có sự tăng trưởng rất cao.
Nắm bắt cơ hội này, các địa phương cũng đã xây dựng được vùng nguyên liệu với nhiều giống sầu riêng ngon, chất lượng cao; gắn với quy trình canh tác, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu chính ngạch sẽ là lợi thế rất lớn giúp ngành hàng đa dạng hóa sản phẩm, mang về giá trị cao hơn.
Theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, sầu riêng đông lạnh (Durio zibethinus) bao gồm quả sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ), có nguồn gốc từ quả sầu riêng tươi, chín được trồng ở Việt Nam.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, nguyên liệu của sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải có nguồn gốc từ các vườn sầu riêng được đăng ký.
Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và giới thiệu các doanh nghiệp đủ điều kiện cho phía Trung Quốc. Chỉ sau khi đăng ký, doanh nghiệp mới có thể xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc.
Các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP). Đi kèm với đó, là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản.
Bà Đoàn Thu Giang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Khang cho biết, cùng với xuất khẩu trái sầu riêng tươi, nay doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng các điều kiện để có thể xuất khẩu sầu riêng đông lạnh.
Hiện đang vào vụ sầu riêng ở Tây Nguyên, doanh nghiệp mong muốn sớm được công nhận để xuất khẩu sản phẩm này.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, sầu riêng đông lạnh sẽ giúp hạn chế tình trạng ứ đọng hàng hóa khi vào chính vụ. Đây là kênh sẽ giúp điều hòa sản lượng để ổn định giá cả, tăng thêm thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp.
Năm 2023, Trung Quốc chi gần 6,7 tỷ USD nhập sầu riêng tươi và hơn 1 tỷ USD sầu riêng đông lạnh.
Việc được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ cấp đông, công nghệ chế biến. Đây cũng sẽ là một “cuộc chơi” về công nghệ bảo quản.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, ngành hàng sầu riêng sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ khi Malaysia đàm phán thành công xuất khẩu quả tươi vào Trung Quốc. Tuy nhiên, loại “vua trái cây” này vẫn đang được nhiều nước ưa chuộng như Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ.
Thời gian vừa qua, do chạy theo số lượng, muốn bán giá cao nên một số thương lái, nhà vườn đã cố tình cắt những trái chưa đạt độ chín.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, điều này sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu ngành hàng và cả thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Do đó, cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp kiểm soát, chế tài hoặc đưa ra các quy định xử phạt nặng hành động thu hái sầu riêng non xuất khẩu.
Ông Đặng Phúc Nguyên cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm xây dựng ngay tiêu chuẩn quốc gia; trong đó quy định rõ các chỉ tiêu cho sầu riêng xuất khẩu tươi, đông lạnh. Qua đó, cơ quan chức năng cũng có cơ sở kiểm tra chất lượng một cách chính xác, khách quan.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xuất-nhập khẩu trái cây Chánh Thu đánh giá, không chỉ sầu riêng, với ngành hàng trái cây nói chung có thể thấy vẫn còn nhiều nút thắt, điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Đó là còn thiếu sự đồng bộ chất lượng sản phẩm, liên kết giữa các khâu trong chuỗi chưa được chặt chẽ, còn thiếu sự đầu tư về mặt khoa học, quy hoạch vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến chưa tương xứng…
Theo bà Ngô Tường Vy, đồng bộ cần thiết đầu tiên là chất lượng sản phẩm. Đây cũng là vấn đề khó nhất để xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt.
Sự đồng đều, đồng bộ sản phẩm đó đến từ cả một quá trình quản lý, từ quy trình sản xuất, quản lý đồng bộ, thậm chí có cả những quy định.
Theo đó, doanh nghiệp cần đồng hành, hỗ trợ người nông dân, giúp nông dân có kiến thức, có quy trình kỹ thuật đồng bộ đáp ứng được tiêu chuẩn đồng đều, có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó là sự quản lý giám sát của chính quyền địa phương về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm… để trái cây Việt vươn xa./.
Vì sao sầu riêng trở thành "vua quả" xuất khẩu của Việt Nam
"Vua" trái cây dẫn đầu kim ngạch trong nhóm rau quả xuất khẩu, hiện kim ngạch sầu riêng gấp 3,5 lần so với thanh long - loại quả từng giữ vị trí hàng đầu trong nhóm rau quả xuất khẩu của Việt Nam.