“Mở cửa lại bầu trời” liệu có an toàn khi COVID-19 chưa kết thúc?

Để việc đón khách quốc tế trở lại thực sự hiệu quả, các chuyên gia cho rằng phải tính toán thận trọng, khoa học, không vì lợi ích một ngành mà ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của cả nước.
“Mở cửa lại bầu trời” liệu có an toàn khi COVID-19 chưa kết thúc? (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vientam+)

Cho dù sự thật là “bóng đêm” mù mịt đang bao phủ lên toàn bộ nền kinh tế xanh thì những người làm nghề vẫn đang không ngừng hy vọng Chính phủ sẽ đưa ra những quyết sách rộng mở hơn để ngành du lịch sớm có cơ hội hồi sinh...

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng vaccine chính là “chìa khóa” giúp “mở cửa lại bầu trời” trong bối cảnh hiện nay. Bởi chỉ khi có miễn dịch cộng đồng, đặc biệt là miễn dịch ở lực lượng trực tiếp tham gia đón tiếp khách du lịch thì nền “công nghiệp không khói” mới đảm bảo an toàn.

Cần gì để “mở cửa lại bầu trời”?

Trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuần qua, đại diện Tổng cục Du lịch cho biết đang phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế thông qua "hộ chiếu vaccine" (chứng nhận tiêm chủng COVID-19).

[Thử nghiệm các tour cách ly khép kín có giúp ‘phá băng’ du lịch?]

Thời điểm này, cả ngành du lịch đều đồng lòng việc mở cửa đón khách quốc tế là quan trọng và cần thiết, nhưng vẫn ưu tiên cao nhất là phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

 Chính phủ cho thí điểm đón khách quốc tế trở lại giống như chiếc "phao cứu sinh" đối với ngành du lịch Việt. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Do đó, lãnh đạo Tổng cục khẳng định mô hình đón khách sẽ thí điểm từng bước về thị trường khách, hình thức chuyến bay, lựa chọn các điểm đến, sản phẩm phù hợp. Đặc biệt, những doanh nghiệp dịch vụ đủ năng lực và đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch mới được đón khách.

Tuy các doanh nghiệp như đang “ngồi trên lửa” hơn một năm qua, sức lực bị rút cạn kiệt dần nhưng trước những tín hiệu tích cực này, họ lại có thêm sợi dây hy vọng cho thị trường du lịch những tháng cuối năm.

Việc Chính phủ lựa chọn thí điểm Phú Quốc (Kiên Giang) cho mở cửa đón khách quốc tế cũng khả thi và phù hợp với nhu cầu. Hàng năm, từ tháng Mười là cao điểm đón khách quốc tế của địa phương, nếu chuẩn bị sớm du lịch Việt Nam sẽ sớm phục hồi với dòng khách này.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là cần sớm miễn dịch cộng đồng cho trên 90% người dân Phú Quốc cùng nhân lực phục vụ trong các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch mới có thể đảm bảo an toàn.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, dù dịch bệnh chưa chấm dứt, nhưng việc “mở cửa lại bầu trời” vẫn rất cần thiết. Ông đề xuất tiêm phòng đủ hai mũi vaccine cho lực lượng tham gia lĩnh vực du lịch và áp dụng triệt để 5K như một thói quen bắt buộc đối với người dân thành phố để du khách yên tâm và sẵn sàng lựa chọn Phú Quốc trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến cho rằng quy trình thí điểm đón khách quốc tế cần sự ủng hộ, vào cuộc của các bộ, ban, ngành như Y tế, Ngoại giao, Du lịch... Vấn đề đón khách quốc tế vẫn còn gây nhiều luồng ý kiến khác nhau, có thể ảnh hưởng đến du lịch nội địa, nhưng giải pháp có thể là phân khu đón khách quốc tế và nội địa riêng.

Cảnh đẹp nay hoang vắng bóng người vì COVID-19. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Về phía Hiệp hội, ông Bình cho biết đang ủng hộ ngành bằng việc triển khai xã hội hóa vaccine, kêu gọi người làm du lịch đóng góp vào quỹ vaccine Nhà nước. Hiện đã có 120.000 người đăng ký và số lượng ngày càng tăng.

Để du lịch dần phục hồi, theo các chuyên gia, cần số hóa dữ liệu những người được tiêm vaccine tại Việt Nam trên hệ thống phần mềm phù hợp thông lệ quốc tế. Bởi đến nay, đã có 1,5% dân số Việt Nam (khoảng 1,35 triệu người) được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19.

Dữ liệu này cần được số hóa theo hình thức như một hộ chiếu số (digital), thiết lập trên nền tảng công nghệ (thực tế, đây là mã code, tích hợp tất cả thông tin để người dân có “hộ chiếu vaccine” có thể tải lên điện thoại di động qua QR Code).

Thí điểm chuẩn bị lộ trình dài hơi

Buộc phải “cửa đóng then cài” để ngăn chặn dịch bệnh, nên năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt (giảm hơn 80% so với năm 2019); kể từ tháng 4/2020 đến nay, con số này chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, nhà đầu tư... nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.

Ngoài ra, năm 2020, với nỗ lực triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa của toàn ngành sau khi dịch bệnh được kiểm soát thì số lượng khách nội địa cũng chỉ đạt 56 triệu lượt; tổng thu 312.000 tỷ đồng, giảm 58% (tương đương 19 tỷ USD) so với năm 2019; có tới 60% lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm hoặc giảm ngày công. Thậm chí vào giai đoạn căng thẳng, 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động; hàng loạt khách sạn phải đóng cửa hoặc giảm công suất sử dụng phòng…

"Hộ chiếu vaccine" được coi là chìa khóa phục hồi du lịch toàn cầu. 

Đây thực sự là những con số biết nói để thấy đại dịch đã tàn phá ngành du lịch khủng khiếp thế nào. Vì thế, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng việc Chính phủ cho phép triển khai thí điểm “hộ chiếu vaccine” đón khách quốc tế giống như chiếc "phao cứu sinh" cho nền kinh tế xanh có cơ hội phục hồi sau thời gian dài ngấm đòn tê liệt.

Song, để việc đón khách thực sự hiệu quả, các chuyên gia cho rằng phải tính toán thận trọng, khoa học, không vì lợi ích một ngành mà ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của cả nước. Và dù đa số doanh nghiệp du lịch đang rất nóng lòng muốn được trở lại kinh doanh, song cũng đồng tình với quan điểm này.

Theo ông Phạm Hà, CEO Lux Group, việc chúng ta thực hiện thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc khá giống trường hợp Phuket của Thái Lan. "Điều cần làm ngay là phải tăng tốc tiêm chủng vaccine COVID-19 cho cả cộng đồng dân cư đảo ngọc và nhân lực trong ngành du lịch, ưu tiên đón khách quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ được quốc tế cũng như Việt Nam công nhận," ông Hà nói.

Về vấn đề này, lãnh đạo ngành du lịch cho biết Việt Nam sẽ thí điểm đón du khách từ các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 đạt miễn dịch cộng đồng; nơi đến là những khu du lịch, nghỉ dưỡng có thể kiểm soát được người vào an toàn; có quy trình kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước… Sau khi thí điểm, các cơ quan chức năng sẽ đánh giá hiệu quả thực tế để có thể tiếp tục lộ trình dài hơi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục