Ngày mai (15/3), toàn bộ các hoạt động du lịch sẽ trở lại trạng thái bình thường. Và, điều khiến các đơn vị lữ hành mong chờ nhất là việc mở cửa đón du khách quốc tế.
Song, để rộng lối đón khách ngoại, không chỉ cần Chính phủ phê duyệt kế hoạch cho giai đoạn mới, doanh nghiệp du lịch cũng phải nỗ lực đồng hành với lãnh đạo ngành xác định đúng đường để cả guồng máy cùng lăn bánh.
Lấy khách hàng làm trung tâm
Nhu cầu du lịch của người dân đang như chiếc lò xo bị nén sau quãng thời gian dài COVID-19 bùng phát. Chính vì thế, những kỳ nghỉ gần đây đã chứng kiến sự bùng nổ lượng khách nội địa ở các điểm đến, điều đó mang đến hy vọng lạc quan cho các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch về một ngày mai phục hồi tươi sáng.
Để phục hồi nền kinh tế xanh Việt Nam giai đoạn mở cửa hoàn toàn, ông Phạm Hà, CEO Lux Group cho rằng: “Trong ngắn hạn, muốn chiến lược mở cửa thành công chúng ta cần chia nhỏ thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững, và đúng mùa du lịch của khách vào mùa Hè như khách châu Âu (Đức, Tây Ban Nha, Anh, Pháp), Mỹ, Trung Đông và Australia. Thị trường gần trong ASEAN có thể phục hồi nhanh vì họ thích du lịch gần, nên ta có thể tập trung vào Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc có thể lâu hơn.”
[Cần nhanh chóng gỡ bỏ các rào cản để sớm phục hồi hoạt động du lịch]
Theo ông Hà, để khai thác hiệu quả dòng khách quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch cần chia thị trường mục tiêu theo ngôn ngữ, văn hóa và hành vi tiêu dùng. Đặc biệt, hàng không, lữ hành và điểm đến cùng xúc tiến quảng bá sẽ tạo hiệu ứng tốt tại thị trường mục tiêu, có thể có khách ngay từ tháng 5-6 tới và chuẩn bị tốt cho mùa cao điểm du lịch quốc tế từ tháng Chín.
“Chúng ta sẽ phải mất ít nhất 4-5 năm mới có thể phục hồi như năm 2019. Song, không nhất thiết phải chạy theo số lượng, năm sau phải cao hơn năm trước, mà cốt lõi là tập trung vào chất lượng, lấy khách hàng làm trung tâm để thỏa mãn họ, lắng nghe họ, tạo nhiều trải nghiệm, cơ chế chính sách mới thông thoáng, có nhiều chỗ giúp khách rộng hầu bao chi tiêu nhiều hơn,” ông Hà nói.
Đại diện nhiều doanh nghiệp nhận định năm 2022, du lịch nội địa vẫn là 'chiếc bình oxy' của nền kinh tế xanh nước nhà, với xu thế chính người Việt Nam du lịch Việt Nam. Cơ hội phục hồi của các điểm đến là như nhau, điểm đến nào thích ứng nhanh, linh hoạt, thay đổi tư du làm du lịch theo hướng bền vững sẽ phát triển tốt.
Các chuyên gia cho rằng du lịch Việt Nam có thể định vị thương hiệu giai đoạn mới là du lịch biển hay du lịch di sản với nhiều trải nghiệm mới lạ, giàu cảm xúc, hạ tầng cải thiện, chính sách visa thân thiện, du lịch tuần hoàn, bền vững. Được vậy chúng ta sẽ trở thành quốc gia du lịch trong khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tư duy đột phá để bứt tốc du lịch, cần có cơ quan chuyên trách phục hồi kinh tế xã hội, trong đó có du lịch; gỡ khó, gỡ rối chính sách theo hướng phục vụ và vướng mắc cho doanh nghiệp bằng đòn bẩy tài chính, cơ chế chính sách. Hà hơi tiếp sức 5% doanh nghiệp đã cầm cự được trong suốt hai năm qua, bởi đây chính là đội ngũ có nội lực và khả năng phục hồi.
Ông William Haandrikman, Tổng Quản lý Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi nhận định có 4 điểm chính doanh nghiệp cần lưu ý khi thực hiện mở cửa hoàn toàn là: Phải đặt vấn đề an toàn sức khoẻ khách hàng và nhân viên lên hàng đầu; đưa ra ưu đãi ngay tại các khách sạn, cơ sở lưu trú trong thành phố; xác định thị trường quốc tế trọng tâm; khách hàng khi du lịch đến Việt Nam sẽ quan tâm ẩm thực, văn hóa địa phương.
Tập trung 8 nhiệm vụ để vượt khủng hoảng
Thời điểm mở rộng cánh cửa du lịch đã cận kề nhưng còn đó rất nhiều công việc cần phải triển khai. Dẫu vậy, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định “toàn ngành đã sẵn sàng và đang hoàn tất các điều kiện để đảm bảo việc mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3 sẽ tốt nhất.”
Theo ông Khánh, để du lịch phục hồi hiệu quả, cần tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm.
Một, điều kiện tiên quyết cho sự thành-bại của việc mở cửa là phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Hai, khôi phục toàn bộ các chuyến bay thương mại thường lệ. Ba, để nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, cho phép áp dụng lại chính sách thị thực với khách nhập cảnh như thời điểm năm 2019.
Bốn, hiện Việt Nam đã công nhận “hộ chiếu vaccine,” giấy chứng nhận tiêm chủng của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng mới có 14 quốc gia công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam. Đây là một trong những rào cản trong việc đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Chỉ khi cân bằng được cung-cầu của khách inbound (khách quốc tế đến Việt Nam) và outbound (người Việt Nam du lịch nước ngoài) thì mới giảm chi phí các chuyến bay, giảm giá tour của các công ty du lịch.
Năm, chuẩn bị các điều kiện về năng lực phục vụ, cơ sở vật chất của ngành. Sáu, chuẩn bị kỹ về sản phẩm, các điều kiện khác để nâng cao năng lực cạnh tranh. Bảy, tiếp tục quảng bá chiến dịch “Live Fully In Vietnam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) và tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn đồng thời tập trung quảng bá du lịch Việt Nam tới các thị trường mục tiêu.
Tám, về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, sau hai năm chịu tác động nặng nề do đại dịch COVID-19, doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ đang có cần tiếp tục kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên.
Đây là những nội dung Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành chuẩn bị rốt ráo để thời điểm 15/3 có được những hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, doanh nghiệp kết nối lại các thị trường và khai thác được các nguồn khách trở lại Việt Nam.
“Tôi tin tưởng rằng doanh nghiệp du lịch và ngành du lịch Việt Nam sẽ sớm vượt qua giai đoạn khủng hoảng, phục hồi mạnh mẽ, góp phần tạo dựng từng bước đi vững chắc, tạo đà bứt phá cho toàn ngành phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn,” Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nói.
Clip giới thiệu các di sản, văn hóa Việt Nam: