Míttinh hưởng ứng 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ

Tình trạng bạo lực, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái hiện vẫn còn khá phổ biến, diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Míttinh hưởng ứng 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ ảnh 1Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tối 8/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tổ chức Lễ míttinh “Hưởng ứng 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, từ ngày 25/11-10/12/2015.

Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh tình trạng bạo lực, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái hiện vẫn còn khá phổ biến, diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Hiện nay, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái được coi như là một hành động vi phạm nhân quyền, có hệ thống và phổ biến trên thế giới, tồn tại dưới nhiều hình thức: bạo lực thể xác; bạo lực tinh thần; bạo lực tình dục; buôn bán phụ nữ, trẻ em gái; định kiến giới...

Tình trạng này là mối đe doạ đối với không ít phụ nữ và là một trở ngại lớn cho những nỗ lực để thúc đẩy phát triển, giữ gìn hòa bình và thực hiện bình đẳng trong xã hội. Do đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau nên công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tiên, bằng các hình thức khác nhau, mọi người phải lên án mọi hành vi bạo lực, thiết lập sự bình đẳng trong công việc, cuộc sống gia đình; thay đổi các hình thức đối xử với phụ nữ, trẻ em gái, nhằm xây dựng xã hội bình đẳng giữa nam và nữ.

Phó Chủ tịch nước nêu rõ trong tiến trình phát triển, hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn chú trọng thực thi các giải pháp về bình đẳng giới và đảm bảo an sinh xã hội để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Việc bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ và thực thi bình đẳng giới đã được khẳng định trong Hiến pháp và trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Nhiều chương trình, mục tiêu quốc gia đã được triển khai thực hiện; các cơ quan quản lý, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội tích cực tham gia; được quốc tế ủng hộ nên đã đạt được những kết quả khả quan. Có những lĩnh vực, khoảng cách về giới hầu như không còn, như lĩnh vực giáo dục ở trong tất cả các bậc học.

Phụ nữ Việt Nam hiện chiếm tới 48,4% lực lượng lao động, 24,4% số đại biểu Quốc hội và 25% số chủ doanh nghiệp là nữ. Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo và thực hiện bình đẳng giới...

Để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái mà Việt Nam là thành viên, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật và chỉ đạo các cấp, ngành triển khai đồng bộ các văn bản đó; nhanh chóng khắc phục những khó khăn, thách thức trong công tác này.

Phó Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục, vận động thay đổi nhận thức, trước hết là của nam giới và mọi người dân về vai trò to lớn của phụ nữ trong gia đình và xã hội; cần phổ biến kiến thức pháp luật về bình đẳng giới để không có sự phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái và chống mọi hành vi bạo lực với họ để pháp luật được thực thi nghiêm.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục chủ động, phối hợp triển khai các hoạt động cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cho cán bộ, hội viên của mình thực hiện tốt pháp luật về phòng chống bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và miền núi.

Phó Chủ tịch nước mong rằng Quỹ Dân số Liên hợp quốc cùng các tổ chức quốc tế tiếp tục giúp đỡ và phối hợp với Việt Nam trong việc thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái.

Lễ míttinh “Hưởng ứng 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” có ý nghĩa rõ nét, thể hiện sự lên tiếng của các tổ chức trong nước và quốc tế ủng hộ phụ nữ, trẻ em gái. Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời hưởng ứng ngày 25/11 - là ngày đã được Liên hợp quốc lựa chọn là "Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục