Mít Thái đầu năm có giá, nông dân Tiền Giang nâng cao thu nhập

Theo nông dân Tiền Giang, cây mít Thái cho thu hoạch gần như quanh năm, giá mít gần đây ổn định, lúc xuống thấp cũng ở mức 20.000 đồng/kg, còn khi cao điểm có giá trên 60.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong những ngày đầu Năm mới Tân Sửu, nông dân trồng mít Thái tại Tiền Giang phấn khởi bởi mít Thái đang có giá, mang lại thu nhập cao cho bà con.

Chị Nguyễn Thị Lệ, trồng khoảng 3.000m2 mít Thái chuyên canh (ba công đất) tại xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, cho biết mùng 4 Tết (15/2 dương lịch), chị thu hoạch gần 200kg mít, được thương lái thu mua với giá bình quân 38.000 đồng/kg, thu được 7,6 triệu đồng. So với trước Tết Nguyên đán, giá mít tăng hơn gần 10.000 đồng/kg.

Hiện nay, trong vườn chị đang còn một lứa mít sắp thu hoạch trong những ngày tới, ước không dưới nửa tấn mít (500kg).

[Nông dân Đồng Tháp thu lãi hơn 300 triệu đồng với mỗi ha mít Thái]

Chị Lệ cho biết cây mít Thái cho thu hoạch gần như quanh năm, giá mít gần đây ổn định, lúc xuống thấp cũng ở mức 20.000 đồng/kg, còn khi cao điểm có giá trên 60.000 đồng/kg. Người trồng mít có thu nhập ổn định, vượt trội so với một số cây trồng khác.

Nông dân Trần Văn Phải, cư ngụ tại xã Bình Phú, huyện Cai Lậy chuyển đổi 1ha đất lúa sang trồng mít Thái, cho biết 1ha đất trồng mít đầu tư chi phí ban đầu khoảng 300 triệu đồng, sau 2 năm tuổi trở đi đã cho thu hoạch.

Theo ông Trần Văn Phải, với giá mít Thái như hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi ha cho thu nhập từ 700-850 triệu đồng/năm. Nếu so với trồng lúa năng suất cao trước đây thì mức thu nhập từ mít Thái cao gấp chục lần.

Ông Phải cũng cho biết mít Thái dễ trồng, cho năng suất cao, đầu ra thuận lợi, thương lái thu mua tại vườn và giá cao nên rất nhiều nông hộ tại Tiền Giang đã làm giàu từ cây trồng này.

Bà con nhận định mít Thái có giá nhờ nhu cầu thị trường cao và việc tiêu thụ trong thời gian qua thuận lợi, dễ dàng.

Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, mít Thái là cây ăn quả mới được nông dân Tiền Giang lựa chọn trồng đại trà trong những năm gần đây đang cho triển vọng kinh tế cao.

Diện tích tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh như Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước, thị xã Cai Lậy...

Trong tương lai, để giúp nông dân trồng mít Thái an tâm đẩy mạnh sản xuất, địa phương chú trọng công tác quy hoạch vùng sản xuất tập trung, khuyến cáo nông dân không chuyển đổi cây trồng tràn lan không theo quy hoạch gắn với chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, hướng dẫn bà con biện pháp thâm canh, chăm sóc và quản lý dịch hại.

Bên cạnh đó, định hướng canh tác an toàn và truy xuất nguồn gốc theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP gắn với xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường cho nông sản hàng hóa nói chung và mít Thái nói riêng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục