Miss Grand Vietnam 2024 hé lộ trang phục văn hóa dân tộc đặc biệt chưa từng có

Tạo hình các trang phục văn hóa dân tộc sẽ trình diễn tại phần thi “National Costume” vừa được BTC hé lộ. Đáng chú ý, có những tác phẩm đặc biệt được làm từ tơ sen, bạc, thậm chí đất sét.
Một số tạo hình các trang phục văn hóa dân tộc sẽ trình diễn tại phần thi “National Costume” vừa được hé lộ. (Ảnh: BTC)

Ban tổ chức Miss Grand Vietnam 2024 vừa hé lộ loạt trang phục đồ sộ, được đầu tư nhiều tâm huyết dành cho dàn thí sinh của phần thi “National Costume” (trang phục văn hóa dân tộc). Theo đó, các đội thiết kế đã mang đến một không gian văn hóa hào hùng, đậm bản sắc truyền thống Việt Nam.

Những thiết kế kỳ công tôn vinh văn hóa Việt

Nổi tiếng với những bộ sưu tập áo dài được thực hiện thủ công tỉ mỉ cùng những chất liệu chất lượng từ nhiều vùng văn hóa Việt Nam, nhóm của nhà thiết kế Vũ Lan Anh đã ứng dụng nghệ thuật dệt may vào các trang phục văn hóa dân tộc năm nay.

Một trong những tác phẩm của nhóm này sử dụng là chất liệu quý tơ sen do nghệ nhân Phan Thị Thuật dệt trong 2 tháng từ 10.000-15.000 cuộn sen. Bên cạnh đó, mỹ nghệ gáo dừa cũng được đưa vào các bài dự thi. Vũ Lan Anh tiết lộ 1 bài dự thi được thiết kế có chiều cao tới 3,5 mét.

Bên cạnh đó, nhóm của huấn luyện viên Đặng Trọng Minh Châu sở hữu những thí sinh nhỏ tuổi tài giỏi. Tác phẩm “Bánh ít lá gai,” “Mỹ nhân ngư” hay “Mây tre” đều do các em 16-17 tuổi thiết kế. Nhà thiết kế Đặng Trọng Minh Châu cho biết dù nhỏ tuổi nhưng các thí sinh luôn thể hiện sự chuyên nghiệp, thái độ làm việc tích cực, biết lắng nghe, học hỏi, đặc biệt là luôn sáng tạo và mang đến những ý tưởng mới mẻ.

Một trong những tác phẩm của nhóm này sử dụng là chất liệu quý tơ sen do nghệ nhân Phan Thị Thuật dệt trong 2 tháng từ 10.000-15.000 cuộn sen. (Ảnh: BTC)

Không những thế, đội của nhà thiết kế Đặng Trọng Minh Châu còn thực hiện những tác phẩm vô cùng kỳ công với chiều dài ấn tượng, như “Tiên hạc” dài 3,5m, “Thạch long họa khắc” dài gần 4m, đặc biệt “Ngọc phương Nam” dài tới 6m. Đây đều là những thiết kế mang tính biểu tượng, tôn vinh văn hóa dân tộc Việt Nam.

Các thí sinh của Đặng Trọng Minh Châu rất quan tâm tới yếu tố chất liệu. Với thiết kế “Thạch long họa khắc,” thí sinh đã sử dụng chất liệu đất sét để tạo nên dáng dấp của tác phẩm. Ngoài ra, những chất liệu vải không gây hại cho môi trường được tác giả của “Tiên hạc” đặc biệt quan tâm và sử dụng.

Thiết kế đặc biệt 1 tỉ đồng

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực thiết kế thời trang mang linh hồn Việt Nam, trước đó nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng từng “chắp cánh” cho các ý tưởng trẻ, hiện thực hóa những sáng tạo bay bổng của các thí sinh của mùa giải National Costume Miss Grand Vietnam 2023.

Năm nay, trở lại đấu trường trang phục văn hóa dân tộc, Nguyễn Việt Hùng tiếp tục cùng thí sinh chi mạnh tay để thành hình cho các ý tưởng. Trong số đó, thiết kế “Khúc hoan ca Trường Sa” được làm bằng bạc khối vô cùng giá trị.

Các thí sinh Miss Grand Vietnam 2024 đã bước vào những buổi thử trang phục nhằm kịp thời điều chỉnh để mang đến những màn trình diễn hấp dẫn nhất vào tối ngày 30/7. (Ảnh: BTC)

Nhà tạo mẫu tiết lộ chi phí riêng cho chất liệu đã lên đến gần 600 triệu đồng, tổng thể tác phẩm được đầu tư gần 1 tỷ đồng. Tác phẩm được nghệ nhân Nguyễn Văn Bốn (Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam Hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam) trực tiếp chạm khắc. Bên cạnh đó, tác phẩm “Bản giao hưởng Điện Biên” cũng được đầu tư bạc khối phủ vàng.

Các thí sinh Miss Grand Vietnam 2024 đã bước vào những buổi thử trang phục nhằm kịp thời điều chỉnh để mang đến những màn trình diễn hấp dẫn nhất vào tối ngày 30/7.

Trong hai mùa “National Costume” trước đó, nhà thiết kế Nguyễn Minh Công đã thành công khi có nhiều màn trình diễn thiết kế thu hút được sự quan tâm từ công chúng, như: “Tự hào Việt Nam,” “Mỹ nữ Tứ bình,” “Gánh mẹ,” “Cô em Dao Đỏ”…

Trở lại với mùa giải thứ 3, Nguyễn Minh Công hứa hẹn mang đến nhiều tiết mục bùng nổ, hấp dẫn và quyết tâm giành được chiến thắng đầu tiên cho đội. Nhà thiết kế Nguyễn Minh Công bật mí một số tác phẩm tiêu biểu, độc đáo như tác phẩm thiết kế bộ rèm cửa bình phong nặng gần 100kg, tác phẩm làm từ chất liệu cẩm thạch và xà cừ… Nhóm nhà thiết kế Nguyễn Minh Công năm nay cũng sở hữu thí sinh nhỏ tuổi nhất.

Trước thềm đêm diễn đặc biệt, các thí sinh bày tỏ niềm háo hức chờ đợi được trình diễn “National Costume.” (Ảnh: BTC)

Đại diện ban tổ chức cho hay việc thử trước trang phục văn hóa nói chung và những bộ cồng kềnh nói riêng sẽ giúp thí sinh có thêm thời gian luyện tập và sáng tạo màn trình diễn phù hợp, cộng hưởng giữa cảm xúc, trình diễn, thời trang và văn hóa, nghệ thuật.

Trước thềm đêm diễn đặc biệt, các thí sinh bày tỏ niềm háo hức chờ đợi được trình diễn “National Costume” - một show diễn mang đậm chất văn hóa dân tộc truyền thống, với tinh thần đầy tự hào./.

Theo lịch trình mới, show diễn thời trang Vietnam Beauty Fashion Fest 8 và đêm diễn National Costume được diễn ra liên tiếp vào ngày 29/7 và 30/7; họp báo công bố vương miện được tổ chức vào ngày 2/8; đêm Chung kết ngày 3/8. Tất cả đều diễn ra tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Đáng chú ý, ban tổ chức cũng chính thức thông báo tại mùa giải năm nay, phần thi áo tắm không được tổ chức riêng như kế hoạch. Mặc dù không có phần thi riêng nhưng giải thưởng Best in swimsuit vẫn được trao cho cô gái có phần trình diễn áo tắm ấn tượng nhất trong đêm Chung kết.

Chia sẻ về quyết định này, Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho biết: “Phần thi áo tắm vốn là phần đặc trưng của cuộc thi Miss Grand International nói chung và Miss Grand Vietnam nói riêng. Tuy nhiên, vì một số lý do, ban tổ chức quyết định lược bỏ show diễn riêng dành cho phần thi này. Là người làm chương trình lâu năm trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn và đặc biệt về văn hóa - nghệ thuật, chúng tôi nghĩ cần có trách nhiệm, ý thức trong các quyết định tổ chức, có sự điều chỉnh sao cho phù hợp nhất.”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục