Minh Trị Duy tân 150 năm và góc nhìn từ các học giả Việt Nam

Với chủ đề “Nhìn lại cuộc cải cách Minh Trị của Nhật Bản," tham luận của các đại biểu đã làm rõ, luận giải một số nguyên nhân, tiền đề, động lực thúc đẩy phong trào cải cách.
Một góc Nhật Bản ngày nay. (Nguồn: City wallpaper)

"Minh Trị Duy tân 150 năm: Nhìn từ Việt Nam" là tên hội thảo quốc tế do Trường Đại học Kinh tế phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Việt-Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Waseda, Nhật Bản, tổ chức ngày 22/11, tại Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (21/9/1973-21/9/2018), 150 năm thực hiện cải cách Minh Trị của Nhật Bản; 25 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hội thảo có sự tham dự của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio; phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đại diện các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp và tổ chức Nhật Bản tại Việt Nam.

Hội thảo đã tạo một diễn đàn để các nhà nghiên cứu, học giả Việt Nam và Nhật Bản trình bày và thảo luận kết quả nghiên cứu của mình về ý nghĩa hiện đại của cải cách Minh Trị trên các khía cạnh kinh tế và văn hóa, cũng như mối quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh hội nhập, phát triển ngày nay.

Hội thảo nhằm tăng cường sự hiểu biết về những thay đổi kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhật Bản trong công cuộc thực hiện cải cách Minh Trị và ý nghĩa hiện đại của cải cách Minh Trị đối với các nền kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, hội thảo góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết về hiện trạng quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện Việt Nam-Nhật Bản trong bối cảnh hội nhập, phát triển trên cơ sở nhìn nhận từ ý nghĩa hiện đại 150 năm thực hiện cải cách Minh Trị.

Đây là cơ hội xây dựng một mạng lưới học thuật với các nhà khoa học, học giả của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Waseda, Nhật Bản và một số trường đại học, viện nghiên cứu của Nhật Bản, Việt Nam.

Hội thảo gồm 2 phiên: “Nhìn lại cuộc cải cách Minh Trị của Nhật Bản” và “Ý nghĩa của Minh Trị duy tân và sự phát triển kinh tế của Việt Nam."

Với chủ đề “Nhìn lại cuộc cải cách Minh Trị của Nhật Bản," tham luận của các đại biểu đã làm rõ, luận giải một số nguyên nhân, tiền đề, động lực thúc đẩy phong trào cải cách và đưa cuộc cải cách đến thành công.

Có thể nói, trong tiến trình phát triển của lịch sử Nhật Bản, thời kỳ Minh Trị có một ý nghĩa trọng đại. Nhờ có thành tựu của công cuộc cải cách mà Nhật Bản có thể tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trở thành cường quốc tư bản đầu tiên ở châu Á.

Các đại biểu khẳng định cải cách Minh Trị với vai trò và ý nghĩa lịch sử của nó, đã trở thành nhân tố thiết yếu trong việc thúc đẩy tiến trình phát triển của lịch sử Nhật Bản thời kỳ hiện đại.

Trên bình diện châu Á, những thành tựu của công cuộc cải cách còn có nhiều ảnh hưởng với các quốc gia khu vực. Không ít quốc gia châu Á đã hướng về đảo quốc và muốn đi theo con đường phát triển của Nhật Bản.

Các học giả cũng đưa ra nhiều bình luận về các cách đánh giá khác nhau về Minh Trị Duy tân trong giới khoa học xã hội Nhật Bản.

[Ra mắt bộ sách kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy tân tại Hà Nội]

Bên cạnh đó, các học giả đã trình bày một số liên hệ với tiến trình phát triển của Việt Nam trong cùng thời kỳ với Minh Trị duy tân và thảo luận về các nguyên nhân không thành công của Việt Nam.

Về chủ đề “Ý nghĩa của Minh Trị duy tân và sự phát triển kinh tế của Việt Nam," các tham luận đi sâu vào các thành tựu cải cách về kinh tế từ thời Minh Trị Duy tân.

Bắt đầu từ sự thay đổi trong nhận thức và tư duy của thế hệ lãnh đạo Nhật Bản, người Nhật đã đón nhận những tư tưởng, tri thức tiến bộ của nhân loại, đưa đất nước Nhật Bản giành được những kỳ tích trên con đường phát triển, xây dựng đất nước.

Riêng trong lĩnh vực kinh tế, những bài học mà cuộc cải cách này mang lại vẫn có ý nghĩa lớn đối với quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế của các quốc gia. Đó là các bài học phát huy lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may và một số ngành công nghiệp khác, từ đó cải thiện cơ cấu thương mại; tiếp thu công nghệ, tri thức nước ngoài để thực hiện công nghiệp hóa đất nước; thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân; sự hợp lý và nhất quán trong việc ban hành chủ trương, chính sách của nhà nước; nhanh chóng thích nghi về thể chế khi hội nhập kinh tế quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục