Theo thông tin từ Sở Văn hóa-Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, diễn viên điện ảnh Thẩm Thúy Hằng đã qua đời vào tối ngày 6/9 tại nhà riêng, hưởng thọ 83 tuổi.
Bà vừa là minh tinh màn bạc, vừa là biểu tượng nhan sắc một thời của điện ảnh Việt Nam.
Thẩm Thúy Hằng tên thật là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1940 tại Hải Phòng, sau đó theo gia đình di cư vào miền Nam.
Từ năm 16 tuổi, bà đã nổi tiếng là một hoa khôi xinh đẹp trong giới học sinh Sài Gòn. Bà tham gia cuộc thi tuyển diễn viên do hãng điện ảnh Mỹ Vân tổ chức, và vượt qua hàng ngàn thí sinh khác để giành giải nhất. Bà từng chia sẻ với báo chí rằng, lúc bấy giờ tuy không được đào tạo về diễn xuất, gia đình cũng không cho phép bà theo nghiệp diễn, nhưng vì đam mê nên bà đã bất chấp đi thi.
Với vai diễn đầu tiên Tam Nương trong phim “Người đẹp Bình Dương,” một phim đen trắng của hãng phim Mỹ Vân do nghệ sỹ Năm Châu đạo diễn, ra mắt năm 1958, Thẩm Thúy Hằng đã nổi lên như một ngôi sao điện ảnh. Cái tên “Người đẹp Bình Dương” đã theo Thẩm Thúy Hằng đi suốt cuộc hành trình nghệ thuật thập niên 1950-1960.
[Chiếu miễn phí hàng chục phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam]
Sau Tam Nương, Thẩm Thúy Hằng được các hãng phim liên tục mời vào vai chính. Bà đóng khoảng 60 phim và trở thành minh tinh số một thời điểm đó với tiền cátxê một triệu đồng cho một vai diễn (tương đương một kg vàng lúc bấy giờ).
Năm 1969, bà thành lập nhóm làm phim mang tên minh, tiền thân của hãng Vilifilms nổi tiếng ở Sài Gòn sau này. Bộ phim đầu tiên của bà trong vai trò chủ hãng là “Chiều kỷ niệm.” Sau đó bà tiếp tục cho ra đời các phim “Nàng,” “Ngậm ngùi”… đều thành công vang dội.
Thẩm Thúy Hằng liên tục tham dự các liên hoan phim quốc tế ở Hongkong, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Liên Xô… và đạt các giải thưởng lớn: Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Đài Bắc, Ảnh hậu Á Châu trong Liên hoan phim Á Châu tổ chức tại Hongkong và Đài Loan năm 1972-1974, Nữ diễn viên khả ái nhất tại Liên hoan phim Moskva và Tasken tại Liên Xô năm 1982...
Thẩm Thúy Hằng cũng tham gia những bộ phim điện ảnh cách mạng như: “Như thế là tội ác,” “Ngọn lửa Krông Jung,” “Nơi gặp gỡ của tình yêu,” “Hồ sơ một đám cưới,” “Đám cưới chạy tang”... Ở lĩnh vực sân khấu, Thẩm Thúy Hằng có những vai diễn ấn tượng trong “Cho tình yêu mai sau,” “Đôi bông tai,” “Hoa sim gai trắng,” “Biệt thự hoang tàn”... Vai diễn cuối cùng của bà là Phồn Y trong vở “Lôi Vũ” của đoàn kịch Kim Cương. Bà đã được trao danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú năm 1984.
Thẩm Thúy Hằng cùng Thanh Nga, Kiều Chinh, Kim Cương được mệnh danh là tứ đại mỹ nhân của Sài Gòn một thời.
Những năm cuối đời, bà sống khép kín tại nhà riêng ở khu Thanh Đa (quận Bình Thạnh), tu tại gia và nghiên cứu thiền học.
Đạo diễn, nhà báo Thanh Hiệp (Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ sự thương tiếc trước thông tin diễn viên Thẩm Thúy Hằng qua đời. Anh chia sẻ kỷ niệm khi đi xem “Lôi Vũ” tại Nhà hát Hòa Bình, xem đến 10 suất và lần nào cũng được Thẩm Thúy Hằng cho mấy viên trần bì nhét vào tay, vừa ngồi xem Phồn Y vừa thích thú vì nhận được quà của đàn chị.
Đạo diễn Thanh Hiệp đánh giá Thẩm Thúy Hằng xứng đáng được xem là bức tượng đài về nhan sắc của điện ảnh Việt thập niên 70. Ngoài thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc, Thẩm Thúy Hằng được quý trọng vì luôn nâng đỡ đàn em.
Suất diễn nào cũng thấy Thẩm Thúy Hằng bóc một thỏi son mới, đạo diễn Thanh Hiệp thắc mắc thì nhận được câu trả lời: “Hằng mới tặng cho cô bé diễn viên trẻ trong đoàn rồi, nên xài cây mới. Lát coi ai thiếu thì tặng nữa, rồi mai mua cây khác.”
“Nụ cười và cử chỉ của Phồn Y - Thẩm Thúy Hằng không làm sao tôi quên được. Chị mãi mãi sống trong lòng công chúng về tài năng, vẻ yêu kiều, quý phái của một nữ minh tinh hàng đầu điện ảnh Việt một thời,” đạo diễn Thanh Hiệp nói./.